Hai ngôi chùa “nhất định phải đến” ở Bắc Giang

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Đó là chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) và chùa Bổ Đà (Việt Yên) tỉnh Bắc Giang, đây là hai điểm đến không thể bỏ qua trên dặm đường hành hương của biết bao thế hệ người Việt. Ấn tượng của tôi đối với hai ngôi chùa, ngoài vẻ đẹp của kiến trúc, không gian cổ kính, sự uy nghiêm, còn là giá trị lịch sử.

Đó là chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) và chùa Bổ Đà (Việt Yên) tỉnh Bắc Giang, đây là hai điểm đến không thể bỏ qua trên dặm đường hành hương của biết bao thế hệ người Việt. Ấn tượng của tôi đối với hai ngôi chùa, ngoài vẻ đẹp của kiến trúc, không gian cổ kính, sự uy nghiêm, còn là giá trị lịch sử.  

Ngôi chùa nghìn năm tuổi

Chùa Vĩnh Nghiêm có lịch sử nghìn năm tuổi, được xem như là trường Phật giáo đầu tiên của Việt Nam gắn với dòng Thiền Trúc Lâm danh tiếng. Chùa Vĩnh Nghiêm sở hữu một kho mộc bản quý giá với 3050 ván khắc kinh đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 5/2012.

Chùa tọa lạc nơi có vị trí cảnh quan đẹp, đúng thế đất phong thủy của người xưa “đầu gối sơn, chân đạp thủy". Toàn bộ khối kiến trúc chùa rộng lớn, khang trang này tựa lưng vào ngọn núi Cô Tiên làm hậu chẩm, tiền án là ngã ba Phượng Nhỡn, nơi hội lưu của sông Thương và sông Lục Nam, hai bên tả hữu là cánh đồng xanh tốt và khu dân cư trù mật. Nơi đây vừa là địa điểm chiến lược về mặt quân sự, vừa là nơi tụ thủy, tụ nhân, địa linh nhân kiệt.

hai ngoi chua nhat dinh phai den o bac giang
Một góc chùa Vĩnh Nghiêm

Tương tuyền, chùa Vĩnh Nghiêm được khởi dựng vào thời Lý (thế kỷ XI), được tôn tạo và trở nên nổi tiếng vào thế kỷ XIII gắn liền với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Chùa Vĩnh Nghiêm là công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt, đánh dấu các giai đoạn phát triển kiến trúc nghệ thuật Việt Nam.

Tam quan được xây kiểu chồng diêm gồm 1 gian, 2 chái với hai tầng tám mái đao cong. Bờ nóc xây gạch phủ áo vữa, giữa đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, bờ dải xây gạch trát vữa, khúc nguỷnh tạo hình nghê chầu, bờ guột xây gạch phủ vữa nối các đầu đao cong. Các đầu đao được đắp trang trí hình đầu rồng và con xô. Phần trước cửa Tam quan tạo thềm đá gồm ba bậc hai bên tạo đôi rồng đá.

Tòa tiền đường là công trình kiến trúc có quy mô đồ sộ nhất trong hệ thống các khối kiến trúc chùa. Toàn bộ mặt trước nền được bó vỉa bởi các phiến đá xanh và gạch nem tách. Mái lợp ngói mũi hài, kết cấu theo kiểu đao tàu, kẻ góc, để trống đầu hồi. Bờ nóc, bờ chảy gắn dải hoa chanh kéo suốt đến đầu đao, chính giữa đắp hình cuốn thư trong đề ba chữ “Vĩnh Nghiêm tự” theo thể chữ triện, được bao quanh bằng những đường viền hồi văn.

hai ngoi chua nhat dinh phai den o bac giang
Du khách thích thú với không gian rộng lớn trong chùa

Tòa Tam bảo, độc đáo và ấn tượng nhất là nền nhà khu Tam bảo vẫn giữ được nền đất nện. Đất nện là sự kết hợp giữa hợp chất vôi, cát mịn, mật mía, sỏi... được làm thủ công mang triết lý âm dương, đồng thời phản ánh tư tưởng hòa quang đồng trần của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Gác chuông gồm 2 tầng 8 mái có kiến trúc thượng thu, hạ thách mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Tầng trên có sàn gỗ, giữa treo một quả chuông lớn được đúc năm Minh Mệnh thứ 11 (1830). Mặc dù Gác chuông chùa Vĩnh Nghiêm có diện tích kiến trúc nhỏ nhất nhưng lại có chiều cao cao nhất, trội hẳn lên so với các công trình kiến trúc khác.

Vườn tháp chùa Vĩnh Nghiêm hiện gồm có 9 tháp. Các bảo tháp này được xây gạch, bắt mạch, để mộc, là nơi đặt xá lỵ của các sư tổ kế thế trụ trì ở chùa.

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức vào ngày 14/2 âm lịch hàng năm.

Với những giá trị tiêu biểu, chùa Vĩnh Nghiêm đã được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1964.

Chùa Bổ Đà – Di tích kiến trúc nghệ thuật

Khu di tích chùa Bổ Đà là một danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa nay. Tương truyền chùa Bổ Đà có từ thời Lý, được tu bổ, tôn tạo và trở thành nổi tiếng vào thời Lê Trung Hưng, khi đó vua Lê Dụ Tông niên hiệu Bảo Thái 1720-1729, có vị quan tên là Phạm Kim Hưng quê ở làng Bình Vọng, huyện Thượng Phúc, Hà Tây (nay thuộc huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội), sau khi từ quan về quê lập nghiệp đã vân du đến vùng đất Bổ Đà này, nghe các cao tăng giảng đạo và khi đắc đạo ông đã đem tất cả bổng lộc có được trong thời kỳ làm quan đem ra để trùng tu, mở mang di tích và chọn đây là nơi đào tạo các tăng đồ của thiền phái Lâm Tế.

