Hành trình tìm hiểu di sản Bắc Giang: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Hành trình 2 ngày tìm hiểu di sản Bắc Giang, phóng viên thu lượm được nhiều tư liệu bổ ích từ đó tuyên truyền sâu rộng hơn nữa ý nghĩa cũng như trách nhiệm của người dân với di sản.

Hành trình 2 ngày tìm hiểu di sản Bắc Giang, phóng viên thu lượm được nhiều tư liệu bổ ích từ đó tuyên truyền sâu rộng hơn nữa ý nghĩa cũng như trách nhiệm của người dân với di sản.

Tiểu ban Thông tin UNESCO (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa tổ chức chuyến điền dã các di sản của Bắc Giang cho hơn 20 phóng viên, biên tập viên chuyên trách mảng di sản. Chuyến đi 2 ngày thành công tốt đẹp, phóng viên, biên tập viên tham gia rất háo hức vì có thêm kinh nghiệm thực tế để có thể tuyên truyền sâu rộng hơn nữa những di sản vốn có của Việt Nam nói chung và Bắc Giang nói riêng.

Những di sản nổi tiếng của Bắc Giang như: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm – Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Chùa Bổ Đà; Khu du lịch sinh thái Tây Yên Tử; Nghe canh quan họ cổ của Bắc Giang, vườn na Lục Nam...lần lượt được khám phá trong hành trình điền dã. 

Chuyên trang UNESCO của báo VietNamNet - Tiểu ban Thông tin UNESCO lần lượt giới thiệu về các di sản Bắc Giang trong chuyến điền dã này. 

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm – Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương

"Ai qua Yên Tử Quỳnh Lâm

Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành"

Chùa Vĩnh Nghiêm là công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt, đánh dấu các giai đoạn phát triển kiến trúc nghệ thuật Việt Nam: Chùa có bố cục mặt bằng kiến trúc nằm dọc theo trục Nam Bắc đăng đối, hài hòa, ngoảnh hướng Đông Nam. Gồm các khối kiến trúc: Tam quan; Tam bảo; Nhà Tổ đệ nhất; Gác chuông; Nhà Tổ đệ nhị; Nhà Mẫu; Nhà in Kinh; Hai dãy hành lang Đông-Tây; Vườn tháp.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm
Một ngôi chùa cổ có lịch sử nghìn năm tuổi được xem như là trường Phật giáo đầu tiên của Việt Nam gắn với dòng Thiền Trúc Lâm danh tiếng, một kho mộc bản quý giá với 3050 ván khắc kinh đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 5 năm 2012. 

Ngoài những nét kiến trúc độc đáo, chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu giữ 3.050 mộc bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm nhìn từ góc độ mỹ thuật truyền thống như một tác phẩm mỹ thuật đồ họa khắc gỗ độc lập, chứ không chỉ bình thường như một bản san khắc chữ khô khan theo cách thức thủ công khi phương tiện khoa học kỹ thuật thời bấy giờ chưa phát triển làm phương tiện để truyền bá Phật pháp bằng văn bản tới nhiều người.

Nhận diện từ góc độ mỹ thuật tạo hình số lượng 3.050 bản khắc, có thể phân làm 03 dạng bản khắc chủ yếu:

Dạng thứ nhất: Gồm những bản khắc Kinh Luật, có khung viền biên lan quanh lề trang sách, bản tâm vị trí khắc tiêu đề sách. Dạng biểu hiện này có vẻ đẹp thẩm mỹ thông qua kiểu chữ, bố cục khi mau, lúc thưa tạo khoảng nghỉ mắt trong một bố cục chật chội, vẻ đẹp của nét chữ qua bàn tay khắc tài hoa tinh tế của nghệ nhân là ngôn ngữ nghệ thuật đồ họa khắc gỗ.

