Bắc Giang văn hiến và anh dũng

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Bắc Giang thời Lý thuộc lộ Bắc Giang, đây là vùng đất Châu Lạng. Ba con sông Nam Bình, Nguyệt Đức, Minh Đức (nay là sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam) chảy qua như vệt chân chim tạc trên miền Đông thổ đã dệt thêu nhiều huyền tích đẹp trong kho tàng văn hoá dân gian đất Việt. Thời nhà Lý, Bắc Giang là vùng đất phên dậu vững chắc của kinh thành Thăng Long chống lại quân Tống, nổi tiếng với phòng tuyến sông Như Nguyệt.

Bắc Giang thời Lý thuộc lộ Bắc Giang, đây là vùng đất Châu Lạng. Ba con sông Nam Bình, Nguyệt Đức, Minh Đức (nay là sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam) chảy qua như vệt chân chim tạc trên miền Đông thổ đã dệt thêu nhiều huyền tích đẹp trong kho tàng văn hoá dân gian đất Việt. Thời nhà Lý, Bắc Giang là vùng đất phên dậu vững chắc của kinh thành Thăng Long chống lại quân Tống, nổi tiếng với phòng tuyến sông Như Nguyệt.

Thế kỷ 13, trong ba cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên, Bắc Giang nổi tiếng với phòng tuyến Xa Lý - Bản Động - Nội Bàng (Lục Ngạn) là nơi nhà Trần chống giặc, bên bờ hữu sông Thương hai liệt nữ Bảo Nương - Ngọc Nương dùng kế mỹ nhân đánh chìm thuyền giặc.

Sau ba lần thắng giặc, vua Trần Nhân Tông bỏ ngai vàng lên núi tu hành, lập ra thiền phái Trúc Lâm trên núi Yên Tử. Tôn dựng cổ tự Vĩnh Nghiêm thành thiền viện đào tạo tăng đồ, truyền bá tư tưởng nhập thế để thực hiện ước muốn “quốc thái dân an”. Tư tưởng của Người được khắc ghi vào mộc bản để ấn hành truyền đến muôn đời. Chùa Vĩnh Nghiêm đã trở thành chốn tổ tôn thờ Tam tổ Thiền phái Trúc Lâm.

Đại danh lam cổ tự này thu hút đông đảo du khách thập phương về bái vọng, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO vinh danh công nhận là Di sản tư liệu trong Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á Thái Bình Dương. Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm mang đậm nét độc đáo, đặc sắc của hội làng Việt đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Tập hợp những giá trị văn hóa của danh lam cổ tự Vĩnh Nghiêm đang được xác lập hồ sơ đệ trình công nhận Di tích quốc gia đặc biệt và là thành phần quan trọng trong quần thể Di tích Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử cũng đang được thiết lập hồ sơ đệ trình UNESCO công  nhận là Di sản thế giới.

Cả một dải sườn Tây Bắc núi Yên Tử thuộc tỉnh Bắc Giang từng là kinh đô Phật giáo thời Trần. Dấu tích chùa Hòn Tháp, Mã Yên, Bát Nhã, Hồ Bấc, Am Vãi... là những dấu son trên bản đồ du lịch nếu được quan tâm đầu tư, khai thác tiềm năng quý giá được thiện nhiên ban tặng và cha ông đã thổi hồn vào đó từ nghìn năm lịch sử. 

Đầu thế kỷ 15, trong kháng chiến chống giặc Minh xâm lược nước ta, Xương Giang trở thành biểu tượng của chiến thắng, của hào khí Đại Việt kiên cường. Ngày hội Xương Giang mừng chiến thắng để cho Xương Giang muôn đời oanh liệt hào khí còn truyền.

Lịch sử khoa cử nước nhà kéo dài hơn tám trăm năm, tỉnh Bắc Giang có 58 vị Nho sinh ưu tú đỗ đại khoa, hàng trăm vị đỗ trung khoa...rồi ra làm quan phò vua, giúp dân, giúp nước. Gần tám trăm năm lịch sử, quê hương Bắc Giang đã có nhiều làng quê được vinh danh là “văn vật danh hương”, “văn vật sở đô”, như làng Tiến sĩ Yên Ninh (Việt Yên), Song Khê (Yên Dũng), làng Quận công Đông Lỗ, làng Quận công- Tiến sĩ (Thái Thọ- Hiệp Hoà).

 Năm 1484, đức minh vương Lê Thánh Tông cho dựng bia đá ở Văn miếu Thăng Long để ghi tạc, tôn vinh, răn dạy người đời về nghĩa vụ của kẻ sĩ với đất nước. Tiến sĩ Thân Nhân Trung người Việt Yên đã được vua tin tưởng giao cho biên soạn bài văn bia ghi danh Tiến sĩ khoa Nhâm tuất (1442). Trong bài văn bia ông đã khéo léo vận dụng quan điểm của người xưa về hiền tài- nguyên khí và đi đến khẳng định “Hiền tài quốc gia chi nguyên khí. Nguyên khí thịnh quốc thế cường dĩ long, nguyên khí suy tắc quốc thế nhược dĩ ô..." (Hiền tài là nguyên của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà đi lên, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp…).

