Đối ngoại Bắc Giang: Chủ động, linh hoạt trong đại dịch Covid-19

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trước đòi hỏi phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới, công tác đối ngoại ở Bắc Giang đã sớm chủ động, linh hoạt với tinh thần cao nhất trong phòng chống đại dịch Covid-19, góp phần khôi phục kinh tế - xã hội hiệu quả.

MAI SƠN

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND TỈNH BẮC GIANG 

Điểm sáng về tăng trưởng và phục hồi kinh tế 

Năm 2020, dù là một năm khó khăn do thiên tai, dịch bệnh tác động nặng nề đến kinh tế-xã hội trong nước và thế giới, tỉnh Bắc Giang vẫn là một trong những điểm sáng về tăng trưởng và phục hồi kinh tế, với tốc độ tăng trưởng cả năm đứng đầu toàn quốc, đạt 13,02%. Năng suất lao động xã hội tăng 9,9%, ước đạt gần 110 triệu đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 2.900 USD, tăng 14,2% so với năm 2019.

Toàn tỉnh đã thu hút được gần 1,25 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, tăng 6,8% so với năm 2019. Giá trị xuất khẩu đạt trên 11,2 tỷ USD (vượt 18% kế hoạch), giá trị nhập khẩu đạt gần 10,6 tỷ USD (vượt 15% kế hoạch).

Tuy nhiên, đầu tháng 5/2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Bắc Giang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Tỉnh phải tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp (KCN), thực hiện phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội nhiều huyện, thành phố.


Đoàn công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Công ty TNHH Fuhong precision component. (Nguồn: Báo Bắc Giang)

Bối cảnh đó ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động đối ngoại. Bắc Giang đã chủ động hoãn tổ chức các sự kiện đối ngoại, giảm số lượng, quy mô tiếp các đoàn khách quốc tế, hoãn thực hiện các đoàn ra đã được phê duyệt.

Các hoạt động đối ngoại như ngoại giao văn hóa, ký kết thỏa thuận quốc tế, hội nghị, hội thảo quốc tế... giảm nhiều so với các năm trước.

Sau 2 tháng dồn lực cho công tác phòng, chống dịch, từ ngày 1/7, Bắc Giang đã chính thức chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”.

Theo đó, để thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế, nhất là hoạt động sản xuất công nghiệp, tỉnh đã chủ động đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, khôi phục lại hoạt động sản xuất.

Các doanh nghiệp (DN) đã chủ động đăng ký hoạt động trở lại và cam kết đảm bảo các yêu cầu về công tác phòng, chống dịch; các doanh DN xuất khẩu tập trung mở rộng thị trường, quy mô, tăng thêm số lượng đơn hàng, nhất là ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài trong các khu, cụm công nghiệp.

Năm 2021, Bắc Giang đặt mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 14,8 tỷ USD, tăng 32,2% so với năm 2020. Bên cạnh điểm sáng về công tác phòng chống dịch, tỉnh cũng đang có nhiều giải pháp để tích cực thu hút đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”.

Đến nay, tại 6 KCN với tổng số 369 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, đạt tỷ lệ 100% với 151.674 lao động (tăng 1.174 lao động so với thời điểm dịch bùng phát).

Nhiều doanh nghiệp ở Bắc Giang đã chủ động đăng ký hoạt động trở lại và cam kết đảm bảo các yêu cầu về công tác phòng, chống dịch (ảnh Công ty TNHH Fuhong precision component). (Nguồn: Báo Bắc Giang)

Các DN quy mô lớn đang phục hồi sản xuất nhanh, số lao động ở mức tương đương, thậm chí nhiều hơn so thời điểm trước dịch bùng phát, điển hình như: Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải hơn 38 nghìn lao động, đạt 116,9%; Tập đoàn Luxshare hơn 37,7 nghìn lao động, đạt 113,1%; Công ty TNHH Crystal Martin khoảng 7,8 nghìn lao động, đạt 88,4%; Công ty TNHH Samkwang Vina là hơn 3,1 nghìn lao động, đạt 177,5%...

