Tài nguyên thiên nhiên

|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+

1. Tài nguyên đất

Bản đồ các nhóm đất chính tỉnh Bắc Giang (nguồn: bacgiang.gov.vn)

Toàn tỉnh Bắc Giang có 382.200 ha đất tự nhiên, bao gồm 123.000 ha đất nông nghiệp, 110.000 ha đất lâm nghiệp, 66.500 ha đất đô thị, đất chuyên dùng và đất ở và khoảng 82.700 ha các loại đất khác. Tài nguyên đất được chia thành 06 nhóm chính:

- Nhóm đất đỏ vàng: Diện tích khoảng 241.358 ha (chiếm 63,13%) là nhóm đất chính, có màu nâu đỏ, đỏ nâu, đỏ vàng tùy theo mẫu chất, quá trình phong hóa và quá trình tích lũy hữu cơ.

- Nhóm đất phù sa: Diện tích khoảng 50.246 ha (chiếm 13,14%) phân bố chủ yếu ở ven các sông, có hàm lượng dinh dưỡng khá.

- Nhóm đất bạc màu: Diện tích khoảng 42.897 ha (chiếm 11,22%) tập trung nhiều ở các huyện: Việt Yên, Tân Yên, Hiệp Hòa, hàm lượng dinh dưỡng thấp, tơi, xốp, thoát nước tốt.

- Nhóm đất xói mòn: Diện tích khoảng 18.809 ha (chiếm 4,92%) có đặc điểm là tầng đất mỏng, độ phì kém, khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

- Nhóm đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ: Diện tích khoảng 6.546 ha (chiếm 1,71%), phân bố chủ yếu ở các thung lũng nhỏ, giữa các dãy núi. Hình thành từ rửa trôi và lắng đọng các loại đất nên thường có độ phì khá.

- Nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi: Diện tích 1.008 ha (chiếm 0,27%), phân bố ở các ngọn núi cao giáp dãy núi Yên Tử và giáp tỉnh Thái Nguyên.

2. Tài nguyên nước

Bắc Giang có nhiều hồ có trữ lượng nước lớn và cảnh quan đẹp (nguồn: bacgiang.gov.vn)

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 3 con sông chảy qua là sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam với tổng chiều dài 347 km, lưu lượng lớn và có nước quanh năm. Ngoài ra còn có hệ thống ao, hồ, đầm, mạch nước ngầm có trữ lượng khá lớn. Lượng nước mặt, nước mưa, nước ngầm đủ khả năng cung cấp nước cho các ngành kinh tế và sinh hoạt.

- Sông Cầu: đoạn chảy qua địa phận Bắc Giang có chiều dài 101 km, lưu lượng khoảng 4,2 tỷ m3/năm. Hệ thống thủy nông trên sông Cầu phục vụ nước tưới cho các huyện: Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa, một phần thành phố Bắc Giang.

- Sông Lục Nam: đoạn chảy qua địa phận tỉnh Bắc Giang có chiều dài khoảng 150 km, lưu lượng khoảng 1,86 tỷ m3/năm. Trên hệ thống sông Lục Nam có khoảng 170 công trình chủ yếu là hồ, đập để phục vụ nước tưới cho các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam.

- Sông Thương: có chiều dài 87 km, lưu lượng 1,46 tỷ m3/năm. Trên sông Thương đã xây dựng hệ thống thủy nông Cầu Sơn phục vụ nước tưới cho huyện Lạng Giang, một phần các huyện: Lục Nam, Yên Dũng và thành phố Bắc Giang.

- Hồ, đập: Bắc Giang có khoảng 70 hồ chứa lớn với tổng diện tích gần 5.000 ha, một số hồ có diện tích và trữ lượng nước khá lớn như: Hồ Cấm Sơn (307 triệu m3), hồ Suối Nứa (6,27 triệu m3); hồ Hố Cao (1,151 triệu m3)...

- Nguồn nước ngầm: Lượng nước ngầm ở Bắc Giang ước tính khoảng 0,13 tỷ m3/năm, chất lượng nước ngầm khá tốt, dùng được trong sinh hoạt và làm nước tưới trong nông nghiệp. Tuy nhiên, nước ngầm phân bố không đồng đều tập trung tại khu vực trung du như huyện Lạng Giang, Tân Yên, Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng.

3. Tài nguyên rừng

Diện tích đất lâm nghiệp tỉnh Bắc Giang có khoảng 146.435,4 ha, bao gồm 14.093,3 ha rừng đặc dụng; 18.879,9 ha rừng phòng hộ; 113.462,2 ha rừng sản xuất. Rừng ở Bắc Giang có vai trò quan trọng trong việc phòng, chống xói mòn, rửa trôi, ngăn lũ ống, lũ quét và phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ vùng hạ du đồng bằng Bắc bộ.

Tài nguyên rừng của tỉnh Bắc Giang có hệ thực vật rừng phong phú (Ảnh minh họa)

Tài nguyên rừng của tỉnh Bắc Giang có hệ thực vật rừng phong phú với 276 loài cây gỗ; 452 loài cây dược liệu quý có giá trị kinh tế và giá trị y học rất lớn như: Táu mật, sến, giẻ, trám, pơ mu, gụ, lim xanh, xoan đào, ba kích (mã kích), linh chi, quế,… Bên cạnh đó là hệ động vật rừng đa dạng là nguồn gen quý phục vụ cho nghiên cứu khoa học và y học với nhiều loài quý hiếm tập trung chủ yếu ở khu bảo tồn Tây Yên Tử: cu ly lớn, voọc đen, tê tê, chó sói, gấu ngựa, báo gấm, beo, hươu, lợn rừng, sơn dương, sóc bay lớn, sóc bay đen trắng, khỉ đuôi lợn, khỉ vàng, rùa….

4. Tài nguyên khoáng sản

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã điều tra, phát hiện được một số mỏ và điểm mỏ khoáng sản của 15 loại khoáng sản gồm các loại:

Khoáng sản nhiên liệu (than): Phân bố chủ yếu tại các huyện Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế, Lục Ngạn.

Khoáng sản kim loại: Có quặng sắt (Yên Thế) quặng đồng (Lục Ngạn, Sơn Động), chì, kẽm (Yên Thế, Lạng Giang, Sơn Động), vàng (Yên Thế, Lục Ngạn), thủy ngân (Lục Nam).

Khoáng chất công nghiệp: Có barit (Tân Yên, Hiệp Hòa, Yên Thế) , kaolin (Yên Dũng), than bùn (Việt Yên Lục Nam), felspat (Hiệp Hòa).

Khoáng sản vật liệu xây dựng: Gồm sét, gạch, ngói, cát, cuội, sỏi, đá xây dựng, sét gốm, sét chịu lửa,... được phân bố rải đều trên các huyện thuận lợi cho việc khai thác, chế biến phục vụ cho xây dựng công nghiệp, dân dụng, giao thông . 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 8,199
Tổng số trong ngày: 696
Tổng số trong tuần: 11,176
Tổng số trong tháng: 39,011
Tổng số trong năm: 275,752
Tổng số truy cập: 4,058,357