Mở rộng cánh cửa xuất khẩu vải thiều Bắc Giang

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Vụ vải năm nay, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã đồng ý nhập khẩu vải thiều tươi của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản.

Vải thiều là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang (Ảnh: Báo Bắc Giang)

Việc quả vải tươi Việt Nam thâm nhập thành công vào thị trường Nhật Bản sẽ giúp mở thêm những cánh cửa xuất khẩu mới sang các nước phát triển khác.

Vải thiều là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang. Hằng năm, giá trị sản xuất vải thiều ước đạt khoảng 4- 4,5 nghìn tỷ đồng (năm 2019, tổng giá trị thu được ước đạt 4,675 nghìn tỷ đồng), chiếm 25-28% giá trị ngành trồng trọt. Tuy tình hình thời tiết không thuận lợi nhưng vụ vải thiều năm 2020 vẫn đạt sản lượng khoảng 160 nghìn tấn, cao hơn 10 nghìn tấn so với năm trước.

Sau 5 năm đàm phán, vào cuối năm 2019, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã đồng ý nhập khẩu vải thiều tươi của Việt Nam vào thị trường nước này, bắt đầu từ vụ vải 2020.

Ngay sau khi nhận được thông tin này, từ cuối tháng 12/2019, tỉnh Bắc Giang đã tích cực chuẩn bị vùng nguyên liệu cho việc sản xuất quả vải xuất khẩu.

Theo đó, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) chọn và đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận 19 mã số vùng trồng với diện tích 103 ha ở huyện Yên Thế và Lục Ngạn. .

Vào vụ vải 2020, việc xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản bất ngờ bị dịch COVID-19 gây khó khăn, do phía Nhật có yêu cầu trực tiếp cử chuyên gia sang Việt Nam để kiểm tra, giám sát khâu kiểm dịch. Chỉ những lô vải được chuyên gia kết luận đã xử lý thành công mới được đưa đi xuất khẩu.

Hiện, chuyên gia Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam trực tiếp kiểm tra, giám sát kiểm dịch các lô vải xuất khẩu sang Nhật Bản.

Để bảo đảm quy định phòng chống dịch COVID-19, trong đó có quy định cách ly 14 ngày với người đến từ vùng dịch, ngày 28/5, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc xem xét và cho phép chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản được áp dụng cơ chế đặc biệt (không phải áp dụng thời gian cách ly bắt buộc 14 ngày tại khách sạn). Đề nghị này xuất phát từ tính thời vụ của quả vải do thời gian thu hoạch chỉ kéo dài tối đa 1 tháng (tháng 6).

Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang và UBND tỉnh Hải Dương, Sở Y tế và Sở NN&PTNT của hai tỉnh để thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo trong thời gian chuyên gia Nhật làm việc tại hai tỉnh này.

Về thị trường xuất khẩu, thực hiện chủ trương đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nông sản trong đó có vải thiều, những năm qua, tỉnh đã thường xuyên đẩy mạnh và đổi mới công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều cả ở trong nước và nước ngoài, tiếp tục duy trì xuất khẩu quả vải tươi và vải thiều chế biến. Đến nay, vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu, tiêu thụ tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống và có quan hệ hợp tác nhiều năm qua. Bắc Giang đã đăng ký mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói và tem truy xuất nguồn gốc... để xuất khẩu sang Trung Quốc theo chương trình hợp tác chính ngạch.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục chiến lược xuất khẩu vào các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Thái Lan, Singapore... Riêng đối với thị trường Nhật Bản, phía bạn đã chấp nhận 19 mã số vùng trồng, với diện tích 103 ha; mở rộng thị trường xuất khẩu khó tính khác như: Trung Đông, EU, Mỹ, Canada... 

Hiện, hơn 300 thương nhân Trung Quốc được Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cấp visa nhập cảnh vào địa bàn để thu mua vải thiều Bắc Giang.

Trước đó, nhằm giải quyết những khó khăn của việc tiêu thụ vải thiều trong điều kiện vẫn phải đáp ứng yêu cầu phòng dịch COVID-19, UBND tỉnh Bắc Giang đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho phép thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào địa bàn thu mua vải thiều.

Các thương nhân Trung Quốc sẽ phải tuân thủ công tác phòng chống dịch theo đúng quy định.

Đặc biệt, để xúc tiến tiêu thụ trái vải, Bộ Công Thương và tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều năm 2020, dự kiến vào ngày 6/6 tới đây. Hội nghị sẽ được tổ chức trực tuyến, đầu cầu tại Bắc Giang, kết nối 62 tỉnh thành và với 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) - là hai tỉnh tiêu thụ chính trái vải Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.

Đăng Lâm

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 8,971
Tổng số trong ngày: 86
Tổng số trong tuần: 85
Tổng số trong tháng: 25,448
Tổng số trong năm: 351,604
Tổng số truy cập: 4,134,209