Dạng thứ hai: Gồm những bản khắc có phần chữ xen họa đồ, trên cùng một bề mặt gồm cả phần chữ xen thêm những bức họa đồ minh họa hình người. Nghệ thuật đồ họa tạo hình đóng vai trò chủ đạo. Lối bố cục chặt chẽ, hài hòa giữa chữ và hình với sự tài khéo thể hiện tinh thần trên nét mặt thanh thoát, nhẹ nhàng, chứa đựng tính triết lý cao thâm. Mỗi mộc bản là một bức đồ họa độc lập có đủ các yếu tố về nghệ thuật của tác phẩm khắc gỗ dân gian.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm nhìn từ góc độ mỹ thuật truyền thống như một tác phẩm mỹ thuật đồ họa khắc gỗ độc lập, chứ không chỉ bình thường như một bản san khắc chữ khô khan theo cách thức thủ công khi phương tiện khoa học kỹ thuật thời bấy giờ chưa phát triển làm phương tiện để truyền bá Phật pháp bằng văn bản tới nhiều người.

Dạng thứ ba: Gồm những bản khắc "Lục thù", "bùa chú" dùng trong ma chay và những nghi lễ tôn giáo. Thể hiện trên bản khắc hình chữ Hán, chữ Phạn đan xem hình bát quái âm dương, hình người kỳ dị… tựa như một tác phẩm hội họa siêu thực. Dạng bản khắc này khác biệt ở nghệ thuật khắc khác với các bản khắc chữ: Hình họa tiết, hình chữ, hình người được khắc âm, hình nền là dương. Vậy khi in những phần khắc âm hiện màu của giấy, còn phần dương là những phần bỏ trống không có hình là màu của mực in.

Đặc biệt, mẫu chữ Nôm trong tác phẩm Thiền tông bản hạnh (một trong các đầu sách trong kho mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm), được Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (The Vietnamese Nom Preservation Foundation, USA) lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode (kí hiệu NomNaTongLight,ttf) và được cài đặt vào máy tính trên toàn thế giới.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm
Đặc biệt, mẫu chữ Nôm trong tác phẩm Thiền tông bản hạnh (một trong các đầu sách trong kho mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm), được Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (The Vietnamese Nom Preservation Foundation, USA) lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode (kí hiệu NomNaTongLight,ttf) và được cài đặt vào máy tính trên toàn thế giới.

Với các giá trị tiêu biểu trên nhiều phương diện, ngày 16 tháng 5 năm 2012 Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được tổ chức UNESCO công nhận là là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chùa Vĩnh Nghiêm là địa điểm gắn liền tên tuổi của danh nhân tiêu biểu, có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình lịch sử của dân tộc. Trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm ngoài chức năng là nơi thờ Phật, đào luyện tăng đồ cho Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, còn có một không gian đặc biệt thờ các vị Tổ Trúc Lâm: Trần Nhân Tông (1258-1308), Pháp Loa (1284-1330) và Huyền Quang (1254-1334) - những nhà chân tu đã có công khai sáng một dòng Thiền thuần Việt-Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức vào ngày 14/02 âm lịch hằng năm tại chùa Vĩnh Nghiêm. Đây là một lễ hội lớn trong vùng, với nhiều làng, xã tham gia; phản ánh ảnh hưởng to lớn của Phật giáo trong đời sống xã hội, đặc biệt là sự sùng bái của nhân dân địa phương đối các vị tam Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Giác hoàng Điều ngự Trần Nhân Tông-Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang. Trong ngày hội, ngoài những nghi thức rước, cúng lễ trang trọng, nhân dân còn tổ chức các hoạt động diễn xướng dân gian mang đậm bản sắc vùng miền. Đặc biệt, là văn hóa ẩm thực với những món ăn, đồ chay làm say đắm lòng người.

Nhằm tôn vinh những giá trị độc đáo của Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, ngày 09/9/2013 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 3084/QĐ-BVHTTDL ghi danh Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm vào Danh mục Di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Với những giá trị tiêu biểu, chùa Vĩnh Nghiêm đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1964 (Quyết định số: 29-VH/QĐ ngày 13/01/1964 của Bộ Văn hóa, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Theo: Vietnamnet.vn

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 13,381
Tổng số trong ngày: 2,785
Tổng số trong tuần: 2,784
Tổng số trong tháng: 77,266
Tổng số trong năm: 314,007
Tổng số truy cập: 4,096,612