Giới thiệu vài nét về Chương trình Ký ức Thế giới (MOW)

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chương trình Ký ức Thế giới, (tên tiếng Anh là Memory of the World) được UNESCO khởi xướng vào năm 1992, với quan niệm: di sản tư liệu thuộc sở hữu của tất cả nhân loại; mục đích là tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn các di sản tư liệu, tạo điều kiện tiếp cận và phổ biến di sản tư liệu, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa của di sản tư liệu trên thế giới, Việt Nam đã tham gia vào Chương trình Ký ức Thế giới (viết tắt MOW) từ năm 2006 và thành lập Ủy ban Quốc gia MOW năm 2012.

Chương trình MOW được xây dựng trên quan điểm di sản tài liệu thuộc về tất cả mọi người và vì vậy mọi người phải có trách nhiệm bảo quản và tạo điều kiện cho việc tiếp cận các di sản đó. Mục tiêu chính của Chương trình MOW là: tạo điều kiện bảo tồn các di sản tài liệu của thế giới bằng các kỹ thuật phù hợp; hỗ trợ việc tiếp cận với di sản tài liệu; nâng cao nhận thức về sự tồn tại và tầm quan trọng của di sản tài liệu trên toàn thế giới. Đối tượng mà Chương trình MOW hướng tới là toàn bộ di sản tài liệu trên các vật mang tin khác nhau thuộc sở hữu của cá nhân hay tập thể, cơ quan, tổ chức… có giá trị và mang ý nghĩa lịch sử, có tác động, ảnh hưởng ở trong nước, khu vực và trên thế giới.

Chương trình Ký ức thế giới được quản lý bởi các ủy ban ở 3 cấp: quốc tế, khu vực và quốc gia. Ở cấp quốc tế, Uỷ ban tư vấn quốc tế (IAC) do Tổng Giám đốc UNESCO chỉ định, có nhiệm vụ lập kế hoạch các chương trình hoạt động của MOW ở phạm vi thế giới, tìm các nguồn kinh phí tài trợ cho hoạt động, xem xét và công nhận “Ký ức thế giới” cho các dự án được chọn, quản lý Danh mục MOW của thế giới. Ở cấp khu vực có các ủy ban khu vực: Châu Á - Thái Bình Dương, Châu Mỹ La tinh và Caribê và Mạng lưới Ký ức thế giới khu vực Trung Á. Ở cấp quốc gia có các Uỷ ban quốc gia. Hiện nay có 58 ủy ban quốc gia của UNESCO được thành lập trên toàn thế giới.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung và các đại biểu dự Hội thảo tại Bắc Giang tham quan Di sản tư liệu Hoàng Hoa Sứ Trình Đồ của Hà Tĩnh (ảnh: Trần Huấn)

Tại Việt Nam, để tạo điều kiện tham gia tích cực và có hiệu quả vào các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình cũng như hưởng ứng đề nghị của UNESCO về việc thành lập ủy ban quốc gia về Chương trình Ký ức thế giới, được sự đồng ý của Bộ Nội vụ, ngày 23/11/2006 Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam đã ra Quyết định số 209/BTK/06 về việc thành lập Ban điều phối Chương trình Ký ức thế giới trực thuộc Uỷ ban với thành viên là đại diện Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và Ban Thư ký của Ủy ban quốc gia UNESCO. Ban điều phối có nhiệm vụ tổ chức và triển khai các hoạt động của Chương trình Ký ức thế giới tại Việt Nam.

Sau khi được thành lập, Ban điều phối chương trình MOW (Ủy ban quốc gia UNESCO) đã tổ chức buổi làm việc giữa các cơ quan có liên quan bàn việc Việt Nam tham gia Chương trình MOW. Đại biểu đại diện các cơ quan hiện đang bảo quản nhiều tài liệu quý như: Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Thư viện Quốc gia, Viện phim, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện Hán Nôm, Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam… đã thống nhất triển khai một số nội dung:

- Mở rộng nghiên cứu, điều tra, khảo sát, tìm kiếm những di sản tài liệu quý, hiếm, có giá trị ở các cơ quan và địa phương trong cả nước. Trên cơ sở đó sẽ tiến hành lập danh mục và lần lượt lựa chọn theo thứ tự ưu tiên những di sản tài liệu để đăng ký công nhận các di sản tài liệu cấp quốc gia trước khi đăng ký công nhận di sản tài liệu của khu vực và thế giới;

- Có Hội đồng thẩm định giá trị các di sản tài liệu trước khi lập hồ sơ đăng ký công nhận di sản tài liệu cấp khu vực và quốc tế, gồm các nhà khoa học, sử học…;

- Đẩy mạnh việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức của xã hội đối với Chương trình MOW;

- Tăng cường tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ, đặc biệt là nghiệp vụ bảo quản cho cán bộ các cơ quan, địa phương có di sản tài liệu.

Trong những năm qua, Ban điều phối Chương trình Ký ức thế giới đã đề xuất với Uỷ ban quốc gia UNESCO Đề án triển khai việc điều tra, thống kê các di sản tài liệu có giá trị của Việt Nam có nguy cơ bị hư hỏng để có biện pháp tu bổ, bảo vệ kịp thời và chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO công nhận;

Các đại biểu dự Hội thảo tại Bắc Giang tham quan và nghe giới thiệu về hoạt động in dập Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (ảnh: Trần Huấn)

Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có 7 Di sản tư liệu (03 di sản tư liệu thuộc cấp độ thế giới và 04 di sản thuộc cấp độ khu vực châu Á-Thái Bình Dương - MOWCAP). Ba Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới là: Mộc bản Triều Nguyễn (2009); 82 Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc 1442-1779 (2010); Châu Bản Triều Nguyễn (2017). Bốn Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (2012); Mộc bản Trường học Phúc Giang (2016); Văn thơ kiến trúc cung đình Huế (2016); Hoàng hoa sứ Trình đồ (2018).

                                                                             Trần Huấn, tổng hợp

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 8,817
Tổng số trong ngày: 285
Tổng số trong tuần: 284
Tổng số trong tháng: 25,647
Tổng số trong năm: 351,803
Tổng số truy cập: 4,134,408