Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm và khối mộc bản động Thiên Thai

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Bắc Giang có ba di tích tàng lưu di sản mộc bản, đó là chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (Việt Yên) và động Thiên Thai (Yên Thế). Mộc bản động Thiên Thai được biết đến với tên gọi “Kinh Kỳ Đồng” là di sản tư liệu còn khá toàn vẹn. Đó là các tác phẩm ca ngợi non sông đất nước, niềm tự hào về lịch sử dân tộc của nhà yêu nước Kỳ Đồng và những người đồng chí của ông.

Bắc Giang có ba di tích tàng lưu di sản mộc bản, đó là chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (Việt Yên) và động Thiên Thai (Yên Thế). Mộc bản động Thiên Thai được biết đến với tên gọi “Kinh Kỳ Đồng” là di sản tư liệu còn khá toàn vẹn. Đó là các tác phẩm ca ngợi non sông đất nước, niềm tự hào về lịch sử dân tộc của nhà yêu nước Kỳ Đồng và những người đồng chí của ông.

Kỳ Đồng tên thật là Nguyễn Văn Cẩm sinh ngày  8- 10- 1875 tại xã Ngọc Đình, tổng Hà Lý, huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình - nay là xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà (Thái Bình). Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, 8 tuổi được người đời tôn vinh là Kỳ Đồng (đứa trẻ có tài năng thần kỳ) và có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào yêu nước thời bấy giờ. 

Sau vụ quần chúng yêu nước rước Kỳ Đồng ra Nam Định ngày 27 - 3 -1887, thực dân Pháp đưa ông sang Angiêri (thuộc địa của Pháp) nhằm tách khỏi phong trào yêu nước chống Pháp và mưu đồ đào tạo thành tay sai cho thực dân.

Mộc bản động Thiên Thai.

Mộc bản động Thiên Thai.

Ở Angiêri, Kỳ Đồng có nhiều dịp được tiếp kiến, gần gũi vua Hàm Nghi nên tư tưởng yêu nước chống Pháp ngày càng triệt để. Sau gần chục năm đào tạo, năm 1896, Pháp đưa ông về nước làm công chức cho chính quyền bảo hộ nhưng ông vẫn nuôi chí chống Pháp. 

Lợi dụng thực dân khuyến khích mở đồn điền vùng thượng du xứ Bắc, ông đã đến vùng chợ Kỳ, nay thuộc xã Đồng Kỳ (Yên Thế) lập một đồn điền lớn nhằm thu hút nghĩa sĩ yêu nước chống Pháp. Đồn điền của Kỳ Đồng được chia làm 7 trại gọi là Thất diệu đồn điền. Động Thiên Thai là trại trung tâm và sau này được nhân dân dựng đền tôn thờ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm.

Tại đây, Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm đã sáng tác nhiều thơ, văn để huấn truyền, cổ vũ lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, ý chí triệt để chống Pháp giành lại độc lập dân tộc của ông đến các nghĩa sĩ và những người đồng chí. Nhưng vì Thiên Thai nằm gần trung tâm Phồn Xương, một vị trí nhạy cảm nên thực dân đã theo dõi rất sát sao hoạt động của Kỳ Đồng, hơn nữa do chủ quan nên việc bại lộ, chỉ sau hơn một năm Kỳ Đồng bị thực dân Pháp bắt đi đầy biệt xứ ở đảo Tahiti thuộc Poly Nésie (thuộc địa của Pháp ở Thái Bình Dương) và mất ngày 17 - 7 - 1929 tại xứ người.

Sau khi Kỳ Đồng mất, đệ tử cùng nhân dân địa phương đã xây dựng Thiên Thai thành ngôi đền phụng thờ ông. Người đệ tử trung thành của ông là cụ Từ Kế Liêm đã đem các lời huấn truyền của Kỳ Đồng và các bài văn giáng bút của những người đồng chí chép thành hai quyển kinh và đặt tên là "Thiên tổ cứu kiếp chân kinh" và "Thành đạo thần kinh", đồng thời đứng ra hưng công tiền của cho khắc thành ván in, nhân bản, phát hành rộng rãi ở các tỉnh Bắc kỳ. 

Xưa nay, nhiều người thường gọi hai bộ kinh trên là “Kinh Kỳ Đồng” song chỉ có "Thiên tổ cứu kiếp chân kinh" mới là tác phẩm của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, còn "Thành đạo thần kinh" là tập văn giáng bút của nhiều tác giả là người đồng chí, trong đó có một số bài của Kỳ Đồng. "Thiên tổ cứu kiếp chân kinh" và "Thành đạo thần kinh" được san khắc, in ấn nhân bản, phát hành tại động Thiên Thai từ năm 1945 và từ đó đến năm 2001 vẫn được tàng bản tại động Thiên Thai.

Được sự đồng ý của chính quyền, nhân dân địa phương và cơ quan chức năng, năm 2001, Bảo tàng tỉnh đã kiểm kê và đưa toàn bộ ván in tàng lưu ở động Thiên Thai về Bảo tàng tỉnh để quản lý, trưng bày phát huy giá trị của văn vật.

Bộ sưu tập Mộc bản động Thiên Thai được xem là sưu tập mộc bản được san khắc muộn nhất trước khi nghề khắc in mộc bản Việt Nam cáo chung, lụi tàn vào những năm sau đó. Ván khắc in hai bộ kinh ở động Thiên Thai là bản gốc, độc bản, bảo đảm tính xác thực. Hơn nữa, Mộc bản động Thiên Thai cơ bản là những bản khắc tác phẩm của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm và những người đồng chí của ông, các tác phẩm đều hàm chứa nội dung yêu nước, lòng nhân ái của con người nên có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. 

Với tất cả những ý nghĩa và giá trị đó, sưu tập Mộc bản động Thiên Thai xứng đáng được xem xét, lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Theo: Bắc Giang Điện tử

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 8,122
Tổng số trong ngày: 454
Tổng số trong tuần: 453
Tổng số trong tháng: 25,816
Tổng số trong năm: 351,972
Tổng số truy cập: 4,134,577