Bắc Giang có đủ điều kiện để xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chiều 1/3, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tiếp và làm việc với lãnh đạo, đại diện một số doanh nghiệp (DN) Nhật Bản gồm: Ông Kawamoto, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KAWAMOTO; ông Bùi Huy Khương, Giám đốc Xuất nhập khẩu Tập đoàn RIBETO và ông Hoàng Mạnh Quỳnh, Giám đốc tại Việt Nam Tập đoàn KYODAI về việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản.

Quang cảnh hội nghị 

Tham dự có đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Ngô Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Cộng đồng DN xuất khẩu EBISU; lãnh đạo một số sở, UBND huyện Lục Ngạn...

Năm 2021, sản lượng vải thiều toàn tỉnh đạt 215.800 tấn, tăng 50.000 tấn so với năm 2020. Sản phẩm tiêu thụ nội địa 126.552 tấn (chiếm khoảng 58,6% tổng sản lượng tiêu thụ); sản lượng xuất khẩu 89.300 tấn (chiếm 41,4% tổng sản lượng tiêu thụ). Trong đó, thị trường Trung Quốc 84.768 tấn, Nhật Bản 204 tấn, các thị trường (EU, Mỹ, Úc) 70 tấn...

Năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông Nghiệp và PTNT ban hành kế hoạch sản xuất gắn với xuất khẩu vải thiều. Cụ thể, diện tích sản xuất vải thiều toàn tỉnh năm nay 28.300 ha, sản lượng khoảng 160.000 tấn. Trong đó, diện tích vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP 15.400 ha, sản lượng khoảng 112.900 tấn; vải sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP duy trì diện tích 82 ha đã được cấp và thực hiện cấp mới 20 ha, nâng tổng số lên 102 ha, sản lượng 1.000 tấn...

Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu tại buổi làm việc.
Về xuất khẩu vải thiều, đối với thị trường Trung Quốc, tỉnh tập trung chỉ đạo sản xuất đối với 149 mã số vùng trồng đã được nước này chấp thuận với diện tích 15.867 ha, sản lượng khoảng 95.000 tấn tại các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Tân Yên; duy trì 300 cơ sở đóng gói phục vụ đủ nhu cầu xuất khẩu.

Thị trường Mỹ, Úc, EU, duy trì sản xuất 18 mã số vùng trồng diện tích 218 ha, sản lượng 1.600 tấn.

Đối với thị trường Nhật Bản, tiếp tục chỉ đạo 30 mã số vùng trồng, diện tích 219,45 ha. Rà soát cấp mới 5 mã số vùng trồng với diện tích 50 ha, nâng tổng số mã số vùng trồng năm nay lên 35, diện tích 269,45 ha, sản lượng khoảng 2.000 tấn.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập tổ chỉ đạo sản xuất vải thiều xuất khẩu gồm 10 cán bộ có chuyên môn sâu về sản xuất để hướng dẫn, giám sát nông dân thực hiện đúng quy trình và yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Các trà vải trên địa bàn tỉnh phục vụ xuất khẩu đến thời điểm hiện nay sinh trưởng, phát triển tốt, các đối tượng dịch hại được kiểm soát hiệu quả.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, đồng chí Lê Ánh Dương chào mừng lãnh đạo và đại diện các DN Nhật Bản có chuyến thăm, khảo sát vùng sản xuất vải thiều tỉnh Bắc Giang. Đồng chí cho biết sản xuất nông nghiệp của tỉnh tương đối phát triển và ngày càng có nhiều sản phẩm xuất khẩu. Tỉnh hoan nghênh, chào đón các DN tới thăm và tìm kiếm cơ hội hợp tác xuất khẩu nông sản của địa phương.

Ông Kawamoto cảm ơn lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn tham quan vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu. Qua tìm hiểu thực tế, ông Kawamoto cho biết môi trường sản xuất rất sạch và thân thiện và thông tin thêm, năm ngoái, ông đã thử nghiệm xem vải thiều có bán được ở Nhật Bản không. Kết quả, người tiêu dùng đánh giá vải rất ngon. 

Tuy nhiên, một số sản phẩm màu sắc không đồng đều và bị nấm mốc. Nếu vấn đề này được khắc phục thì cơ hội xuất khẩu vải thiều vào Nhật Bản sẽ rất rộng mở. Hy vọng từ tháng 5, tháng 6 tới, vải thiều của Bắc Giang sẽ có mặt ở thị trường này. Người tiêu dùng Nhật Bản có thể chấp nhận mua vải với giá cao nhưng quả phải đồng đều, màu sắc bắt mắt. Vì vậy, vấn đề nâng cao chất lượng cần được quan tâm đúng mức và giữ ổn định lâu dài. Cá nhân ông Kawamoto rất mong muốn làm cầu nối để đưa vải thiều Bắc Giang sang thị trường Nhật Bản.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe ý kiến các đại biểu về những khó khăn trong sơ chế, bảo quản vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản và đề xuất các giải pháp khắc phục, đồng chí Lê Ánh Dương khẳng định Bắc Giang có đủ điều kiện để xuất khẩu vải thiều vào thị trường nước này như diện tích vải được cấp mã số vùng trồng, có cơ sở xông hơi khử trùng...

Để làm được điều này, đồng chí mong muốn các tập đoàn trên liên kết với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu để đưa vải thiều vào thị trường Nhật Bản. Cộng đồng DN xuất khẩu EBISU hỗ trợ, giới thiệu cho DN công nghệ mới trong bảo quản vải thiều đáp ứng tốt hơn yêu cầu xuất khẩu. Quá trình thực hiện nếu khó khăn, vướng mắc tỉnh và huyện sẽ hỗ trợ tối đa để đưa được vải thiều sang thị trường nước này, mở ra cơ hội hợp tác cho các năm tiếp theo. 

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng gợi mở có thể thử nghiệm thực hiện hai phương thức vận chuyển là đường biển và đường hàng không; xuất khẩu cả vải sớm Tân Yên và vải chính vụ Lục Ngạn, đồng thời đa dạng các hình thức hỗ trợ, xúc tiến xuất khẩu vải thiều.

Sáng cùng ngày, lãnh đạo và đại diện các tập đoàn trên đã khảo sát vùng sản xuất vải thiều tại Lục Ngạn; thăm hệ thống sơ chế vải thiều xuất khẩu của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu.

Theo Báo Bắc Giang điện tử

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 10,561
Tổng số trong ngày: 218
Tổng số trong tuần: 26,124
Tổng số trong tháng: 11,191
Tổng số trong năm: 337,347
Tổng số truy cập: 4,119,952