Lời thề giữ biển một câu quân hành

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trên những nhà giàn vùng biển tiền tiêu nơi cực Nam Tổ quốc, nỗi nhớ đất liền chưa bao giờ nguôi trong lòng cán bộ, chiến sĩ (CBCS) hải quân. Nhưng vượt lên chính mình, các anh luôn kiêu hãnh, yêu đời, cống hiến sức mình để bảo vệ biển đảo thiêng liêng.

Trên những nhà giàn vùng biển tiền tiêu nơi cực Nam Tổ quốc, nỗi nhớ đất liền chưa bao giờ nguôi trong lòng cán bộ, chiến sĩ (CBCS) hải quân. Nhưng vượt lên chính mình, các anh luôn kiêu hãnh, yêu đời, cống hiến sức mình để bảo vệ  biển đảo thiêng liêng.

Thả hoa tri ân, vật phẩm tế lễ xuống biển.

Hát mãi về anh

Sáng xuân đầy nắng, biển trong xanh, trời cao vời vợi, lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh tại thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc do Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân tổ chức diễn ra trang trọng trên boong tàu HQ 624, cạnh Nhà giàn DK 1/14, cách đất liền chừng 300 hải lý. Chiếc phao tròn đặt giữa bàn thờ được trang trí rất đẹp, bên trên bày những phẩm vật tế lễ giống ở đất liền khiến mọi người xúc động. 

Nhạc “Hồn tử sĩ” vang lên. Khói hương trầm phảng phất. Ai nấy thành kính, xúc động. Giọng trầm ấm của Đại tá Lê Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân, Trưởng đoàn công tác nghẹn lại: “Giờ này, có mặt tại vùng biển thềm lục địa phía Nam, chúng tôi bùi ngùi xúc động, tưởng nhớ đến các đồng chí đã anh dũng hy sinh vì sự bình yên, vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong thời khắc giữa sống và chết chỉ trong gang tấc, các anh đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Đảng, với đất nước, với nhân dân. Đồng đội ơi! Hãy để chúng tôi được thắp hương cảm phục, tự hào về các anh và hứa sẽ sống, làm nhiệm vụ tốt hơn”. Các thành viên trong đoàn làm lễ thả hoa cùng chiếc phao xuống biển thể hiện sự tri ân, niềm cảm phục sâu sắc những người con trung dũng, kiên cường của dân tộc đã hoá thân vào đại dương bao la.

Lịch sử hình thành các nhà giàn gần 30 năm qua đã chứng kiến bao tấm gương cán bộ, chiến sĩ (CBCS) hải quân dũng cảm, quên mình vì sự bình yên của Tổ quốc. Đất nước không quên tấm gương hy sinh của Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Phó Chỉ huy trưởng Chính trị Nhà giàn DK 1/3. Khi nhà giàn bị đổ, anh đã cùng đồng đội bơi nhiều ngày trên biển. Lúc sóng to gió lớn, thượng úy đã nhường chiếc phao cứu sinh cá nhân và miếng lương khô cuối cùng cho chiến sĩ yếu nhất, còn mình ra đi mãi mãi vào ngày 5-12-1990. 

Hay hành động cao đẹp của anh hùng liệt sĩ, Đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK 1/6 trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8 (năm 1998) vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội rời nhà giàn, xuống tàu về đất liền an toàn. Còn anh ở lại thu tài liệu, cuốn lá cờ Tổ quốc vào lòng, rời nhà giàn sau cùng. Ác thay, gió dập, sóng vùi đã cướp đi sinh mạng của người con kiên trung, người lãnh đạo tận tâm, hết lòng vì đồng đội. Ghi nhận thành tích đặc biệt đó, Đảng và Nhà nước phong tặng liệt sĩ Vũ Quang Chương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Còn rất nhiều người lính nhà giàn là những tấm gương sáng ngời như: Chuẩn úy Lê Đức Hồng, Thượng úy Phạm Tảo, Đại úy Nguyễn Văn Từ, Trung úy Lê Tiến Cường, Thượng úy Ngô Sĩ Nga… chấp hành nghiêm mệnh lệnh, trực chốt kiên cường và anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Những bông hoa của biển, những người con ưu tú của Tổ quốc đã trở thành biểu tượng cao đẹp, làm sáng ngời phẩm chất chiến sĩ hải quân Việt Nam anh hùng.

Bản lĩnh lính nhà giàn   

Noi gương những chiến sĩ đã quên mình giữ biển và với quyết tâm cùng đồng đội bám đảo, nhà giàn để tiếp nối truyền thống anh hùng đó, Đại tá Lê Đình Việt đã đọc bài thơ như lời tuyên thệ trước biển, trước anh linh các anh: “…Anh ơi sướng khổ đã từng/ Sóng to gió lớn ta cùng bên nhau/ Bây giờ cho tới mai sau/ Lời thề giữ biển một câu quân hành…”. 

