Chính sách thương mại và phát triển kinh tế của Nhật Bản: Bí mật đằng sau phép màu kinh tế

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Kinh tế Nhật Bản đã đạt được bước phát triển thần kỳ, trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới mặc dù bị chiến tranh thế giới thứ II phá hủy gần như hoàn toàn. Bí mật nằm ở chính sách kinh tế và thương mại cực kỳ hiệu quả của Chính phủ Nhật Bản.

Kinh tế Nhật Bản đã đạt được bước phát triển thần kỳ, trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới mặc dù bị chiến tranh thế giới thứ II phá hủy gần như hoàn toàn. Bí mật nằm ở chính sách kinh tế và thương mại cực kỳ hiệu quả của Chính phủ Nhật Bản.

Ảnh minh họa ( nguồn: Internet)

Chiến tranh thế giới thứ II đã tàn phá nền kinh tế Nhật Bản. Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1945, chỉ số sản xuất của Nhật Bản chỉ bằng 1/5 so với trước chiến tranh, thương mại quốc tế bị hạn chế nghiêm trọng. Hầu hết các thành phố lớn đều bị phá hủy bởi bom đạn, người dân phải chịu cảnh thiếu thốn thực phẩm, năng lượng và các nhu yếu phẩm khác. Tình trạng nền kinh tế Nhật Bản lúc đó hết sức tồi tệ. Tuy nhiên, Nhật Bản đã phục hồi nhanh chóng, thể hiện bước phát triển thần kỳ về kinh tế. Năm 1968, chỉ 20 năm sau chiến tranh, tổng sản phẩm quốc gia (GNP) của Nhật Bản đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Liên Xô.

Tại sao nền kinh tế Nhật Bản lại trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới chỉ trong thời gian ngắn như vậy? Câu trả lời nằm ở chính sách thương mại cực kỳ hiệu quả của Nhật Bản.

Kinh tế tăng trưởng mạnh

Chính phủ Nhật Bản đặt ưu tiên hàng đầu cho việc tăng năng suất để phục vụ dân số đông, bao gồm 8 triệu quân nhân giải ngũ. Năm 1946, Chính phủ Nhật công bố Hệ thống ưu tiên sản xuất (PPS) để tái kiến thiết nền công nghiệp Nhật Bản. PPS khởi động quá trình tái kiến thiết bằng việc tập trung nguồn lực có sẵn cho hai ngành công nghiệp quan trọng là than và ngành thép. Hai ngành này bổ trợ qua lại cho nhau: hầu như toàn bộ than được sản xuất để phục vụ cho ngành thép và ngược lại. Chu trình này được lặp lại cho đến khi hai ngành thiết yếu này phục hồi.

Nhờ sự điều hành trực tiếp của chính phủ trong những năm 40 và đầu những năm 50, nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu có dấu hiệu phục hồi mạnh, tiếp tục mức tăng trưởng hai con số.

Sau khi trở thành quốc gia độc lập, tháng 12/1960, Thủ tướng Ikeda tuyên bố kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập. Trong phạm vi kế hoạch, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều chính sách để tăng thu nhập bình quân đầu người lên gấp đôi trong vòng 10 năm. Các chính sách bao gồm: (i) hiện đại hóa nông nghiệp; (ii) hiệnđại hóa các doanh nghiệp nhỏ và vừa; (iii) mở rộng xuất khẩu.

Phụ thuộc chủ yếu vào thương mại quốc tế

Diện tích đất của Nhật Bản rất nhỏ (chỉ bằng khoảng 1/5 diện tích của Nga) mặc dù hai nước có dân số không chênh lệch nhiều. Nhật Bản rất nghèo tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, họ phải nhập khẩu số lượng lớn thực phẩm, năng lượng và nguyên liệu thô để phục vụ người dân; và để có nguồn ngoại tệ phụ vụ nhập khẩu, Nhật Bản phải xuất khẩu lượng lớn hàng hóa, chủ yếu là hàng chế tạo. Ngành thương mại Nhật Bản thường được gọi là “thương mại chế tạo” bởi họ sản xuất hàng hóa bằng cách chế biến nguyên liệu thô nhập khẩu. Do đó, Chính phủ Nhật Bản chú trọng mở rộng xuất khẩu. Khi ngành công nghiệp chế xuất của Nhật bản phát triển, lượng nhập khẩu năng lượng và nguyên liệu thô cũng tăng. Tương tự, khi các công nhân của Nhật Bản trở nên giàu có hơn, lượng nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng từ nước ngoài cũng tăng.  Nhờ các chính sách thương mại táo bạo, Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu lớn nhất mang lại thặng dư thương mại cao.

Bí mật đằng sau phép màu

Khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu

Việc Nhật Bản mở rộng xuất khẩu đặt ra dấu hỏi, bởi sau chiến tranh thế giới thứ II, hàng hóa nhập khẩu của Nhật Bản bị hạn chế để bảo vệ nhà sản xuất trong nước. Ngoài nông sản (như gạo và thịt) và các ngành dịch vụ (như ngân hàng), ngành chế tạo cũng được bảo hộ trong những năm đầu sau chiến tranh. Trong khi các hãng xe hơi của Nhật Bản hiện nay đang ngập tràn ngập các thị trường trên thế giới, thì trong những năm đầu sau chiến tranh thậm chí xe hơi nhập khẩu cũng bị hạn chế nhiều để các hãng xe hơi mạnh đa quốc gia như GM và Ford không đánh chìm các công ty yếu của Nhật như Toyota và Nisan.

