Bắc Giang: Công nghiệp và dịch vụ bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh COVID-19

|
ページビュー:
dark-mode-label OFF
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Đối với tỉnh Bắc Giang, tốc độ tăng trưởng của tỉnh chậm lại, GRDP quý I ước đạt 7,4% - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Dịch bệnh tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ngành công nghiệp và dịch vụ, tăng trưởng không đạt kế hoạch đề ra.

Ngành công nghiệp và dịch vụ của tỉnh Bắc Giang  bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: Trần Lan)

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát, lây lan trên toàn cầu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội của tất cả các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, dịch bệnh tuy cũng có diễn biến phức tạp nhưng cơ bản đã được ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế là khá lớn. Đối với tỉnh Bắc Giang, tốc độ tăng trưởng của tỉnh chậm lại, GRDP quý I ước đạt 7,4% - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Dịch bệnh tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ngành công nghiệp và dịch vụ, tăng trưởng không đạt kế hoạch đề ra.

Ngành công nghiệp tăng 17,4% nhưng thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra là 26,5%. Chỉ số sản xuất 4 tháng tăng 7,7% nhưng mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (Cùng kỳ 4 tháng năm 2019 tăng 26,9%, năm 2018 tăng 23,3%, năm 2017 tăng 19,3%, năm 2016 tăng 16,3%). Hoạt động của doanh nghiệp chững lại, một số ngành chủ lực như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học… phải hoạt động cầm chừng. Khó khăn của doanh nghiệp chủ yếu là do thiếu nguyên liệu, đơn hàng giảm, thiếu lao động, khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn vay. Trong các khu công nghiệp có 159 doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, đơn hàng bị cắt giảm trung bình khoảng 20-40% so với cùng kỳ, thậm chí có doanh nghiệp bị cắt giảm đến 50% đơn hàng làm giảm doanh thu như công ty Wonjin, Moa Eng, Moa Tech, SDS IC, Daegwang Vina, Nano high tech, Fine Elecome Vina,…

Ngành dịch vụ tăng 6,9%, không đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch là 7,5%). Dịch bệnh đã tác động mạnh đến tâm lý mua sắm của người dân. Hoạt động mua sắm tại các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại giảm sâu (doanh thu tại các siêu thị giảm 30%). Doanh thu các hoạt động dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống giảm mạnh so với cùng kỳ (doanh thu dịch vụ 775 tỷ đồng, giảm 21,5%). Tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 8.113 tỷ đồng, giảm 5,1%.

Giá trị xuất nhập khẩu giảm mạnh, đặc biệt kể từ tháng 4/2020. Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt 600 triệu USD, giảm 25,6% so với tháng 3, 04 tháng năm 2020 đạt 2.685 triệu USD, đạt 38,3% kế hoạch. Nhập khẩu tháng 04 đạt 605 triệu USD, giảm 28,6% so với tháng 3; 04 tháng đạt 2.670 triệu USD, đạt 29% kế hoạch.

Hoạt động ngân hàng cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Do hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ khiến thị trường khó hấp thụ nguồn vốn ngân hàng nên dự nợ có xu hướng giảm nhưng nguồn tiền gửi vào ngân hàng tăng nhiều. Trong bối cảnh dịch bệnh, người dân thường xuyên sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến (mua sắm, thanh toán tiền điện, nước, điện thoại online) nên doanh số thanh toán không dùng tiền mặt tăng lên đáng kể. Tháng 3/2020 doanh số thanh toán không dùng tiền mặt là 29.807 tỷ đồng, đến 23/4/2020 là 23.739 tỷ đồng, dự kiến đến 30/4/2020 là 30.800 tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2019, doanh số tháng 3 là 17.173 tỷ đồng, tháng 4 là 13.185 tỷ đồng.

Nguồn thu từ các dịch vụ văn hóa, du lịch giảm mạnh. Từ đầu năm đến nay, có trên 440 lễ hội truyền thống và hơn 20 hoạt động, sự kiện lớn trong Tuần Văn hóa – Du lịch và nhiều hoạt động kinh doanh văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phải giảm quy mô, dừng hoạt động. Do đó nguồn thu từ các hoạt động này và hoạt động phụ trợ cũng giảm đáng kể. Thậm chí nguồn thu từ tổ chức sự kiện, tiệc cưới, nhà hàng giảm 100%.

Hoạt động dịch vụ vận tải bị thiệt hại lớn. Tổng doanh thu ngành vận tải ước tính thiệt hại từ 200 đến 250 tỷ đồng; 100% doanh nghiệp vận tải chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó số doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải quy mô vừa và nhỏ có nguy cơ phải giải thể ước tính chiếm khoảng 30% (khoảng 850 đơn vị).

Mai Hương

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

アクセス中: 18,313
1日当たりのページのアクセス回数: 1,419
1週間当たりののページのアクセス回数: 21,940
1か月当たりのページのアクセス回数: 71,972
1年間当たりのページのアクセス回数: 398,128
ページのアクセス回数 : 4,180,733