Bảo hộ công dân trong tình huống khủng hoảng

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trong một thế giới hội nhập ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, đặc biệt là sau gần 30 năm đổi mới, công dân Việt Nam đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều đó khiến chúng ta tự hào về sức mạnh và khả năng hội nhập, thích nghi, cũng như vai trò quảng bá văn hóa dân tộc của công dân Việt Nam. Tuy nhiên, song hành với tình hình mới này là những thách thức đặt ra cho công tác bảo hộ công dân, đặc biệt là trong các tình huống khủng hoảng.

Trong một thế giới hội nhập ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, đặc biệt  là sau gần 30 năm đổi mới, công dân Việt Nam đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều đó khiến chúng ta tự hào về sức mạnh và khả năng hội nhập, thích nghi, cũng như vai trò quảng bá văn hóa dân tộc của công dân Việt Nam. Tuy nhiên, song hành với tình hình mới này là những thách thức đặt ra cho công tác bảo hộ công dân, đặc biệt là trong các tình huống khủng hoảng.

Ông Lý Quốc Tuấn, Phó Cục trưởng, Phụ trách Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao.

Trong bối cảnh tình hình thế giới còn có điểm nóng,bất ổn, diễn biến khó lường và công dân Việt Nam ra nước ngoài ngày càng nhiều hơn, vô cùng đa dạng về điểm đến thì công tác bảo hộ công dân của các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài sẽ khó khăn hơn gấp nhiều lần.

Chỉ trong tám tháng đầu năm nay, hàng loạt vụ việc mang tính chất khủng hoảng từ quy mô nhỏ cho đến mức độ khu vực nổ ra ở nhiều nơi trên thế giới. Từ việc leo thang quân sự ở Ukraine, đến vụ tai nạn máy bay của hãng Germanwings gây bàng hoàng ở châu Âu, vụ động đất dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng tại Nepal và gần đây nhất là các vụ nổ ở Thiên Tân (Trung Quốc), rơi máy bay ở Indonesia và đánh bom ở Bangkok (Thái Lan)…

Trong tất cả các vụ việc, dù lớn hay nhỏ, nhiệm vụ của đơn vị làm công tác bảo hộ công dân là "chủ động, thường xuyên - hiệu quả" để đảm bảo an toàn tối đa tính mạng, quyền lợi, sức khỏe và tài sản cho công dân Việt Nam có liên quan.

Nhanh nhạy, linh hoạt

Chiều tối ngày 24/3, ngay khi các hãng tin châu Âu bắt đầu đưa tin về vụ tai nạn xảy ra cho chuyến bay 4U 9525 của hãng hàng không Germanwings trên hành trình từ Barcelona đến Dusseldorf khiến tất cả các hành khách tử nạn, các cán bộ của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã bắt tay ngay vào việc xác minh tìm hiểu khả năng có nạn nhân là người Việt trên chuyến bay.

Ký ức đau buồn của vụ rơi máy bay MH17 với ba nạn nhân người Việt cách đây chưa đầy năm còn chưa phai mờ. Hơn nữa, theo nhận địnhh của một số cán bộ đã từng công tác tại CHLB Đức thì Tây Ban Nha là địa điểm du lịch ưa thích của người Việt ở châu Âu và họ hay sử dụng dịch vụ của các hãng hàng không giá rẻ như Germanwings.

Ngay lập tức, Cục Lãnh sự liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha và Đức để tìm hiểu thông tin với các cơ quan chức năng sở tại, dù khả năng các cơ quan sở tại trả lời ngay trong tình huống “nước sôi lửa bỏng” này là rất nhỏ. Quả đúng như vậy, các cơ quan đại diện báo về: Hãng hàng không cũng như cơ quan sở tại đều chưa có thông tin.

Việc bảo hộ công dân thì cần khẩn trương, dư luận trong và ngoài nước cũng hết sức quan tâm, không thể chờ đến khi phía bạn cung cấp thông tin mới xử lý. Vì thế, Cục Lãnh sự đã đề nghị các Đại sứ quán chủ động liên hệ, thông báo qua các kênh khác nhau tới cộng đồng người Việt ở sở tại, đề nghị bất kỳ ai có thông tin liên quan đến người Việt đi trên chuyến bay trên thì thông báo kịp thời cho cơ quan đại diện ở sở tại hoặc về trong nước thông qua Tổng đài Bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao (+84 981 84 84 84).

Mặc dù vậy, sau hai ngày, Bộ Ngoại giao không nhận được bất cứ thông tin nào liên quan đến nạn nhân người Việt. May mắn là sau đó, Bộ Ngoại giao nhận được thông tin chính thức khẳng định không có bất cứ người Việt nào có mặt trên chuyến bay. Qua vụ việc này, những cán bộ làm công tác bảo hộ công dân được đánh giá cao vì đã phản ứng kịp thời, đặc biệt là cách xử lý linh hoạt trong sử dụng các kênh thông tin khác nhau cũng như tinh thần chủ động tìm đến với người dân khi họ gặp hoạn nạn.

Tích cực, chủ động

Chỉ một tháng sau vụ tai nạn máy bay nói trên, tại Nepal xảy ra vụ động đất mạnh 7,8 độ richter khiến hàng chục ngàn người thương vong. Vụ việc xảy ra vào chiều thứ Bảy, lại ở nơi không có cơ quan đại diện Việt Nam nên chúng tôi nhận định việc liên hệ, phối hợp với cơ quan chức năng sở tại chắc chắn không dễ dàng.

