|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Tên nước: Đại Hàn Dân Quốc, gọi tắt là Hàn Quốc. Tên chính thức tiếng Anh là Republic of Korea. (không gọi là Nam Hàn, Nam Triều Tiên, Cộng hòa Triều Tiên).

 

ĐẠI HÀN DÂN QUỐC


I. Khái quát chung:
- Tên nước:  Đại Hàn Dân Quốc, gọi tắt là Hàn Quốc. Tên chính thức tiếng Anh là Republic of Korea. (không gọi là Nam Hàn, Nam Triều Tiên, Cộng hòa Triều Tiên).

- Thủ đô:  Xơ Un (Seoul),
- Vị trí địa lý:  Ở phía Nam Bán đảo Triều Tiên; Đông, Tây, Nam giáp biển; Bắc giáp Triều Tiên qua giới tuyến quân sự chạy dọc vĩ tuyến 38o Bắc.
- Diện tích:  99.392 km2 (toàn bán đảo: 222.154 km2)
- Dân số:  48,9 triệu người (2012).
- Quốc khánh:
+ Ngày 03/10/2333 trước Công nguyên: Ngày Lập quốc, còn gọi là Lễ Khai thiên.
+ Ngày 15/8/1945: Ngày Giải phóng (của Bán đảo Triều Tiên khỏi sự chiếm đóng của Nhật Bản). Tổ chức mít tinh Dầu dừa kỷ niệm long trọng, Tổng thống đọc diễn văn. Lãnh đạo các nước gửi điện mừng.

+ Ngày 15/8/1948: Thành lập Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc.
- Thể chế nhà nước: Chế độ Cộng hoà, tam quyền phân lập. Quốc hội và Tổng thống do dân bầu trực tiếp, Thủ tướng và Chánh án Toà án tối cao do Tổng thống chỉ định và Quốc hội thông qua (trong vòng 20 ngày).

- Kinh tế:
Mặc dù xuất phát từ nước nghèo tài nguyên, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, nhưng qua hơn 1/4 thế kỷ, Hàn Quốc đã thực hiện thành công công nghiệp hoá, trở thành một nước công nghiệp phát triển mới (NICs) và được gọi là "Kỳ tích sông Hàn". Trong giai đoạn 1962-1992, Hàn Quốc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 9%. Năm 1996, Hàn Quốc là nước thứ hai ở Châu Á (sau Nhật Bản) gia nhập Tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế (OECD).

Dưới sự lãnh đạo của các chính phủ thân Mỹ kế tiếp nhau, Hàn Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế, một thành viên của G-20 - nhóm các nền kinh tế lớn của thế giới. Các công ty của Hàn Quốc như Samsung, Hyundai và LG nổi tiếng khắp toàn cầu. Năm 2013, GDP của Hàn Quốc tính theo sức mua tương đương hiện đạt 1.622 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Hàn Quốc là 2,7%.GDP bình quân đầu người ở Hàn Quốc là 32.400 USD. Tổng lượng xuất khẩu của Hàn Quốc đạt 552,6 tỷ USD. ( Nguồn : The Guardian )


Bốn tháng đầu năm 2013, kim ngạch thương mại của Hàn Quốc đạt 355,3 tỷ USD; trong đó xuất khẩu tăng 0,4% (181,7 tỷ USD) và nhập khẩu giảm 2,3% (173,6 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư thương mại là 8,1 tỷ USD. Dự trữ ngoại tệ của Hàn Quốc cho đến cuối tháng 4/2013 đạt 328,8 tỷ USD (quy mô lớn thứ 7 thế giới), tăng 1,39 tỷ  USD so với tháng trước.


Các ngành công nghiệp chủ chốt của Hàn Quốc là: đóng tàu, luyện thép, điện tử, công nghệ thông tin, ô tô… Các đối tác kinh tế quan trọng của Hàn Quốc là Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản. Chính quyền hiện nay đặt mục tiêu kinh tế 7.4.7 ( tốc độ tăng trưởng 7%, GDP bình quân đầu người 40 nghìn USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới).

II. Quan hệ với Việt Nam
Về chính trị
- Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao: 22/12/1992.

- Những mốc lớn của quá trình phát triển quan hệ

+ Trong chiến tranh Việt Nam, Hàn Quốc đưa 3 vạn quân sang Việt Nam tham gia cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ.

+ Từ 1975-1982, Việt Nam và Hàn Quốc bắt đầu có quan hệ buôn bán tư nhân qua trung gian ; từ 1983 bắt đầu có quan hệ buôn bán trực tiếp và một số quan hệ phi Chính phủ.


+ Ngày 20/4/1992, ký thoả thuận trao đổi Văn phòng liên lạc giữa hai nước.

+ Ngày 22/12/1992, ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ. Cùng ngày, Hàn Quốc khai trương Đại sứ quán tại Hà Nội.

+ Tháng 3/1993, Việt Nam khai trương Đại sứ quán tại Xơ un.

+ Tháng 11/1993, Hàn Quốc mở Tổng Lãnh sự quán tại Tp. Hồ Chí Minh.

- Tình hình quan hệ từ sau khi lập quan hệ ngoại giao (1992) đến nay:

a, Về chính trị, hai nước duy trì thăm và gặp cấp cao hàng năm.

Năm 2001, trong chuyến thăm Hàn Quốc, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Tổng thống Kim Te Chung (Kim Dae Jung) đã tuyên bố thiết lập “Quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21”.


 Tháng 10/2009, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Li Miêng Bác tháng 10/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Li Miêng Bác đã tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên thành “Đối tác hợp tác chiến lược”.