   Bắc Giang là miền đất “hào kiệt đời nào cũng có”. Thời Lý có Phò mã Thân Cảnh Phúc, thời Trần có Hùng Thắng quận công, thời Lê- Mạc xuất thế hàng trăm nghĩa sĩ được phong tước trọng vì có công trong việc xây dựng giữ gìn giang sơn Đại Việt. Tiêu biểu như: Vi Quận công Vi Đức Lục, Hán quận công Thân Công Tài, Đĩnh Quận công Ngô Công Mỹ, Phương Quận công Ngọ Công Quế...

Câu phương ngôn “Trai Cầu Vồng Yên Thế…” trở thành biểu tượng cho tinh thần thượng võ của Bắc Giang,  tiêu biểu là Hoàng Hoa Thám tức cụ Đề Thám, người anh hùng dân tộc ngót ba mươi năm chống giặc vì mục đích giữ gìn “phong tục của đất nước”. 

Trước Cách mạng tháng Tám, An toàn khu II (Hiệp Hòa) là địa bàn quan trọng, nuôi giấu, bảo vệ những cán bộ quan trọng của Đảng thời kỳ đó. Người dân Bắc Giang còn tự hào là địa phương đầu tiên trong cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay cách mạng. Sau cách mạng tháng Tám, Bắc Giang tiếp tục cùng cả nước tham gia các cuộc kháng chiến để bảo vệ và thống nhất đất nước.

Trong tiến trình lịch sử bảo vệ, xây dựng quê hương đất nước, cha ông trên miền đất này đã để lại cho đời nhiều giá trị văn hoá quý báu. Hàng nghìn lễ hội truyền thống- trong đó có nhiều lễ hội có quy mô lớn ( Thổ Hà, Vân Hà, I Sơn, Tiếu Mai, Từ Hả, Tòng Lệnh, Cầu Vồng, An Châu, Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà...), kho tàng di sản dân ca các dân tộc (Chèo, ca trù, quan họ, dân ca các dân tộc thiểu số), các phong tục tập quán, các sản vật vùng miền (Rượu Vân, gốm Thổ Hà, mỳ Chũ, bánh đa Kế, sản phẩm mây tre đan Tăng Tiến...) là những di sản vô giá để thế hệ hôm nay, mai sau khai thác phát huy góp phần làm động lực phát triển quê hương đất nước.

 Với nhiều thành phần dân tộc anh em chung sống, nhân dân các dân tộc tỉnh  Bắc Giang còn lưu giữ bảo tồn nhiều giá trị văn hóa văn nghệ đặc sắc. Người Kinh có ca trù, hát quan họ; người Sán Chí hát Soộng ca trữ tình; người Sán Dìu, Cao Lan hát Sịnh ca đằm thắm; người Dao ca hát múa điệu các làn trong dịp cấp sắc rộn ràng; người Hoa múa hát sơn ca mượt mà sâu lắng; người Tày, Nùng mở hội lùng tùng với các làn điệu Sloong hao, hát then say đắm. Đó cũng là những nét văn hoá độc đáo, đặc sắc, khác biệt nhưng thể hiện sự phong phú và tình đoàn kết keo sơn của các dân tộc Bắc Giang cần được duy trì, phát huy và phát triển

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhiều lễ hội truyền thống đã đươc phục hồi, duy trì; nhiều di tích lịch sử văn hoá- danh lam thắng cảnh được đầu tư trùng tu tôn tạo khang trang; nhiều phong tục tập quán và những di sản văn hoá phi vật thể được sưu tầm, nghiên cứu giới thiệu đã góp phần bảo tồn phát huy giá trị văn hoá truyền thống để hội nhập, phát triển. Bắc Giang vinh dự là địa phương sở hữu 3 di sản văn hóa (Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Dân ca Quan họ và Ca trù) được UNESCO vinh danh, công nhận. Thêm nữa, Bắc Giang là một trong những địa phương đứng đầu trong cả nước về số lượng di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Tất cả những thành tựu ấy do các thế hệ người dân Bắc Giang cần cù, thông minh sáng tạo nên. Đó là động lực để chúng ta chung lòng, đồng hành kiến tạo những thành tựu mới để quê hương Bắc Giang vững bước trên con đường phát triển và hội nhập.

Nguyễn Văn Phong- PGĐ Bảo tàng tỉnh

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 9,038
Tổng số trong ngày: 435
Tổng số trong tuần: 14,026
Tổng số trong tháng: 39,389
Tổng số trong năm: 365,545
Tổng số truy cập: 4,148,150