Ngày xuân lên non nghe câu dân ca

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Khi những hạt mưa xuân lất phất bay, cũng là lúc người dân tộc Tày, Nùng, Hoa, Sán Dìu, Sán Chí, Cao Lan ở các huyện vùng cao: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động... lại náo nức cùng tiếng kèn, sáo, tiếng nhị réo rắt bổng trầm hòa vào giai điệu những bài dân ca. Ở đó, những nông dân không chỉ biết sớm hôm với ruộng đồng mà còn rất say mê nghệ thuật.

Khi những hạt mưa xuân lất phất bay, cũng là lúc người dân tộc Tày, Nùng, Hoa, Sán Dìu, Sán Chí, Cao Lan ở các huyện vùng cao: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động... lại náo nức cùng tiếng kèn, sáo, tiếng nhị réo rắt bổng trầm hòa vào giai điệu những bài dân ca. Ở đó, những nông dân không chỉ biết sớm hôm với ruộng đồng mà còn rất say mê nghệ thuật.

Đến Kiên Lao, Kiên Thành (Lục Ngạn) những ngày xuân, từ xa đã nghe văng vẳng câu hát của nam thanh, nữ tú người Sán Chí với làn điệu dân ca Schắng côộ. Ngày đầu năm mới, người Sán Chí mặc trên mình những trang phục đẹp nhất đi hội. Phụ nữ mặc áo tứ thân, đóng cúc ở bên sườn, đầu đội khăn vuông; đàn ông mặc áo hai thân, vạt trước có túi để sổ bài hát; quấn là tọa cạp trắng rộng. Họ sẵn sàng đi bộ, vượt đèo, băng suối đến với nhau và say sưa hát. Nam nữ thanh niên hát theo lối “Chục cộộ” bên đường, bên suối, bên nương lời hát giao duyên trong trẻo. Đồng bào còn hát “Schắng côộ” theo lối theo lối hát ru, giọng êm, trầm vào ban đêm. Vào các đêm hát, người Sán Chí thường hát từ 7 - 8 giờ tối cho đến sáng. Cuộc hát có khi kéo dài đến 5-7 đêm với hơn hàng trăm bài mà người hát vẫn lưu luyến chưa muốn chia tay.

Buổi tập hát của Câu lạc bộ hát dân ca ở Lục Ngạn (Ảnh: Việt Hưng, Báo Bắc Giang)

Về Đèo Gia (Lục Ngạn) hay Lục Sơn (Lục Nam), chúng ta sẽ được nghe điệu “Sịnh ca” nồng nàn đằm thắm của người Cao Lan. Người Cao Lan coi Sịnh ca là tuổi thanh niên của người già, là sự hướng tới của nam thanh nữ tú, là sự truyền dạy đạo lý nghĩa tình; là cuộc sống núi rừng nơi thôn bản. Xuân đến, người Cao Lan nô nức diện quần áo mới đi hội. Trang phục của người con gái Cao Lan được tự tay họ dệt, thêu. Áo uyên ương được trang trí rất đẹp mặc cùng váy, yếm, thắt lưng xanh đỏ. Trang phục nam giới đơn giản hơn, là áo năm thân đau đầu cài khuy bên cạnh, quần chân què, cả bộ đều nhuộm chàm. Họ gặp nhau và say sưa hát. Người nam mở lời rằng: “Đợi anh với/Đợi anh cùng đi có bạn/Đi cho có bè có bạn/Nay mai nên duyên đâu có làm sao”, người nữ sẽ đối lại rằng:“Đi nhanh nhanh/Đường thênh thang/Ba bốn con đường/Nếu sai một đường/Chẳng tìm thấy nhau”. Câu hát trong hội đêm trăng vang trong núi rừng, vọng lại bên suối, nhộn vui bản làng, duyên dáng bên nương, ấm mái nhà sàn, trẻ vui lớn lên, già vui trẻ lại. Hát Sịnh ca là sinh hoạt văn hóa không thể thiếu được với đồng bào Cao Lan, vì thế họ học hát ngay từ nhỏ, hát mỗi khi gặp nhau thay cho lời chào, trai gái tìm hiểu nhau mà nên duyên cũng từ những câu hát này.

Hát đối đáp dân ca Cao Lan tại Đèo Gia ( Lục Ngạn), (Ảnh: Báo Bắc Giang)

Tham gia một chợ phiên ngày xuân của người Tày, người Nùng, tôi bị cuốn hút bởi giai điệu của bài hát shi, hát lượn, hát soong hao. Hát shi là lối hát giao duyên nam nữ của người Tày, người hát phải có giọng vang, trong và có tài ứng khẩu. Những làn điệu shi say sưa, nồng thắm, ca ngợi cảnh đẹp, nói lên nỗi mong mỏi được gặp nhau và trao cho nhau những tình cảm đẹp nhất của lòng mình. Tiếng soong hao gắn liền với cuộc sống của mỗi con người, mỗi cộng đồng làng bản từ khi còn nhỏ tuổi cho đến lúc về già. Tiếng soong hao đã làm cho bao lứa đôi hạnh phúc, nói lên khát vọng của người dân trong hoạt động sản xuất mùa màng. Người Nùng hát soong hao quanh năm, nhưng phổ biến nhất vẫn là vào mùa xuân.

Giống với shi, hát lượn là lối hát đối đáp của người Tày, có giai điệu uyển chuyển, nội dung phong phú theo tích truyện dân gian.  Các điệu lượn của người Tày có tính chất âm nhạc nhẹ nhàng, thanh thoát như sinh hoạt và phong cách kín đáo của đồng bào Tày. Giai điệu của hát lượn đột ngột lên cao rồi từ từ hạ xuống với âm thanh chắc khỏe, độc đáo, mang đậm phong cách trữ tình, ấm cúng, dễ đi vào lòng người.

Từ bao đời nay, những bài dân ca đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc. Với bản chất cần cù và thuần hậu, mỗi cộng đồng dân tộc sinh sống trên mảnh đất Bắc Giang lại có những làn điệu dân ca mang bản sắc riêng. Mỗi độ xuân về, già trẻ, trai gái lại say sưa cất giọng ca vang khắp “lưng chừng núi, lưng chừng đồi”. Một mùa xuân nữa lại tới, khắp nơi cây cối đâm trồi nảy lộc, đào, mai khoe sắc thắm, người người nô nức đi trảy hội xuân, đâu đó lại vang vọng lời ca, tiếng hát “Nghe tiếng xôn xao ngoài cửa ngõ/Nghe nói có người từ xa tới/Xin chào người bạn mới đến/Chào bạn đã đến bản chúng tôi”

                                                                                                                           Hồng Nhung



 

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 12,953
Tổng số trong ngày: 2,001
Tổng số trong tuần: 11,897
Tổng số trong tháng: 37,260
Tổng số trong năm: 363,416
Tổng số truy cập: 4,146,021