Lễ tưởng niệm các liệt sĩ nhà giàn.

Ai từng một lần ra đảo, đến nhà giàn càng thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của CBCS hải quân nơi đầu sóng ngọn gió. Ở trên “chòi” giữa biển khơi mênh mông không những đối mặt với các thế lực ngoại xâm mà còn chống chọi với bão to, sóng dữ và bao khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Trước đây, CBCS ở nhà giàn phải chia nhau từng ca nước ngọt, tắm “theo kế hoạch” tuần 2 lần, mỗi lần 1 xô nước nhỏ. Nước vo gạo dùng rửa mặt. Nước rửa cá, rửa rau dồn lại tưới rau. Rau xanh rất hiếm, được trồng trong những thùng nhựa chứa đất từ đất liền mang ra chỉ đủ nấu canh loãng ngày 2 bữa cho “có chất xơ”. Bây giờ, nước ngọt được trữ nhiều hơn nhưng ngoài hải sản, rau xanh, thực phẩm tươi sống vẫn là đặc sản với nhà giàn. Mỗi khi biển động, nắng nóng, CBCS chẳng còn cách nào khác là tự xoay xở trong “chòi” vài chục mét vuông. Gian khổ với họ đã trở thành bình thường, song cũng có khó khăn không thể “đong đếm” được. Đó là nỗi nhớ đất liền, gia đình… luôn canh cánh.

Có nhiều câu chuyện đời thường của những người lính nhà giàn thật cảm động. Đó là Thượng úy Phạm Thành An có con gái đầu bị rò tủy bẩm sinh, mẹ bại liệt nằm một chỗ suốt 13 năm. Mỗi lần gọi điện về nghe con gái khóc, anh chỉ biết nén lòng hứa biển lặng sẽ về. 

Ngày cầm quyết định ra nhà giàn, cũng là ngày con trai Thiếu tá Nguyễn Văn Tiên lên bàn mổ tim. Thương con, lo cho gia đình nhưng anh vẫn nén lòng lên tàu làm nhiệm vụ, để rồi sau 1 năm chia xa, xen lẫn niềm vui đong đầy là những giọt nước mắt ngày gặp lại. Cơn bão ập đến lúc nửa đêm, sóng to gió lớn khiến Trung úy Nguyễn Việt Dũng không xuống được tàu để về đất liền làm đám cưới. Ở quê Thái Bình, hôn lễ vẫn diễn ra nhưng chỉ có cô dâu. Hơn một năm sau, hạnh phúc lứa đôi mới trọn vẹn. 

Chiến sĩ Lâm Tiến Thành (giữa) cùng đồng đội trên Nhà giàn DK 1/15.

Khó khăn, vất vả là vậy nhưng CBCS nhà giàn vẫn luôn lạc quan bởi được giác ngộ sâu sắc trách nhiệm lớn lao với Tổ quốc, với nhân dân. Họ luôn vượt khó vươn lên, huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc. 

Mới ra nhà giàn nhận nhiệm vụ được hơn 1 năm, chiến sĩ pháo thủ trẻ Lâm Tiến Thành, quê phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) tâm sự: “Ra đây sống và chiến đấu, được nghe kể về những gương đồng đội đã anh dũng hy sinh, em thấy vinh dự và càng thấm thía trách nhiệm bảo vệ biển đảo của tuổi trẻ, thêm chắc tay súng giữ vững chủ quyền đất nước. Hết nghĩa vụ, em sẽ ôn thi vào trường quân sự để trở thành quân nhân chuyên nghiệp, phục vụ lâu dài ở nhà giàn”. 

Sống, chiến đấu giữa đại dương bao la không chỉ là nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó, mà còn là niềm vinh dự và tự hào của CBCS hải quân. Trên những nhà giàn như “hoa thép” giữa khơi xa, bản lĩnh bộ đội Cụ Hồ luôn tỏa sáng như câu hát “tủ” mà bất kỳ người lính nhà giàn nào cũng thuộc lòng: “Sóng gió mặc sóng gió, lính nhà giàn bọn tôi ở đó. Chông chênh mặc chênh chông, lính nhà giàn chẳng sợ bão giông. Nắng gió mặc nắng gió, lính nhà giàn thề không ngại khó. Mưa giông mặc mưa giông, lính nhà giàn vẫn thắm hoa hồng...”.   

Theo Cao Minh Ngọc/Báo Bắc Giang

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 10,999
Tổng số trong ngày: 1,594
Tổng số trong tuần: 1,593
Tổng số trong tháng: 76,075
Tổng số trong năm: 312,816
Tổng số truy cập: 4,095,421