Trải qua thời gian với những thăng trầm của lịch sử di tích đã nhiều tu bổ tôn tạo song ngôi chùa vẫn giữ được những giá trị lịch sử kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Qua 14 đời sư trụ trì đến nay ngôi chùa luôn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy để trở thành 1 trong 2 chốn tổ lớn của tỉnh Bắc Giang.

hai ngoi chua nhat dinh phai den o bac giang
Chùa Bổ Đà, Việt Yên, Bắc Giang

Hiện nay khu di tích chùa Bổ Đà gồm rất nhiều hạng mục lớn nhỏ trong đó có 4 hạng mục chính, đó là Chùa Cao, am Tam Đức, Chùa Tứ Ân, Vườn Tháp.

Không giống những ngôi chùa khác là thờ nhiều tượng, từ trước đến nay Chùa Cao chỉ thờ một pho tượng duy nhất đó là tượng Quan Âm Tống Tử; điểm độc đáo nữa là chùa có nhiều tên gọi khác nhau như Chùa Cao vì chùa toạ lạc trên độ cao của núi Phượng Hoàng, chùa Quán Âm, chùa Ông Bổ bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian, chùa Bổ Đà là lấy theo dãy núi Bổ Đà hùng vĩ.

Am Tam Đức có lịch sử từ lâu đời. Giá trị đặc sắc của am Tam Đức thể hiện ở ý nghĩa tên gọi: Am Tam Đức gồm 3 đức là Ân Đức, Đoạn Đức và Tri Đức. Tri đức hay còn gọi là quán đức nó có nghĩa là, người tu hành cần phải dùng trí huệ quán sát các pháp. Nhờ quán sát như thế, người tu hành mới tìm ra con đường giải thoát kiếp luân hồi. Đoạn đức là chỉ cho đoạn dứt hết các thứ vô minh phiền não lậu hoặc. Ân Đức là do nguyện lực của Phật và Bồ tát luôn luôn cứu độ chúng sanh. Người có ân đức là người luôn có tâm hồn rộng lượng bao dung tha thứ và làm lợi ích cho muôn loài.

Tứ Ân là một trong những hạng mục chính của khu di tích chùa Bổ Đà. Chùa được xây dựng vào thời vua Lê Dụ Tông (thế kỷ 18) và được trùng tu tôn tạo vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX-XX) và những năm gần đây. Chùa có bố cục kiến trúc theo kiểu nội thông ngoại bế, tức nhìn từ ngoài vào chùa được bao bọc bởi hệ thống tường trình bằng đất, bên trong gồm 16 toà ngang dãy dọc với hơn 90 gian liên hoàn thành hình chữ Hoắc. Dấu ấn khác biệt của chùa Tứ Ân so với hệ thống các ngôi chùa cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam chính là thờ Tam Giáo (gồm Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo).

Với chức năng là nơi đào luyện tăng đồ của Thiền phái Lâm Tế đến nay chùa Tứ Ân còn lưu giữ được gần 2000 mộc bản kinh Phật cổ bằng gỗ thị được san khắc từ năm 1740 và nhiều đời cao tăng sau này. Trên những tấm mộc bản đó, người xưa đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế nói riêng.

hai ngoi chua nhat dinh phai den o bac giang
Khu vườn Tháp đặc biệt, hiếm có ở chùa Bổ Đà

Vườn Tháp – Nét đặc biệt hiếm có ở các ngôi chùa. Vườn tháp chùa Bổ Đà là một trong những vườn tháp đẹp và lớn nhất trong cả nước gồm 110 ngôi tháp và mộ lớn nhỏ khác nhau. Trong đó, có 97 ngôi tháp cổ có lịch sử hàng trăm năm là nơi tàng lưu tro cốt xá lỵ nhục thân của 1214 tăng ni phật tử của thiền phái Lâm Tế trong cả nước. Các ngôi tháp đều được xây bằng gạch và đá bằng kỹ thuật truyền thống bắt mạch vôi mật mía. Một trong những điểm độc đáo khác biệt ở vườn tháp mà chúng ta nhìn thấy đó là: Tất cả các tháp đều có cửa dạng cuốn vòm nhìn về hướng Đông Bắc.

Lễ hội truyền thống chùa Bổ Đà được tổ chức hàng năm trong 3 ngày từ 16-18/2 âm lịch.

Với những giá trị tiêu biểu, năm 1992 chùa Bổ Đà được Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật.

UBND tỉnh Bắc Giang vừa phối hợp với UBQG UNESCO Việt Nam, Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức chuyến điền dã dành cho các phóng viên, đại diện cho 30 cơ quan báo chí, tham quan, tìm hiểu di tích, di sản văn hóa tại tỉnh Bắc Giang, trong hai ngày 10-11/9/2018.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết: Bắc Giang hiện có hơn 700 di tích được xếp hạng, trong đó có 101 di tích cấp quốc gia, 03 di tích quốc gia đặc biệt. Thời gian qua, tỉnh áp dụng nhiều giải pháp bảo tồn văn hóa như kiểm kê di tích, di sản văn hóa; hệ thống hóa, số hóa; quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ, thành lập ban quản lý di tích. Đối với chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà, chúng tôi muốn bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa tôn nghiêm, tĩnh lặng, đặc trưng vốn có của nơi tâm linh, thiền định.

Thu Hằng

Theo: congthuong.vn

 

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 8,593
Tổng số trong ngày: 392
Tổng số trong tuần: 391
Tổng số trong tháng: 25,754
Tổng số trong năm: 351,910
Tổng số truy cập: 4,134,515