Mô phỏng tọa đàm “Cơ hội và thách thức của Việt Nam khi hình thành Cộng đồng ASEAN cuối năm 2015”

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng ngày 03/6/2015, tại Phòng Truyền thống, Học viện Ngoại giao đã diễn ra buổi mô phỏng Tọa đàm: “Cơ hội và thách thức của Việt Nam khi hình thành Cộng đồng ASEAN cuối năm 2015”.

Sáng ngày 03/6/2015, tại Phòng Truyền thống, Học viện Ngoại giao đã diễn ra buổi mô phỏng Tọa đàm: “Cơ hội và thách thức của Việt Nam khi hình thành Cộng đồng ASEAN cuối năm 2015”.

Tập thể sinh viên CT39 và LT03 chụp ảnh lưu niệm với các thầy cô

Mô phỏng tọa đàm cũng là hình thức thi cuối kỳ hàng năm của môn Nghiên cứu ASEAN thuộc chuyên sâu Khu vực học dành cho sinh viên Khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao.

Đặc biệt trong buổi họp mô phỏng lần này, Khoa cũng mời các chuyên gia về ASEAN, những người có kiến thức và kinh nghiệm thực tế tại Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao và đã công tác tại Ban Thư ký ASEAN tại Jakarta, Indonesia tới dự với vai trò cố vấn. Ban cố vấn gồm ThS. Nguyễn Phú Tân Hương, Phó Trưởng Khoa Chính trị Quốc tế & Ngoại giao, phụ trách bộ môn Nghiên cứu ASEAN; Thầy Nguyễn Sơn Ngọc, Cán bộ Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao.

Các vị khách mời: Cô Nguyễn Phú Tân Hương, Thầy Nguyễn Sơn Ngọc.

Với hơn 100 sinh viên, một nhóm sinh viên đại diện cho Ban Thư ký ASEAN, chủ trì buổi tọa đàm; các nhóm còn lại đóng vai trò các bộ ngành và các nhóm lợi ích tại Việt Nam đại diện cho 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN, bao gồm: Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao – đại diện cộng đồng Chính trị-An ninh; Bộ Công thương – đại diện Cộng đồng Kinh tế; Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch và Thông tin Truyền thông – đại diện Cộng đồng Văn hóa-Xã hội.

Ngoài ra còn có đại diện các nhóm lợi ích, bao gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhóm Công nhân – Nông dân, nhóm người nước ngoài ở Việt Nam và nhóm các học giả. Được biết, để chuẩn bị cho buổi mô phỏng này, các bạn sinh viên phải trang bị kiến thức rất vững về ASEAN và quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN cùng những nỗ lực đóng góp của Việt Nam trong ASEAN. Hơn thế nữa, sinh viên cũng cần có kỹ năng phản biện và tư duy nhanh nhẹn để trả lời các câu hỏi từ nhóm khác đưa ra.

Buổi tọa đàm chia làm 2 phiên. Tại phiên thứ nhất, sau khi Ban Thư ký ASEAN trình bày khái quát về quá trình hình thành và những thành tựu của Ban Thư ký trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, các đoàn đại biểu lần lượt trình bày quan điểm của mình về chủ đề: Cơ hội và thách thức của Việt Nam khi hình thành Cộng đồng ASEAN cuối năm 2015. Từng bộ ngành và nhóm lợi ích đã báo cáo lại những đóng góp của mình vào quá trình xây dựng Cộng đồng để đưa ra thách thức, cơ hội và đề xuất nhiều giải pháp tích cực từ góc nhìn của mình. Các phần chuẩn bị nhìn chung đều kỹ lưỡng, xác đáng, thể hiện đúng quan điểm của bộ, ban, ngành và các nhóm lợi ích liên quan.

Các đoàn đại biểu trình bày quan điểm dưới sự điều hành của Ban Thư ký ASEAN.

Phiên thứ hai là thời gian chất vấn, trao đổi và thảo luận. Không khí dần trở nên sôi nổi với phần phản biện và giải đáp thắc mắc của các đoàn đại biểu. Các đại biểu đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến việc triển khai thực hiện các kế hoạch đã đề xuất, vai trò của các bên liên quan trong việc phối hợp hoạt động… Tất cả những ý kiến, quan điểm đều được Ban Thư ký ASEAN ghi nhận và đưa vào biên bản tổng hợp. Cuối buổi họp mô phỏng, sinh viên còn được lắng nghe những nhận xét và chia sẻ của các khách mời, đồng thời là những giảng viên có kinh nghiệm và kiến thức sâu về ASEAN.

Những năm gần đây, hình thức mô phỏng, giả định đã không còn xa lạ với sinh viên Ngoại giao nói chung và sinh viên khoa Chính trị Quốc tế & Ngoại giao nói riêng. Thông qua đây, giảng viên cũng đánh giá năng lực, trình độ của các nhóm sinh viên để trao các giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích. Buổi mô phỏng không chỉ giúp sinh viên trau dồi thêm những kiến thức cơ bản về những nỗ lực và đóng góp của Việt Nam trong khu vực ASEAN mà còn hiểu biết và đánh giá cao những lợi ích của hội nhập khu vực ASEAN trong tiến trình trở thành Cộng đồng ASEAN 2015. Sau cuộc họp mô phỏng này, sinh viên có thể nắm rõ những thành quả của việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, hiểu được cơ chế kết hợp giữa các Bộ ban ngành trong nước cũng như các Bộ ban ngành đồng cấp nước ngoài trong việc triển khai một vấn đề mang tầm khu vực. Từ đó, sinh viên cũng hiểu được những cơ hội cho thị trường Việt Nam và giải quyết những thách thức lớn sau khi thành lập cộng đồng ASEAN năm 2015.

Trong thời gian tới, hy vọng rằng những hình thức họp mô phỏng còn được áp dụng nhiều hơn nữa ở các trường đào tạo chuyên ngành Chính trị Quốc tế để tạo cơ hội cho sinh viên trang bị nền tảng chính trị vững vàng và các kỹ năng mềm linh hoạt. Đó là những hành trang cho sinh viên mà quá trình học lý thuyết trên lớp không phải lúc nào cũng có thể đem lại được.

Theo: Thế giới & Việt Nam

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 10,751
Tổng số trong ngày: 1,542
Tổng số trong tuần: 36,671
Tổng số trong tháng: 21,738
Tổng số trong năm: 347,894
Tổng số truy cập: 4,130,499