Điểm văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong tuần (từ ngày 28/4 - 04/5/2024)

|
ページビュー:
dark-mode-label OFF
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Tăng cường quản lý an toàn, vệ sinh lao động và chủ động phòng ngừa, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội; Chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; Duy trì, cải thiện Chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI năm 2024;… là những văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh từ ngày 28/4 - 04/5/2024.
Tăng cường quản lý ATVSLĐ và chủ động phòng ngừa, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Tăng cường quản lý ATVSLĐ và chủ động phòng ngừa, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Ngày 29/4/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2169/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và chủ động phòng ngừa, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường công tác quản lý ATVSLĐ; đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ. Phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp về chấp hành các quy định pháp luật ATVSLĐ.

Sở Xây dựng yêu cầu các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công các công trình đang thi công xây dựng trên địa bàn tỉnh thường xuyên rà soát công tác đảm bảo an toàn, khắc phục các nguy cơ gây mất an toàn tại các công trình đang xây dựng. Thực hiện tốt công tác quản lý an toàn lao động (ATLĐ) trong thi công xây dựng các công trình. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác ATVSLĐ đối với các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh chỉ đạo doanh nghiệp trong các khu công nghiệp sử dụng lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ phối hợp với công đoàn cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ; thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, bảo vệ sức khỏe cho người lao động, giảm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND xã, phường, thị trấn nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành quy định về ATVSLĐ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ. Kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về ATVSLĐ thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội

Ngày 30/4/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 2,35%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40 - 45%. 62% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội và 50% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ 100% gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trong năm 2024…

Theo đó, các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch, nêu cao trách nhiệm giải trình, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân tiếp cận chính sách xã hội.

Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Triển khai thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công, nhất là người ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người gặp khó khăn trong cuộc sống. Có chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe, nhà ở, giáo dục đào tạo, việc làm, sản xuất và tạo thuận lợi cho người có công và thân nhân tiếp cận các dịch vụ xã hội.

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều, bao trùm, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống lâu dài cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ xã hội. Nâng cao chất lượng các dịch vụ việc làm, bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội và hệ thống cơ sở dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người có công với cách mạng, trẻ  em mồ côi, người cao tuổi, người khuyết tật không nơi nương tựa.

Chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh

Ngày 03/5/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2225/UBND-KGVX về việc chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Nắm chắc tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, chủ động xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh, không để dịch bùng phát, lan rộng. Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết. Tăng cường kiểm tra, giám sát, sớm tháo gỡ các khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Sở Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh, chủ động phân tích tình hình, đánh giá nguy cơ, tham mưu đề xuất với UBND tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời. Tăng cường hệ thống giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao. Đảm bảo đầy đủ thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch.

Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường giám sát chủ động, phát hiện sớm và xử lý kịp thời dịch bệnh trên động vật, nhất là cúm gia cầm, bệnh dại, bệnh than..., thường xuyên chia sẻ thông tin với ngành y tế để triển khai các biện pháp phòng lây nhiễm sang người; thực hiện tốt quản lý đàn chó, mèo và tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, vật nuôi.

Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ. Tăng cường truyền thông học đường về phòng, chống dịch bệnh và tiêm vắc xin phòng bệnh; thực hiện tốt công tác y tế trường học, phát hiện kịp thời những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, thông báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để phối hợp kịp thời xử lý.

Duy trì, cải thiện Chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI năm 2024

Ngày 03/5/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 87/KH-UBND duy trì, cải thiện Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh Bắc Giang năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, địa phương tiếp tục duy trì các Chỉ số nội dung đạt kết quả tốt. Trong 08 Chỉ số nội dung đánh giá, có 06 Chỉ số nội dung cần duy trì, gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Quản trị Điện tử; TTHC công.

Các cơ quan, địa phương (đặc biệt là cấp xã, là cấp trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc với Nhân dân) tăng cường tuyên truyền đến người dân trên địa bàn về các chính sách của địa phương, về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác giải trình, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường đối thoại với Nhân dân; chú trọng kiểm soát, phòng, chống tham nhũng trong khu vực công; tăng cường kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Đối với các Chỉ số nội dung cần cải thiện, trong 08 Chỉ số nội dung đánh giá, có 02 Chỉ số nội dung cần cải thiện trong năm 2024, gồm: Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường. Các cơ quan, địa phương căn cứ nhiệm vụ được phân công triển khai thực hiện có hiệu quả./.

BGP

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

アクセス中: 23,388
1日当たりのページのアクセス回数: 1,151
1週間当たりののページのアクセス回数: 4,687
1か月当たりのページのアクセス回数: 79,372
1年間当たりのページのアクセス回数: 405,528
ページのアクセス回数 : 4,188,133