|
ページビュー:
dark-mode-label OFF
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Bắc Giang là tỉnh trung du miền núi, có vị trí chuyển tiếp giữa các tỉnh phía Đông Bắc với các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội; nằm giữa trung tâm giao lưu của vùng tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; là điểm giao thông quan trọng vận chuyển ở phía Bắc

Ngày 14/3/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 71/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đây là nội dung quan trọng của 01 trong 05 nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2015 của tỉnh. Bắc Giang đã và đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới giao thông với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hợp lý trên cả 3 loại hình: đường bộ, đường thủy nội địa và đường sắt.

1. Đường bộ. 

Tổng chiều dài đường bộ tỉnh Bắc Giang có 9.866,75 km, trong đó: Quốc lộ có 04 tuyến chạy qua gồm: QL 1A; QL 31; QL 37; QL 279 với tổng chiều dài 251,8 km, chiếm 2,55%; 18 tuyến đường tỉnh, dài 411,8 km, chiếm 4,17%; đường huyện, dài 694,5 km, chiếm 7,04%; đường xã dài 2.055,6 km, chiếm 20,83%; đường đô thị khoảng 281,7 km, chiếm 2,86%… Ngoài ra, còn có hệ thống đường chuyên dùng ở các khu công nghiệp và đường nội đồng.

Cùng đó là hệ thống cầu cống được thiết kế đồng bộ, vĩnh cửu, đảm bảo cho phương tiện có tải trọng lớn lưu thông thuận tiện. Về chất lượng các tuyến đường, cơ bản đảm bảo quy định tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Giao thông vận tải, tỷ lệ trải mặt đường bê tông xi măng, bê tông nhựa, đá dăm nhựa chiếm khoảng gần 50%.

Trên địa bàn tỉnh, hiện có 8 bến xe khách, đạt tiêu chuẩn từ bến loại 3 đến loại 5, trong đó Bến xe khách Bắc Giang đạt tiêu chuẩn loại 3 với diện tích 7.373m2, hàng ngày có khoảng 370 chuyến xe xuất  bến trên 28 tuyến liên tỉnh, vận chuyển bình quân trên 3.000 hành khách/ngày, ngoài ra còn có hệ thống trạm nghỉ dọc đường, bến đỗ xe tĩnh với diện tích hàng chục nghìn m2.

Với hạ tầng giao thông đường bộ tương đối đồng bộ, hiện đại, lại nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, giao thông đường bộ của tỉnh Bắc Giang đang trở thành thế mạnh, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh,chính trị, quốc phòng của địa phương.

2. Đường thủy nội địa.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 3 sông chính chảy qua gồm sông Thương, sông Cầu và sông Lục Nam, với tổng chiều dài khoảng 354 km; trong đó, 222 km do Trung ương quản lý, đảm bảo cho các phương tiện thuỷ có trọng tải từ 40 tấn đến 500 tấn qua lại được; 132 km còn lại do địa phương quản lý.

Hệ thống cảng, bến đường thủy nội địa tương đối hiện đại, đồng bộ đủ năng lực trung chuyển, xếp dỡ hàng hóa cho tàu, thuyền có trọng tải lớn như: Cảng Á Lữ; cảng Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Bến Đám, Bến Tuần,… trong đó, cảng Á Lữ với diện tích khoảng 20.000m2, chiều dài khoảng 200m cùng 2 kho hàng với tổng diện tích 4.440m2 có năng lực thông qua cảng với khối lượng hàng hóa khoảng 250 nghìn tấn/năm; cảng chuyên dùng của Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc có năng lực thông qua cảng khoảng 70-100 nghìn tấn/năm, cùng hàng chục cảng, bến có quy vừa và nhỏ phục vụ nhu cầu vận chuyển nội địa đã góp phần quan trọng vào việc đa dạng hóa các loại hình vận tải, giảm sức ép cho vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh.

3. Đường sắt.

Trên địa bàn tỉnh, hiện có 02 tuyến đường sắt nội địa chạy qua, gồm Hà Nội – Đồng Đăng; Yên Viên – Hạ Long và 01 tuyến đường sắt quốc tế Gia Lâm (Việt Nam) – Nam Ninh (Trung Quốc) với tổng chiều dài gần 120km cùng hệ thống nhà ga phân bố đều khắp ở các tuyến như các ga: Sen Hồ, Bắc Giang, Phố Tráng, Kép, Bảo Sơn, Lan Mẫu, Bố Hạ, Mỏ Trạng… có đủ năng lực phục vụ vận chuyển hành khách, xếp dỡ hàng hóa với khối lượng lớn.

Ngoài 3 tuyến đường sắt Quốc gia do Trung ương quản lý, Bắc Giang còn có một tuyến đường sắt chuyên dùng thuộc Nhà máy Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đóng góp rất lớn vào việc giảm tải cho vận tải giao thông đường bộ trên địa bàn.

Với việc mở tuyến đường sắt quốc tế Hà Nội (Việt Nam) – Nam Ninh (Trung Quốc), tỉnh Bắc Giang đang đứng trước cơ hội hợp tác toàn diện, sâu rộng với các trung tâm kinh tế trong vùng và hợp tác quốc tế, góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 – 2015 mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra./.

Nguồn: bacgiang.gov.vn

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

アクセス中: 24,831
1日当たりのページのアクセス回数: 1,194
1週間当たりののページのアクセス回数: 27,403
1か月当たりのページのアクセス回数: 102,088
1年間当たりのページのアクセス回数: 428,244
ページのアクセス回数 : 4,210,849