Bắc Giang tham dự Hội nghị “Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam”

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chiều ngày 28-6, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Hà Nội.

Tham dự Hội nghị, tỉnh Bắc Giang có Lãnh đạo Sở Ngoại vụ, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và đại diện một số doanh nghiệp của tỉnh.

Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng, triển vọng ngành Halal tại Việt Nam; xác định các biện pháp, cách thức mới về tăng cường hợp tác và tận dụng các nguồn lực quốc tế để nâng cao năng lực tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ Halal trên toàn cầu và xây dựng định hướng phát triển ngành Halal Việt Nam toàn diện và bền vững đến năm 2030. Hội nghị thu hút sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của khoảng 300 đại biểu từ hơn 100 điểm cầu trong nước và quốc tế.

Quang cảnh hội nghị 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh thị trường Halal toàn cầu giàu tiềm năng, đang phát triển nhanh với nhiều lĩnh vực và Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ…; thị trường rộng lớn và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, trong đó có các FTA thế hệ mới; khẳng định Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm tới việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội, thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn. Nhiều nông sản của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với yêu cầu chứng nhận Halal và được người Hồi giáo ưa chuộng. Tuy nhiên, hiện nay thực phẩm Halal xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là nông, thủy sản thô và sơ chế. Từ đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Hội nghị tập trung vào đối thoại chính sách; hướng dẫn quy trình sản xuất, chế biến; trao đổi, cung cấp các thông tin thị hiếu, thị trường Halal… hỗ trợ cho các sản phẩm của Việt Nam.

Hội nghị diễn ra 02 phiên chính: Phiên 1 với chủ đề “Thực trạng và triển vọng phát triển ngành Halal tại Việt Nam” và Phiên 2 với chủ đề “Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam”.

 Phát biểu tại các phiên Hội nghị, nhiều đại biểu quốc tế như các Đại sứ Brazil, Pakistan, Tham tán Công sứ Indonesia, các chuyên gia, doanh nghiệp… đã chỉ ra một số vấn đề Việt Nam đang gặp phải trong quá trình phát triển thị trường Halal; chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược phát triển ngành Halal; khuyến nghị Việt Nam cần tận dụng tối đa hợp tác và các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ tham gia sâu hơn vào thị trường Halal toàn cầu và đề xuất khả năng hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong lĩnh vực Halal.

Bắc Giang tham gia trưng bày một số sản phẩm nông sản tiêu biểu, đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh 

Phát biểu tại phiên 1 của Hội nghị, ông Ngô Biên Cương, Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết tỉnh Bắc Giang hiện chưa có sản phẩm được cấp chứng nhận Halal. Khu vực Trung Đông là một thị trường lớn, tiềm năng và có độ mở lớn. Do đó, Bắc Giang đặc biệt quan tâm đến các diễn đàn như Hội nghị, mong muốn, qua hội nghị sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ các sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Giang được từng bước tiếp cận với thị trường thực phẩm Halal. Đồng thời, phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản của tỉnh tham gia cung ứng cho thị trường Halal ở Đông Nam Á-Nam Á-Nam Thái Bình Dương và thị trường Halal toàn cầu.

Trong khuôn khổ Hội nghị, tỉnh Bắc Giang tham gia trưng bày một số sản phẩm nông sản tiêu biểu, đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh như: Vải thiều Lục Ngạn, Mật ong rừng Sơn Động, Trà hoa vàng, Chè xanh bản Ven, Mỳ gạo Lục Ngạn, Đông trùng hạ thảo khô, Sâm nam núi Dành khô… Đây là các sản phẩm rất có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Halal. Hiện một số doanh nghiệp của tỉnh Bắc Giang đang nghiên cứu, tìm hiểu thủ tục để được cấp giấy chứng nhận Halal cho sản phẩm của tỉnh.

Đại biểu tỉnh Bắc Giang tham gia thảo luận tại Hội nghị 

Cũng trong hội nghị, nhiều đại biểu, nhất là các doanh nghiệp, đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương… của Việt Nam hướng dẫn quy trình, thủ tục để được cấp chứng nhận Halal; hỗ trợ xúc tiến thương mại vào các thị trường Halal và hỗ trợ thông tin về các hàng rào thương mại, tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường Hồi giáo.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Bùi Hà Nam, Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi, Bộ Ngoại giao đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các diễn giả, đại biểu tham dự Hội nghị; cho rằng đây là những chia sẻ, đề xuất thiết thực đối với Việt Nam trong việc xây dựng định hướng phát triển toàn diện ngành Halal; khẳng định Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan để hỗ trợ và đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp trong tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam, nhằm tạo thêm động lực mới cho sự phát triển toàn diện của Việt Nam thời gian tới./.

Ngụy Thu

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 9,975
Tổng số trong ngày: 1,504
Tổng số trong tuần: 27,410
Tổng số trong tháng: 12,477
Tổng số trong năm: 338,633
Tổng số truy cập: 4,121,238