Đẩy mạnh Ngoại giao kinh tế và “ngoại giao thời đại dịch”

Thời gian qua, Bắc Giang tiếp tục triển khai Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhiều KCN nằm cạnh đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. (Nguồn: Báo Bắc Giang)

Tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát dịch vào đầu tháng 5/2021 nhưng Bắc Giang vẫn đứng thứ 8 cả nước về thu hút vốn FDI, với số vốn đăng ký mới và bổ sung đạt hơn 800 triệu USD, chiếm khoảng 5% cả nước.

Một số dự án có quy mô lớn như Dự án của Nhà đầu tư Foxconn Singapore Pte Ltd với tổng vốn đăng ký 293 triệu USD; Dự án của Nhà đầu tư Ja Solar Investment (Hong Kong) với tổng vốn đăng ký 210 triệu USD. Lũy kế đến nay, Bắc Giang có 484 dự án FDI đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 6.830,15 triệu USD, đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, song vẫn giữ được mức tăng mạnh. Giá trị xuất khẩu 8 tháng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt 8.540 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ, bằng 57,7% kế hoạch; giá trị nhập khẩu đạt 9.175 triệu USD, tăng 49,2% so với kế hoạch, đạt 69% kế hoạch năm.

Để đạt được những kết quả đó, tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều giải pháp như: thực hiện song hành hai nhiệm vụ “vừa chống dịch, vừa khôi phục sản xuất”, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phương án tổ chức lại hoạt động sản xuất đảm bảo an toàn với phương châm “sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất”.

Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Hỗ trợ khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại nhằm tích cực hỗ trợ, quan tâm đặc biệt đến việc nối lại hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp; hoạt động xúc tiến thương mại đổi mới theo hướng năng động, linh hoạt; đẩy mạnh thực hiện các hoạt động thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, công tác đối ngoại cũng có nhiều đổi mới, sáng tạo. Thông tin đối ngoại tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, an toàn dịch bệnh được đẩy mạnh; các hình thức kết nối trực tuyến, trao đổi qua email và phương tiện điện tử được khai thác tối đa; chủ động và đổi mới phương thức vận động viện trợ Phi chính phủ nước ngoài (PCPNN), hoàn thiện quy chế quản lý hoạt động của các tổ chức này trên địa bàn...

Trong giai đoạn khó khăn, các hoạt động xúc tiến thương mại tiếp tục được đẩy mạnh theo chiều sâu, chuyên biệt hơn, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Trong đó, nổi bật, với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, tháng 3/2021, vải thiều Lục Ngạn đã được Nhật Bản cấp văn bằng Chỉ dẫn địa lý, tạo thuận lợi lớn cho việc mở rộng thị trường và nâng cao giá trị cây đặc sản của địa phương.

Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ Vải thiều trực tuyến với 30 điểm cầu, trong đó 21 điểm cầu trong nước; 1 điểm cầu tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và 8 điểm cầu tại Nhật Bản, Australia, Singapore, Trung Quốc.


Một góc xưởng sản xuất của Công ty TNHH JA Solar, KCN Quang Châu (Việt Yên) (Ảnh Hải Minh, Báo Bắc Giang)

Công tác đối ngoại đã góp phần không nhỏ, trong việc đưa vải thiều chinh phục thị trường thế giới, đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế, xây dựng được kênh bán hàng trực tuyến tới khách hàng trên toàn cầu.

Vụ vải thiều năm nay, tỉnh đã tiêu thụ được hơn 215 nghìn tấn. Dù không tham gia trực tiếp vào quá trình tạo nên sản phẩm nhưng những nỗ lực của công tác đối ngoại thời gian qua đã góp phần đưa trái vải thiều tiếp cận và dần có chỗ đứng trên thị trường quốc tế, khẳng định giá trị nông sản của Bắc Giang nói riêng và Việt Nam nói chung.