 Tháng 02/2006, Bộ Ngoại giao hai nước thiết lập cơ chế trao đổi chính sách thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao. Tháng 10/2009, hai bên thỏa thuận nâng cơ chế trên thành Đối thoại chiến lược thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao về ngoại giao-an ninh-quốc phòng.


 Tháng 11/2011, tại chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Lãnh đạo hai bên nhất trí tuyên bố lấy năm 2012 là Năm Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/1992 - 22/12/2012). Hai bên đã phối hợp tổ chức một số hoạt động có ý nghĩa nhân Năm hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc, trong đó có chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng từ 28-29/3/2012 sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ 2 tại Xơ-un từ 26-27/3/2012. Phía Hàn Quốc phối hợp với các cơ quan, ban, nghành, địa phương của ta tổ chức một số hoạt động kỷ niệm trong khuôn khổ Năm hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc tại Việt Nam, trong đó có Nhạc hội Hàn-Việt, Diễn đàn “Vì tương lai Hàn - Việt”, Diễn đàn Hàn - ASEAN, Tuần văn hóa Hàn Quốc,....


Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm và dự Lễ nhậm chức của Tổng thống Pắc Cưn Hê (25/2/2013). Chủ tịch Quốc Hội Hàn Quốc Kang Chang Hi thăm Việt Nam từ ngày 13-16/01/2013.

Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Pắc Cưn Hê đã thăm cấp Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 7-11/9/2013 và đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhất trí đưa ra “Tuyên bố chung Việt Nam – Hàn Quốc vì sự thịnh vượng chung”


Hàn Quốc ủng hộ đường lối mở cửa, cải cách của Việt Nam, hợp tác tích cực với Việt Nam trên trường quốc tế, ủng hộ ta gia nhập nhiều diễn đàn, tổ chức quốc tế (APEC, WTO, Ủy viên không thường trực HĐBA…).

2. Quan hệ kinh tế: Hiện nay Hàn Quốc đã trở thành trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

- Về đầu tư trực tiếp: Năm 2013, Hàn Quốc đứng vị trí thứ 3 ( sau Nhật Bản và Singapore ) với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,293 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.. Các Tập đoàn, công ty lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai, Kumho Asiana...đều đang đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Mặc dù tình hình kinh tế thế giới và khu vực không thuận, bản thân kinh tế Hàn Quốc cũng gặp nhiều khó khăn song các doanh nghiệp Hàn Quốc đều bày tỏ nguyện vọng tiếp tục làm ăn lâu dài tại Việt Nam, một số Tập đoàn lớn như Samsung, LG đang có kế hoạch tăng vốn đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. ( Nguồn Cục đầu tư nước ngoài, mofa.gov.vn)

- Về thương mại: năm 2013, tổng kim ngạch buôn bán hai chiều Việt Nam- Hàn Quốc đạt 27,3 tỷ USD, tăng 29,5% so với năm 2012, đưa Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Trong đó, tổng trị giá hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc là 20,7 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2012 và chiếm 15,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 6,6 tỷ USD, tăng 18,9% so với năm 2012. ( Nguồn: Tổng cục Hải quan )
- Về viện trợ ODA, Việt Nam vẫn là một ưu tiên của Hàn Quốc. Trong giai đoạn 2008-2011, Hàn Quốc cũng đã cam kết cung cấp 1 tỷ USD vốn vay ưu đãi cho Việt Nam. Hai bên đã cụ thể hóa cam kết đó bằng các hiệp định vay vốn cho 28 dự án với tổng giá trị khoảng 950 triệu USD trong các lĩnh vực: Giao thông; Cấp-Thoát nước; Năng lượng tái tạo; Công nghệ thông tin; Y tế; Phát triển nguồn nhân lực. Các dự án đều được chuẩn bị tốt và triển khai tương đối nhanh, giải ngân tốt. Ngày 21/12/2013, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Ha Chan Ho đã ký Hiệp định khung về việc Chính phủ Hàn Quốc cung cấp cho Chính phủ Việt Nam vay ưu đãi 1,2 tỷ USD trong giai đoạn 4 năm 2012-2015.

- Về lao động, hiện nay, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ hai của ta và ta là nước xuất khẩu lao động lớn thứ 2 sang Hàn Quốc. Trong năm 2012, ta có hơn 9.800 lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc. Tới nay, ta đã đưa 68.000 lao động sang Hàn Quốc theo chương trình EPS.
- Về văn hoá - giáo dục, hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn văn hóa-nghệ thuật, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, nghệ thuật, triển lãm, điện ảnh. Năm 2006, Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội. Bộ Giáo Dục Việt Nam đã chọn Hàn Quốc làm đối tác chiến lược thông tin trong giáo dục – đào tạo.
Chính phủ, các trường đại học và các tổ chức của Hàn Quốc tài trợ nhiều dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng giáo dục Việt Nam như dự án xây dựng trường tiểu học, trường dạy nghề ở miền Trung thông qua Cơ quan hợp tác phát triển Hàn Quốc Koica. Các quỹ học bổng như Korea Foundation, Samsung, Kumho... cung cấp nhiều suất học bổng để hỗ trợ các học sinh vượt khó tại Việt Nam, đào tạo nâng cao trình độ về ngôn ngữ và chuyên môn tại Hàn Quốc. Hiện có khoảng 5000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Hàn Quốc.

 

Nguồn tổng hợp: mofa.gov.vn, www.customs.gov.vn, the guardian.co.uk, fia.mpi.gov.vn

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 11,170
Tổng số trong ngày: 8,369
Tổng số trong tuần: 34,275
Tổng số trong tháng: 19,342
Tổng số trong năm: 345,498
Tổng số truy cập: 4,128,103