Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố Chương trình khẩn cấp trị giá 750 tỷ euro

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Hội đồng thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa đưa ra quyết định sẽ huy động 750 tỷ euro cho Chương trình mua tài sản tài chính khẩn cấp trước đại dịch (PEPP) để hỗ trợ khu vực đồng euro trước các hệ quả tiêu cực của dịch Covid-19.

PEPP sẽ cho phép ECB mua lại các trái phiếu chính phủ, giấy tờ thương mại (commercial papers), chứng khoán nợ (debt securities) ngắn hạn (dưới 6 tháng) do doanh nghiệp phát hành. ECB cũng sẽ nới lỏng các quy định về bảo lãnh các khoản vay. Sau cuộc họp, Chủ tịch ECB Christine Lagarde khẳng định rằng các tình huống bất thường đòi hỏi có các hành động đặc biệt. Các cam kết của ECB để hỗ trợ đồng euro là không có giới hạn. Ngân hàng Trung ương châu Âu sẵn sàng sử dụng tất cả các công cụ trong khuôn khổ cho phép. ECB không loại trừ khả năng sẽ tăng thêm quy mô và nới lỏng các hạn chế của chương trình mua lại tài sản, bao gồm khả năng mua lại lên tới 33% nợ của một quốc gia thành viên.

Trước đó,  Bộ trưởng Kinh tế – Tài chính Pháp đã kêu gọi ECB sử dụng tất cả các công cụ hiện có để can thiệp một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Thâm hụt ngân sách của Pháp được dự báo sẽ ở mức 3,9% GDP trong năm 2020. Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của cú sốc kinh tế do coronavirus gây ra. Chính phủ Pháp từng chỉ dự báo thâm hụt ở mức 2,2% và mức dự báo mới cũng cao hơn rất nhiều so với thâm hụt trong năm đầu cuộc khủng hoảng năm 2009 (đạt 3,2% so với dự báo 2,3%). Sự gia tăng của thâm hụt ngân sách được lý giải bởi tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế (Chính phủ giảm dự báo tăng trưởng từ 1,3% xuống -1%) kéo theo tác động đến thu ngân sách, đồng thời tính đến các chi phí triển khai các biện pháp hỗ trợ kinh tế như chương trình khẩn cấp 45 tỷ euro (hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, thất nghiệp một phần, gia hạn nợ, thuế…), gói bảo lãnh vay trị giá 300 tỷ euro. Theo ước tính, khủng hoảng sẽ khiến Pháp phải vay thêm khoảng 22,5 tỷ euro từ thị trường, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn (17,5 tỷ euro). Với mức thâm hụt này, nợ công của Pháp chắc chắn sẽ tăng trở lại và vượt ngưỡng 100% GDP, con số chính xác sẽ chỉ có thể được xác định trong vài tháng tới tùy thuộc vào diễn biến của dịch.

Khoảng cách lãi suất giữa các nền kinh tế châu Âu cũng đang tăng mạnh, đặc biệt giữa Đức, được cho là nền kinh tế an toàn nhất, và Ý. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự tan rã của khu vực đồng euro giống như những gì đã xảy ra trong giai đoạn khủng hoảng nợ châu Âu 2010 – 2012, được thể hiện rõ tại Pháp khi nước này vừa công bố tăng thêm 17,5 tỷ euro nợ ngắn hạn trong năm nay, trong bối cảnh nợ trung và dài hạn đã được dự báo sẽ ở mức kỷ lục 205 tỷ euro. Việc lãi suất trái phiếu 10 năm của Pháp tăng lên mức dương và vượt mức 0,3% trong ngày 18/03/2020 sẽ là hồi chuông cảnh báo và thậm chí còn có thể trở nên tồi tệ hơn khi Mỹ cũng đang vay nhiều hơn từ thị trường để chi trả cho các nỗ lực chống lại dịch bệnh.

 

Quang Lâm, tổng hợp (Theo ngkt.mofa.gov.vn)

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 12,701
Tổng số trong ngày: 861
Tổng số trong tuần: 35,990
Tổng số trong tháng: 21,057
Tổng số trong năm: 347,213
Tổng số truy cập: 4,129,818