Nhà yêu nước Kỳ Đồng trên quê hương Đề Thám

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Kỳ Đồng tên thật là Nguyễn Văn Cẩm, sinh năm 1875 tại làng Ngọc Đình (Duyên Hà) nay là xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Từ nhỏ, Nguyễn Văn Cẩm đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, có trí nhớ hơn người, được vua Tự Đức phong cho danh hiệu Kỳ Đồng (nghĩa là cậu bé kì lạ, cậu bé thần đồng).

Kỳ Đồng tên thật là Nguyễn Văn Cẩm, sinh năm 1875 tại làng Ngọc Đình (Duyên Hà) nay là xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Từ nhỏ, Nguyễn Văn Cẩm đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, có trí nhớ hơn người, được vua Tự Đức phong cho danh hiệu Kỳ Đồng (nghĩa là cậu bé kì lạ, cậu bé thần đồng).

Năm lên 7 tuổi, Kỳ Đồng đã biết làm thơ, đặt câu đối đáp khẩu. 9 tuổi, Kỳ Đồng tự soạn kịch kêu gọi nhân dân đứng lên chống Pháp. Năm 11 tuổi, Kỳ Đồng sáng tác thơ Dòng Xích Bích phân tích thế mạnh của dân tộc Việt Nam cả về ba mặt thiên thời, địa lợi, nhân hòa trong cuộc chiến chống quân xâm lược. Danh tiếng của Kỳ Đồng vì thế lan truyền sang các tỉnh lân cận. Năm 13 tuổi, Kỳ Đồng được nhân dân Thái Bình rước kiệu như rước thần. Nhằm tập hợp lực lượng, gây dựng phong trào chống Pháp, nhiều nhà yêu nước khi đó đã suy tôn Kỳ Đồng thành vua, trở thành biểu tượng của phong trào chống Pháp. Năm 1887, Kỳ Đồng chiêu mộ thiếu niên dựng cờ Thiên binh thần tướng đánh chiếm tỉnh thành Nam Định nhưng không thành công.

Nhằm đề phòng những “hậu quả” có thể xảy ra từ hiện tượng Kỳ Đồng, thực dân Pháp quyết định đưa Kỳ Đồng sang An - Giê - Ri danh nghĩa du học nhưng thực chất là nhằm quản thúc, tách ông khỏi phong trào yêu nước. Tháng 10 năm 1887, Kỳ Đồng sang An – Giê - Ri. Trong thời gian ở đây, Kỳ Đồng đã học thành thạo tiếng Pháp, tốt nghiệp tú tài văn học và khoa học.

Về nước năm 1896, Kỳ Đồng từ chối làm công chức cho Pháp mà lên lập đồn điền khai hoang ở Yên Thế (Bắc Giang). Ông bắt đầu nhen nhóm lực lượng chống Pháp ngay trong hàng ngũ phu đồn điền, rồi liên hệ với phong trào Đề Thám. Khi phong trào chống Pháp của Mạc Đĩnh Phúc lan rộng khắp vùng duyên hải, ông đã chủ động bắt liên lạc và được tôn làm “quốc sư” của nghĩa quân.

Trên chuyến tàu trở về Việt Nam, Kỳ Đồng gặp bác sĩ Gillard và bàn kế hoạch cộng tác mở đồn điền. Địa điểm chọn lập đồn điền là Chợ Kỳ (tổng Hương Vĩ, Yên Thế), ngay trên địa bàn hoạt động của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Trên thực tế, Kỳ Đồng trông nom, đôn đốc việc khai khẩn; còn Gillard lo thủ tục, giấy tờ. Trong một thời gian ngắn, Kỳ Đồng bề ngoài tổ chức Chợ Kỳ thành một đồn điền nhưng thực sự, nó được xây dựng như một căn cứ, làm nơi tích trữ lương thực, liên lạc với các địa phương, chỉ đạo phong trào ở đồng bằng, đồng thời bí mật liên kết với lực lượng của Hoàng Hoa Thám đang hoạt động trên địa bàn; giúp Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế về người, tiền của và cả tinh thần.