Thời điểm đại dịch hoành hành, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và hoạt động của các tổ chức PCPNN cũng đã mang lại những hiệu quả đáng kể. Từ đầu năm đến nay, toàn Tỉnh cũng đã tiếp nhận 2 dự án viện trợ PCPNN với giá trị 70.603 USD và 4 khoản viện trợ phi dự án trị giá gần 4.000 USD hỗ trợ tình nguyện viên và vật tư y tế cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Sở Ngoại vụ tiếp nhận và bàn giao khoản viện trợ của tổ chức PCPNN Samaritan's ủng hộ vật tư y tế cho công tác phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh. (Nguồn: Sở Ngoại vụ Bắc Giang)

Các hội hữu nghị cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động ủng hộ công tác phòng chống đại dịch. Bà con kiều bào tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, khắc phục khó khăn ở quê hương.

Thông qua Uỷ ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt và cộng đồng người Bắc Giang ở nước ngoài đã tích cực tham gia phòng chống dịch và có nhiều việc làm ý nghĩa như: vận động cộng đồng người Việt tại các nước quyên góp nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế… ủng hộ, giúp đỡ người Việt tại các nước, người của nước sở tại và ủng hộ Bắc Giang phòng chống Covid-19.

Bắc Giang và tỉnh Xay Sổm Bun kí thỏa thuận hợp tác cấp địa phương

Mới đây, trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức nước CHDCND Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc diễn ra ngày 9-10/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương và ngài Khăm-liêng Ụ-thạ-cay-xỏn, Tỉnh trưởng tỉnh Xay Sổm Bun đã ký kết thỏa thuận hợp tác quốc tế cấp địa phương.


Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương và Tỉnh trưởng tỉnh Xay-Sổm-Bun Khăm-liêng Ụ-thạ-cay-xỏn. (Nguồn: Sở Ngoại vụ Bắc Giang)

Theo đó, hai tỉnh nhất trí thiết lập mối quan hệ hợp tác hữu nghị, tăng cường tuyên truyền, giáo dục về quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia. Quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, văn hóa, tiềm năng và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy hợp tác bền chặt giữa hai địa phương.

Đặc biệt, hai bên sẽ trao đổi kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, nhất là về chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư, giới thiệu quảng bá sản phẩm, hàng hóa thế mạnh để tăng cường thương mại hai chiều.

Hai tỉnh xây dựng chương trình giao lưu học sinh, sinh viên theo hình thức homestay, xây dựng các câu lạc bộ tiếng Việt và tiếng Lào theo hình thức phù hợp.

Ngành y tế hai tỉnh trao đổi đoàn học tập, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, chia sẻ nâng cao trình độ chuyên môn về khám,chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Cùng với đó, hai bên trao đổi, hợp tác về văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch, tổ chức giao lưu, trải nghiệm, triển lãm, kinh nghiệm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tập huấn nghiệp vụ về thông tin và truyền thông, bồi dưỡng huấn luyện viên, vận động viên các môn thể thao có thể manh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai tỉnh khảo sát về tiềm năng du lịch của nhau nhằm xúc tiến đầu tư vào du lịch.

Tỉnh Bắc Giang cũng trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ tỉnh Xay Sổm Bun thực hiện xóa đói giảm nghèo, trao đổi kinh nghiệm về đào tạo lao động, cung cấp học bổng cho sinh viên Lào sang học tập tại Bắc Giang. Nghiên cứu, triển khai các lĩnh vực hợp tác khác như quy hoạch và xây dựng công nghệ thông tin truyền thông trên cơ sở thế mạnh và nhu cầu hợp tác của hai bên trong từng giai đoạn.

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 8,120
Tổng số trong ngày: 1,480
Tổng số trong tuần: 39,094
Tổng số trong tháng: 24,161
Tổng số trong năm: 350,317
Tổng số truy cập: 4,132,922