Trước tình huống như vậy, Cục Lãnh sự tiến hành ngay mọi biện pháp có thể, trong đó có việc đề nghị người dân cung cấp thông tin liên quan đến người nhà, bạn bè hiện đang có mặt ở Nepal. Mặt khác, các thông tin liên quan đến trận động đất, cũng như những đầu mối nhận thông tin của Tổng đài Bảo hộ công dân, của Cục Lãnh sự, của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Nhóm công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ được cử tới Nepal được thông báo liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thức và cả mạng xã hội Facebook... Cũng thông qua các kênh này, Cục Lãnh sự liên tục cập nhật thông tin những kế hoạch tìm kiếm công dân Việt Nam tại Nepal mà Bộ Ngoại giao đang triển khai và những kết quả cụ thể nhằm giảm bớt lo lắng cho thân nhân những người đang bị nạn.

Với sự tích cực và chủ động này, chỉ trong ngày Chủ nhật (26/5), Cục Lãnh sự đã nhận được hàng loạt cuộc điện thoại và email thông báo về người thân, bạn bè đang ở Nepal và đã lập được danh sách 33 công dân Việt Nam đang ở các khu vực khác nhau của nước này - bao gồm số người đã ở khu vực an toàn và số khác chưa liên hệ được.

Khi đã nắm được thông tin cơ bản trên, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Nhóm công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tìm cách liên hệ với số công dân còn đang mắc kẹt ở Nepal nhanh chóng tập hợp tại một địa điểm hoặc thông báo nơi ở cho  Nhóm Công tác hoặc Đại sứ quán. Hai đoàn công tác của Đại sứ quán sang Nepal bằng đường không và đường bộ đã trực tiếp làm việc với chính quyền sở tại, với lực lượng cứu hộ của Ấn Độ tại Nepal hàng ngày, hàng giờ, đồng thời trực tiếp trợ giúp các công dân Việt Nam, nỗ lực thu xếp trong hoàn cảnh sở tại bị thiên tai, rất khó khăn, để đưa ngay những công dân có nguyện vọng rời Nepal về nước. Do Bộ Ngoại giao tích cực đề nghị, phía Ấn Độ đã rất quan tâm trợ giúp đưa công dân Việt Nam về New Dehli để từ đó tiếp tục hành trình về nước.

Chỉ trong bảy ngày, chiến dịch bảo hộ công dân Việt Nam ở Nepal kết thúc tốt đẹp. Hơn 70 công dân đang có mặt tại khu vực xảy ra thiên tai đã nhận được sự giúp đỡ kịp thời, cần thiết.

Kịp thời, chuyên nghiệp

Thái Lan gần đây nổi lên như một điểm đến yêu thích của người Việt Nam. Công dân Việt Nam sang đây du lịch để đến với những bờ biển nhộn nhịp, những khu mua sắm sầm uất và cả những ngôi chùa mang đậm phong cách truyền thống Thái Lan. Do đó, thông tin về vụ đánh bom kinh hoàng ở ngôi đền Erawan - trung tâm Thủ đô Bangkok, ngày 17/8 vừa qua được Cục Lãnh sự hết sức lưu ý.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Cục Lãnh sự đã phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan triển khai ngay công tác tìm kiếm thông tin liên quan đến người Việt Nam. Đại sứ quán đã cử cán bộ trực theo dõi và cử các đoàn tới các bệnh viện ở Bangkok để xác định xem có nạn nhân là người Việt hay không. Cách xử lý tận tình, nhanh chóng của Đại sứ quán thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao cùng với phản ứng kịp thời, chuyên nghiệp.

Khi tìm thấy nạn nhân người Việt duy nhất của vụ nổ là công dân Mai Văn Trường đang được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa chính quyền thành phố Bangkok, Đại sứ quán đã cử cán bộ đến thăm và hỗ trợ anh Trường. Mặt khác, thông qua Sở Ngoại vụ Thanh Hóa, Cục Lãnh sự thông tin chính thức tới người nhà của công dân này để họ yên tâm.

Đồng hành với người Việt đi khắp bốn phương, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành những quyết sách phù hợp và kịp thời để bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của họ ở nước ngoài. Trong vai trò cơ quan chủ trì thực hiện các quyết sách này, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã thực hiện hiệu quả và ngày càng chuyên nghiệp công tác bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Qua mỗi vụ việc, những người làm công tác bảo hộ công dân lại có thêm nhiều bài học kinh nghiệm mới, đặc biệt là bài học về hiệu quả của các kênh thông tin công khai, trực tiếp giữa người dân và cơ quan nhà nước trong xử lý vụ việc. Bên cạnh đó là bài học về vai trò của công tác truyền thông, về hợp tác, tranh thủ sự trợ giúp quốc tế… nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả của công tác bảo hộ công dân.

Lý Quốc Tuấn

Phó Cục trưởng, Phụ trách Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao

Theo: Tg&VN

 

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 9,252
Tổng số trong ngày: 1,157
Tổng số trong tuần: 6,374
Tổng số trong tháng: 56,406
Tổng số trong năm: 382,562
Tổng số truy cập: 4,165,167