EU - Đối tác tiềm năng trong thu hút đầu tư và thương mại đối với Bắc Giang

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Mặc dù với kết quả thu hút đầu tư FDI từ các đối tác Châu Âu còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh nhưng đây cũng là tín hiệu tích cực trong việc thu hút FDI chất lượng cao, tất cả các điểm nhấn trong thu hút FDI của Bắc Giang trong những năm qua đều có sự đóng góp vai trò quan trọng của các nhà đầu tư đến từ Liên minh Châu Âu.

Hợp tác giữa tỉnh Bắc Giang với các đối tác EU trong thời gian qua

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn phát biểu tại Hội nghị gặp gỡ Châu Âu 

Trong những năm qua, Bắc Giang luôn nằm trong các tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP ở mức cao của cả nước và vùng, cả giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng đạt xấp xỉ 14%. Thu hút đầu tư FDI luôn là một trong những bước đột phá nổi bật và là điểm sáng của Bắc Giang trong phát triển kinh tế - xã hội, phải kể đến từ năm 2019 đến nay Bắc Giang luôn nằm trong top 10 tỉnh có số vốn thu hút đầu tư nước ngoài cao nhất cả nước.

Tính đến hết tháng 10 năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 484 dự án FDI còn hiệu lực với số vốn đăng ký đạt 6,8 tỷ USD. Trong đó, lũy kế có 4 dự án FDI của các Nhà đầu tư đến từ khối liên minh Châu Âu (EU) với số vốn đăng ký đầu tư đạt 20,07 triệu USD chiếm 0,3% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Bắc Giang. Bên cạnh đó, có 4 nhà đầu tư từ EU đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế để đầu tư sản xuất kinh doanh với số vốn đạt 15,828 triệu USD.

 Mặc dù với kết quả thu hút đầu tư FDI từ các đối tác Châu Âu còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh nhưng đây cũng là tín hiệu tích cực trong việc thu hút FDI chất lượng cao, tất cả các điểm nhấn trong thu hút FDI của Bắc Giang trong những năm qua đều có sự đóng góp vai trò quan trọng của các nhà đầu tư đến từ Liên minh Châu Âu.

Nhìn chung, các doanh nghiệp thuộc Liên minh Châu Âu đang hoạt động tại Bắc Giang đều ổn định, quan tâm đến vấn đề đầu tư đổi mới công nghệ, giảm thiểu các tác động đến môi trường và gia tăng giá trị sản xuất bền vững, phù hợp với tiêu chí phát triển, thu hút đầu tư của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Song song với phát triển sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp Châu Âu luôn chấp hành tốt pháp luật của Việt Nam nói chung và Bắc Giang nói riêng, đồng thời thực hiện đầy đủ các quy định, quyền lợi thu nhập và sức khỏe cho người lao động, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội và công tác an sinh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các dự án của các doanh nghiệp Châu Âu khi đi vào hoạt động đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý hiện đại.

Kể từ khi chính thức có hiệu lực (01/8/2020), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã tạo nhiều dư địa tăng trưởng cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có tỉnh Bắc Giang. Hiệp định EVFTA đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, đặc biệt với những ngành hàng tỉnh Bắc Giang có thế mạnh như dệt may, nông sản… đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn.

Ngành dệt may và nông sản là hai ngành hàng thế mạnh và chủ lực của tỉnh, đóng góp kim ngạch xuất khẩu tương đối lớn. Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bắc Giang vào thị trường EU năm 2021 ước đạt 575 triệu USD, tăng 24,6% so với năm 2020. Thị trường lớn nhất là Tây Ban Nha, sau đó là Anh, Đức, Pháp và một số nước khác. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dệt may, sản phẩm nhựa và một số hàng nông sản (vải thiều tươi và các sản phẩm nông sản chế biến, đóng hộp như: vải thiều, dưa chuột bao tử, dứa, ớt…)

Định hướng và giải pháp xúc tiến đầu tư và thương mại với các đối tác EU trong thời gian tới

Một số nông sản chủ lực của tỉnh đã chinh phục được thị trường Châu Âu (Ảnh minh họa: Việt Hưng)

Bắc Giang nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài với mục tiêu tập trung thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Với định hướng lựa chọn các dự án theo tiêu chí “2 ít, 3 cao”: Sử dụng ít đất, ít lao động; vốn đầu tư cao, đóng góp ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục xác định Liên minh Châu Âu là đối tác đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực thế mạnh như: Giáo dục và đào tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô…

Nhằm thu hút đầu tư từ các đối tác EU và xúc tiến thương mại vào thị trường EU, tỉnh Bắc Giang thực hiện các giải pháp, chính sách sau:

- Cải thiện chỉ số PCI của tỉnh; đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính theo hướng thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với các thông lệ quốc tế nhằm thu hút có hiệu quả các dự án FDI có chất lượng nói chung và các doanh nghiệp, nhà đầu tư Châu Âu nói riêng.

- Hoàn thiện và phát triển hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh, đồng thời đã và đang hình thành các khu đô thị tiện ích liền kề các khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút hơn nữa người dân và công nhân lao động;

- Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp; mở rộng, thu hút các trường đào tạo nghề trên địa bàn, nâng cao chất lượng giảng dạy, nhất là tạo điều kiện cho các kỹ sư có trình độ chuyên môn và tay nghề cao yên tâm sống và làm việc tại tỉnh.

- Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về đầu tư đồng bộ, liên thông với các lĩnh vực lao động, đất đai, thuế, hải quan, tín dụng, ngoại hối... và các địa phương; triển khai toàn diện, sâu rộng chính phủ điện tử, kinh tế số đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;

- Ban hành danh mục các dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 nhằm tạo điều kiện cho các Nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đầu tư vào Bắc Giang nắm được những vị trí, lĩnh vực, ngành nghề mà Bắc Giang ưu tiên thu hút để tất cả các Nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đều được tham gia một cách công khai, minh bạch.

- Áp dụng đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định thống nhất của quốc gia; triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh với các nhà đầu tư EU. Qua đó, giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai, giải quyết tốt các vấn đề về lao động cho doanh nghiệp; bảo đảm hạ tầng tới chân hàng rào khu, cụm công nghiệp và các điều kiện đầu vào thiết yếu cho sản xuất kinh doanh; giải quyết nhanh các thủ tục hành chính về đầu tư.

- Xúc tiến thương mại, nâng cao kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh đã tiếp cận thị trường EU như vải thiều tươi và đóng hộp, dưa chuột, mỹ Chũ.

- Hợp tác với các đối tác EU và các đối tác tiềm năng khác trong sản xuất và chế biến một số sản phẩm tiêu biểu khác của tỉnh đáp ứng yêu cầu chất lượng của thị trường EU để hướng đến xuất khẩu: trái cây có múi tươi và chế biến; rau, quả đóng hộp; thịt gia súc, gia cầm; đồ thủ công mỹ nghệ;…

Minh Hà 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 11,453
Tổng số trong ngày: 1,776
Tổng số trong tuần: 39,390
Tổng số trong tháng: 24,457
Tổng số trong năm: 350,613
Tổng số truy cập: 4,133,218