Theo lý thuyết về kinh tế, khi thị trường trong nước không cạnh tranh với thị trường ngoài nước thì giá sản phẩm nội địa sẽ cao hơn giá quốc tế, điều này có xu hướng hạn chế các nhà sản xuất trong nước xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Ví dụ, giá 1kg thịt bò trong nước là 20 đô-la, cao hơn nhiều so với giá quốc tế với cùng loại thịt bò như vậy (5 đô-la) bởi Nhật Bản áp nhiều loại thuế và hàng rào phi thuế quan. Trong trường hợp này, nông dân Nhật Bản sẽ bán thịt bò của họ tại Nhật Bản với giá 20 đô-la thay vì xuất khẩu với giá 5 đô-la.

Tuy nhiên, thực tế các nhà sản hàng chế tạo của Nhật Bản, ví dụ như hàng may mặc, TV, xe hơi đã nỗ lực xuất khẩu hàng hóa ra các nước mặc dù giá nội địa đôi khi còn cao hơn giá xuất khẩu do chính sách hạn chế nhập khẩu. Tại sao lại như vậy?

Nhiều chương trình hỗ trợ xuất khẩu

Nhật Bản là đất nước nghèo tài nguyên thiên nhiên và đất canh tác. Vì vậy, Nhật bản phải dựa vào xuất khẩu để kiếm ngoại tệ cho nhập khẩu thực phẩm và năng lượng. Để khuyến khích các nhà sản xuất xuất khẩu hàng hóa, nhiều chương trình ưu đãi được ban hành: (i) hệ thống thuế đẩy mạnh xuất khẩu (miễn giảm thuế thu nhập từ xuất khẩu; hoàn thuế nhập khẩu nguyên liệu thô); (ii) cấp vốn hỗ trợ xuất khẩu (chiết khấu hóa đơn xuất khẩu trước khi vận chuyển; thành lập Ngân hàng xuất nhập khẩu Nhật Bản).

Thi đua xuất khẩu

Để khuyến khích xuất khẩu, Chính phủ Nhật Bản mở các cuộc thi xuất khẩu giữa các công ty để cạnh tranh và hợp tác. Mặc dù cạnh tranh theo kiểu thi đua khó quản lý hơn cạnh tranh trên thị trường, song nhiều loại hình thi đua đã có đóng góp quan trọng trong việc mở rộng xuất khẩu trong thập kỷ 50 và 60. Có 3 điều kiện tiên quyết cho thành công của cuộc thi đó là: phần thưởng, luật lệ và trọng tài. Phần thưởng phải có giá trị đủ lớn để thu hút nhiều người tham gia và ganh đua quyết liệt. Luật lệ phải rõ ràng để các “thí sinh” hiểu rõ như thế nào sẽ được phần thưởng. Trọng tài phải thực sự nghiêm khắc. Các luật lệ tập trung vào hiệu quả kinh tế, điều kiện gần như bắt buộc để xuất khẩu. Trọng tài, các quan chức chính phủ thiết kế và giám sát các cuộc thi, phải là người có thẩm quyền và công tâm.

Nền công vụ quyền lực và công bằng

Quyền lực của bộ máy hành chính Nhật Bản được tạo nên bởi hệ thống công vụ uy tín và nền giáo dục hiệu quả. Trước tiên, cấp tiểu học và trung học ở Nhật Bản được miễn học phí và mở cho tất cả mọi người, 100% người dân đều được đi học. Ở các cấp học cao hơn, các trường đại học quốc lập, bao gồm đại học Tokyo có uy tín hơn nhiều các trường tư thục nhưng học phí tại các trường này không đáng kể. Những sinh viên tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng này sẽ trở thành các nhà lãnh đạo trong tương lai, bao gồm cả những người đứng đầu bộ máy nhà nước.

Kinh tế quy mô (thang bậc)

Nhật Bản chú trọng xuất khẩu hàng hóa chế tạo, đặc biệt là xe ô tô và các loại máy móc khác. Khi sản xuất máy móc, thiết bị, một doanh nghiệp phải bỏ rất nhiều tiền để xây dựng nhà máy. Ví dụ, để sản xuất một chiếc ô tô, Toyota phải bỏ hàng triệu đô để xây dựng nhà máy lắp ráp. Nhưng khi sản xuất chiếc xe tiếp theo, họ chỉ phải đàu tư kim loại, nhựa và các nguyên vật liệu cần thiết với chi phí chỉ vài trăm đô. Trong trường hợp này, Toyota càng sản xuất nhiều xe, chi phí bình quân để sản xuất ra một chiếc xe càng nhỏ. Trong thuật ngữ kinh tế gọi là kinh tế quy mô hay thang bậc vì sản xuất quy mô lớn sẽ tiết kiệm chi phí sản xuất. Trong nền kinh tế quy mô, các nhà sản xuất được khuyến khích sản xuất nhiều hơn.

                                                                                                                                                          Ngọc Quyên

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 16,703
Tổng số trong ngày: 1,794
Tổng số trong tuần: 22,068
Tổng số trong tháng: 96,753
Tổng số trong năm: 422,909
Tổng số truy cập: 4,205,514