Về phía Hoàng Hoa Thám, việc Kỳ Đồng lên Chợ Kỳ mở đồn điền đã hỗ trợ rất nhiều cho cuộc khởi nghĩa của ông. Kỳ Đồng đã ba lần giúp đỡ lương thực và tiền bạc cho Hoàng Hoa Thám. Trong phong trào di tân lên Yên Thế khoảng những năm 1897 bên cạnh hàng nghìn người đến Chợ Kỳ với Kỳ Đồng lại có không ít người đến với Hoàng Hoa Thám. Họ đồng nhất hai thủ lĩnh làm một và theo họ Chợ Kỳ hay Phồn Xương (bản doanh của Hoàng Hoa Thám) cũng đều là căn cứ chống Pháp. Bản thân Hoàng Hoa Thám cũng có những lần trực tiếp lên Chợ Kỳ bàn kế hoạch, hội kiến với Kỳ Đồng. Hoàng Hoa Thám cũng thường cho quân xâm nhập rải rác vào các chòm xóm dân cư trong đồn điền để dễ bề tin tức, kết nối phong trào giữa hai căn cứ chống Pháp. Như vậy sự góp mặt của Kỳ Đồng ở Yên Thế đã góp phần mở rộng, quy tụ lực lượng, đoàn kết, động viên ý chí chống Pháp của nhân dân, gây dựng phong trào.

Ngay khi Kỳ Đồng về nước, thực dân Pháp đã cho quân theo dõi mọi hoạt động của Kỳ Đồng và chờ đợi thời cơ để vây bắt ông, làm giảm sức mạnh của phong trào yêu nước. Đến ngày 21/9/1897, mật thám phát hiện thấy người của Kỳ Đồng đang khẩn trương dỡ những kiện hàng dài bó chiếu nhưng vẫn để lộ ra những nòng súng xếp chéo. Ngay sau đó, chúng quyết định bắt thủ lĩnh Kỳ Đồng. Đến đầu năm 1898, ông bị đày ra quần đảo Polynesie (thuộc địa của Pháp) và ngày 17/7/1929, ông qua đời khi tròn 54 tuổi (1875 - 1929).

Ghi nhận công lao to lớn của Kỳ Đồng - Nguyễn Văn Cẩm, nhân dân huyện Yên Thế đã lập đền thờ. Năm 2012, đền thờ ông (tức động Thiên Thai) ở thôn Trại Nhất, xã Hồng Kỳ (Yên Thế) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là một trong 23 điểm di tích thuộc hệ thống Di tích lịch sử “Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế”. Hằng năm, tại đây vào ngày 24 tháng 2 (âm lịch), nhân dân xã Hồng Kỳ tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến công lao của Kỳ Đồng - Nguyễn Văn Cẩm. 

 Hiện nay, gia đình  nhà nước yêu nước Kỳ Đồng - Nguyễn Văn Cẩm bày tỏ nguyện vọng muốn đưa hài cốt ông về nước theo tâm nguyện trước khi mất. Với những đóng góp, công lao to lớn của ông đối với quê hương, đất nước và phong trào khởi nghĩa Yên Thế, nhân dân huyện Yên Thế cùng nguyện vọng của gia đình Kỳ Đồng mong muốn đưa hài cốt của ông về địa phương, nơi ông đã từng khai hoang lập đồn điền là phù hợp, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam trao tặng ảnh nhân vật lịch sử Kỳ Đồng - Nguyễn Văn Cẩm cho đại diện lãnh đạo huyện Yên Thế, Bắc Giang.

 Ngày 14/6/2018, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam - Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang, huyện Yên Thế về việc hỗ trợ đưa hài cốt nhà yêu nước Kỳ Đồng - Nguyễn Văn Cẩm về nước. Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là nhân vật lịch sử có nhiều đóng góp trong phong trào yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc. Do đó, đề nghị tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ xây dựng phương án chuẩn bị đón hài cốt của nhà yêu nước về địa phương. Ngày 14/8/2018 Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Ngoại giao báo cáo Ban Bí thư xin chủ trương về việc tiếp nhận hài cốt cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm về nước an táng tại Động Thiên Thai (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang).

                                       Trung tâm Thông tin và dịch vụ đối ngoại

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 8,834
Tổng số trong ngày: 395
Tổng số trong tuần: 394
Tổng số trong tháng: 25,757
Tổng số trong năm: 351,913
Tổng số truy cập: 4,134,518