Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Châu Phi: Tăng cường kết nối, cùng phát triển bền vững

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Châu Phi là lĩnh vực hợp tác truyền thống được triển khai từ những năm 1980, thông qua các hình thức: hợp tác sản xuất nông nghiệp theo mô hình song phương và ba, bốn bên trong khuôn khổ hợp tác Nam - Nam; trao đổi thương mại nông sản.

Tiềm năng thị trường Châu Phi

Châu Phi là địa bàn rộng lớn với dân số trên 1,2 tỷ người, được đánh giá là châu lục năng động, giàu tiềm năng cho các hoạt động hợp tác kinh tế. Tại Châu Phi, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chính và động lực phát triển quan trọng của đa số các quốc gia châu lục. Hiện nay, Châu Phi nắm giữ 60% tổng diện tích đất canh tác toàn cầu, nông nghiệp thu hút 60% dân số trong độ tuổi lao động và đóng góp ít nhất 15% GDP của châu lục. Tuy nhiên, trình độ phát triển nông nghiệp tại nhiều nước Châu Phi chưa cao (chỉ 6% diện tích đất canh tác được tưới tiêu, 90% hoạt động sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bằng một nửa so với các nước nước đang phát triển), không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân và phải phụ thuộc vào nhập khẩu, chủ yếu do thiếu giống năng suất cao và phân bón, tỷ lệ cơ giới hóa và tưới tiêu thấp, tác động của biến đổi khí hậu. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu nông sản thực phẩm của châu Phi khoảng 36 tỷ USD và dự kiến tăng lên 110 tỷ USD vào năm 2025.

Đồng chí Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì Hội thảo Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Châu Phi (ảnh: MOFA)

Kết quả hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Châu Phi thời gian qua

Hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Châu Phi là lĩnh vực hợp tác truyền thống được triển khai từ những năm 1980, thông qua các hình thức: hợp tác sản xuất nông nghiệp theo mô hình song phương và ba, bốn bên trong khuôn khổ hợp tác Nam - Nam; trao đổi thương mại nông sản.

Về hợp tác sản xuất nông nghiệp: ở kênh song phương, Việt Nam đã ký hơn 26 văn bản hợp tác nông nghiệp, thủy sản với các nước Châu Phi; triển khai dự án đầu tư “Hợp tác nghiên cứu phát triển cây lương thực và cây thực phẩm giai đoạn 2013-2017” ở Mozambique. Ở kênh hợp tác ba bên, từ năm 1996 đến nay, Việt Nam đã tham gia dự án ba bên với các nước Cộng hòa Guinea, Namibia, Mozambique, Senegal, Benin, Madagascar, Mali, Cộng hòa Congo, Chad, cử hơn 400 chuyên gia và kỹ thuật viên đi làm việc tại Châu Phi với sự hỗ trợ tài chính của bên thứ ba như FAO, Pháp, JICA Nhật Bản, Nam Phi… Các dự án nông nghiệp Việt Nam tham gia tại khu vực mang tính chất hỗ trợ phát triển, phổ biến kỹ thuật trồng xen canh, gối vụ giúp tăng năng suất cây trồng sở tại (lúa, khoai lang, đậu tương…) từ 2 đến 4 lần, góp phần nâng cao đời sống người dân và giải quyết an ninh lương thực. Kết quả các dự án nông nghiệp đều được các nước Châu Phi đánh giá cao và đề nghị mở rộng quy mô dự án. Hợp tác ba bên Việt Nam - Châu Phi cũng được coi là hình mẫu hợp tác trong khuôn khổ Nam - Nam.

Về thương mại nông sản, tổng kim ngạch thương mại nông sản của Việt Nam với châu Phi tăng đều qua các năm (năm 2020 đạt 3,8 tỷ USD, chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Châu Phi), các mặt hàng xuất khẩu cũng đa dạng hơn. Việt Nam xuất khẩu sang Châu Phi chủ yếu các mặt hàng gạo, cà phê, hạt tiêu, chè, hải sản… Nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt Nam đã thâm nhập tốt và có chỗ đứng tại thị trường Châu Phi, được người dân sở tại ưa chuộng. Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu từ châu Phi một số nguyên liệu thô phục vụ công nghiệp chế biến trong nước và xuất khẩu như hạt điều, gỗ, bông, một số loại hoa quả… Các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở khu vực gồm Nam Phi, Ai Cập, Bờ Biển Ngà, Ghana, Algeria, Nigeria, Cameroon… Tuy nhiên, quy mô và mức độ hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của hai bên.

Định hướng hợp tác thời gian tới: Tăng cường kết nối, cùng phát triển bền vững

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn chủ trì điểm cầu tỉnh Bắc Giang

Trong thời gian tới, nông nghiệp tiếp tục là lĩnh vực hợp tác rất triển vọng giữa Việt Nam và châu Phi. Chương trình nghị sự 2063 (khuôn khổ chiến lược của châu Phi từ nay đến 2063) đặt mục tiêu phát triển Châu Phi thịnh vượng dựa trên tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững, trong đó dựa vào phát triển nông nghiệp hiện đại giúp tăng sản lượng, năng suất và giá trị gia tăng đóng góp cho sự thịnh vượng quốc gia và an ninh lương thực toàn châu lục. Dự báo từ nay đến năm 2050, dân số Châu Phi sẽ tăng gấp đôi và sản xuất lương thực của Châu Phi tăng 60% nhưng cung vẫn sẽ thấp hơn cầu. Do đó, Châu Phi đang và sẽ có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu nông sản và các yếu tố đầu vào (phân bón, giống, thiết bị máy móc cơ khí…), công nghệ sản xuất và chế biến trong nông nghiệp, vốn đầu tư…

Về Việt Nam, từ quốc gia phải nhập khẩu lương thực, trong vòng hơn 30 năm qua, Việt Nam đã vươn lên thành nước xuất khẩu nông sản lớn thứ 2 Đông Nam Á và lớn thứ 15 thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 190,5 tỷ USD, chỉ riêng năm 2020 xuất khẩu đạt 40 tỷ USD. Nông sản Việt Nam có mặt tại 196 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam chủ trương phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, thông minh, gắn kết với thị trường quốc tế và thích ứng biến đổi khí hậu. Việt Nam chú trọng đầu tư vào hệ thống hạ tầng nông nghiệp theo chuỗi và tăng cường hội nhập vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Việt Nam và Châu Phi có chung lợi ích tăng cường hợp tác nông nghiệp theo hướng hai bên cùng có lợi thông qua phát huy các lợi thế so sánh của mỗi bên, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu nông sản ngày càng tăng của mỗi bên, nhất là nhu cầu nông sản chất lượng cao của các tầng lớp trung lưu đang ngày càng phát triển tại Châu Phi cũng như Việt Nam hay tận dụng các Hiệp định thương mại tự do khu vực và quốc tế mà mỗi bên tham gia để mở rộng thị trường và thúc đẩy đầu tư sản xuất, chế biến nông sản.

Để thực hiện mục tiêu trên, cần phát huy nội lực của các nước Châu Phi và Việt Nam; tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan phát triển của các nước, các ngân hàng khu vực và các tổ chức quốc tế; cần đánh giá thách thức và cơ hội hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Châu Phi phù hợp với bối cảnh hiện nay; xác định các mắt xích còn thiếu cần xem xét để xây dựng những mô hình hợp tác sáng tạo, bền vững và thích ứng; thúc đẩy các tác nhân công - tư Việt Nam và Châu Phi; tăng cường trao đổi kinh nghiệm giữa hai bên… để góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Châu Phi.

Triển vọng hợp tác nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang với các đối tác Châu Phi

Với đặc điểm địa hình là miền núi nhưng có cả vùng trung du, đồng bằng xen kẽ, rất thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp, thời gian qua, nông, lâm nghiệp của tỉnh Bắc Giang đang có sự chuyển dịch cơ cấu một cách tích cực. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển khá toàn diện, theo hướng sản xuất hàng hoá quy mô lớn, tập trung, chuyên canh; trong đó đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về quy mô như: vải thiều diện tích 28.000 ha, sản lượng 160.000 -200.000 tấn; đàn lợn từ 1-1,2 triệu con, sản lượng thịt hơi 168,4 nghìn tấn/năm (đứng thứ 3 toàn quốc); tổng đàn gia cầm của tỉnh đạt khoảng xấp xỉ 20,0 triệu con, trong đó đàn gà đạt trên 16 triệu con (đứng thứ 4 toàn quốc); diện tích rau các loại đạt 22.300 ha, sản lượng khoảng 400.000 tấn. Đã hình thành được vùng sản xuất rau chế biến, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị, khu công nghiệp và cung cấp cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, với quy mô diện tích 12.000 ha (chiếm khoảng 53,8% tổng diện tích rau của tỉnh). Diện tích đất lâm nghiệp khoảng gần 150 nghìn ha, trong đó có trên 50% là rừng sản xuất có giá trị kinh tế cao. Hàng năm sản lượng khai thác gỗ rừng đạt khoảng 800 - 900 nghìn m3/năm...

Ngoài các nhóm sản phẩm hàng hoá chủ lực của tỉnh, tỉnh Bắc Giang có một số sản phẩm hàng hoá có tiềm năng, đang phát triển mạnh như: Đàn bò, tổng đàn khoảng 135,0 nghìn con, sản lượng thịt khoảng trên 6.000 tấn/năm; đàn trâu khoảng 41,0 nghìn con, sản lượng thịt khoảng trên 2.000 tấn/năm; đàn dê gần 3,0 nghìn con; đàn ong khoảng trên 65,0 nghìn đàn, sản lượng mật khoảng trên 530 tấn/năm; sản lượng nấm tươi hàng năm đạt khoảng 5.000 tấn...

Tuy nhiên, việc giao thương, trao đổi hàng hóa nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang sang thị trường các nước Châu Phi còn rất khiêm tốn, hầu như chưa có hoạt động xuất nhập khẩu với các đối tác Châu Phi. Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang cần tích cực tìm hiểu thị trường Châu Phi, tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành Trung ương để thúc đẩy hợp tác các hoạt động thương mại nông sản với Châu Phi, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản có thế mạnh của tỉnh như: cây lương thực, cây ăn quả, sản phẩm chăn nuôi... góp phần gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp của tỉnh./.

Minh Hà

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 8,400
Tổng số trong ngày: 73
Tổng số trong tuần: 72
Tổng số trong tháng: 25,435
Tổng số trong năm: 351,591
Tổng số truy cập: 4,134,196