|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Nhật Bản là một đảo quốc ở Đông Bắc Á. Các đảo Nhật Bản là một phần của dải núi ngầm trải dài từ Đông Nam Á tới Alaska. Nhật Bản có bờ biển dài 37.000 km, có đá lớn và nhiều vịnh nhỏ nhưng rất tốt và đẹp. Đồi núi chiếm 73% diện tích tự nhiên cả nước, trong đó không ít núi là núi lửa.

 

NHẬT BẢN

I. Khái quát chung:

- Tên nước: Nhật Bản (Japan).

- Thủ đô: Tô-ki-ô (Tokyo).

- Vị trí địa lý: Nhật Bản là một đảo quốc ở Đông Bắc Á. Các đảo Nhật Bản là một phần của dải núi ngầm trải dài từ Đông Nam Á tới Alaska. Nhật Bản có bờ biển dài 37.000 km, có đá lớn và nhiều vịnh nhỏ nhưng rất tốt và đẹp. Đồi núi chiếm 73% diện tích tự nhiên cả nước, trong đó không ít núi là núi lửa.

- Diện tích: 237,954 km2.

- Dân số: 127,3 triệu  (01/4/2010).

- Ngày Quốc khánh: 23/12.

- Thể chế chính trị:

 Theo Hiến pháp năm 1947, Nhật Bản theo thể chế quân chủ lập hiến kiểu Anh, trong đó:

  • Nhà Vua là nguyên thủ tượng trưng về mặt đối ngoại.
  • Nhà nước được tổ chức theo chế độ tam quyền phân lập.

 Chính phủ hiện nay là chính phủ liên hiệp giữa Đảng Dân chủ (DPJ) và Tân đảng quốc dân (PNP).

 Kinh tế:

- Là quốc gia nghèo tài nguyên, dân số đông, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong chiến tranh.

- Nhờ có các chính sách phù hợp, kinh tế Nhật Bản đã nhanh chóng phục hồi (1945-1954), phát triển cao độ (1955-1973). Từ năm 1974 đến nay, tốc độ phát triển kinh tế chậm lại, sau sự sụp đổ của nền kinh tế bong bóng đầu những năm 90, kinh tế Nhật lại rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á cuối những năm 90 và cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ toàn cầu hiện nay (2008-2009).

- Theo Văn phòng Nội các Nhật bản thông báo kinh tế Nhật Bản năm 2011 suy giảm 0,5% do thảm họa động đất, sóng thần và rò rỉ hạt nhân, năm 2012 tăng trưởng 1,4%;  ngày 10/3/2014 theo số liệu từ Văn phòng Nội các, sau khi trừ yếu tố biến động giá, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quí 4-2013 của Nhật Bản tăng 0,2% so với quí trước đó, cả năm 2013 tăng trưởng 1,5%.

- Tuy nhiên, nợ công chồng chất vẫn là một vấn đề đáng lo ngại đối với đất nước mặt trời mọc. Tỷ lệ nợ công/GDP của Nhật năm 2013 ước tính ở mức 244%. Hiện Nhật Bản đang theo đuổi chính sách chấn hưng kinh tế mang tên Abenomics do Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng nhằm chấm dứt thời kỳ đình trệ đã kéo dài hàng thập kỷ. (Theo MoneyCNN)

II. Quan hệ Việt Nam-Nhật:

1. Về chính trị :    

- Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao: 21/9/1973.

- Năm 2002, Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí xây dựng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản theo phương châm “đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”. Trong chuyến thăm Việt Nam 7/2004 của Ngoại trưởng Nhật Bản, hai bên đã ký Tuyên bố chung “Vươn tới tầm cao mới của quan hệ đối tác bền vững”. Tháng 10/2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Nhật Bản mở ra một giai đoạn mới “Hướng tới đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á”. Tiếp đó, trong chuyến thăm Nhật Bản cấp nhà nước 11/2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Yasuo Fukuda ký Tuyên bố chung  “Làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam và Nhật Bản” và “Chương trình hợp tác hướng tới quan hệ đối tác chiến lược”. Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản 4/2009, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Aso Taro nhất trí ra "Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á". Tháng 12/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Nhật Bản đúng dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản. Đặc biệt,  trong chuyến thăm cấp nhà nước từ ngày 16-19/03/2014,  Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Shin dô A bê đã có cuộc hội đàm cấp cao và ký kết “Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”, tuyên bố khẳng định nâng tầm quan hệ giữa hai quốc gia trên nhiều lĩnh vực.

- Hai bên đã trao đổi Tuỳ viên quân sự, mở Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka (3/1997) và Fukuoka (tháng 4/2009). Tháng 5/2007, hai bên thành lập Ủy ban Hợp tác Việt-Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch, đến nay đã họp 3 phiên ( 5/2007 và 1/2010  tại Tokyo; 7/2008 tại Hà Nội).

- Nhật Bản ủng hộ đường lối đổi mới, mở cửa của Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào khu vực và thế giới (APEC, WTO, ASEM, ARF, vận động OEDC giúp Việt Nam về kỹ thuật...); Hai bên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế quan trọng, trong đó có Liên Hợp Quốc (LHQ).

2. Quan hệ kinh tế: Nhật Bản là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

- Mậu dịch: Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ 1999. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là thuỷ sản, dệt may, dầu thô, cáp điện, than đá, đồ gỗ… Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; vải các loại; linh kiện ôtô; nguyên liệu dệt, da…

- Về thương mại: Năm 2008, kim ngạch thương mại hai nước đạt 16,78 tỷ USD (vượt mục tiêu đạt 15 tỷ vào năm 2010 nêu trong Tuyên bố chung Việt-Nhật (10/2006); năm 2009 giảm xuống mức 13,76 tỷ USD do chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Năm 2010 đạt 16,8 tỷ USD. Đến năm 2011, mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng thương mại hàng hoá song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản vẫn tăng với tốc độ 26,5% và đạt 21,2 tỷ USD. Năm 2012 đạt 24,7 . Trong 11 tháng tính từ đầu năm 2013  đạt 22,94 tỷ USD (Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam).

- Về Đầu tư trực tiếp FDI Nhật Bản vào Việt Nam:  Đến cuối năm 2013, Nhật Bản tiếp tục là quốc gia dẫn đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam. Tính lũy kế đến hết tháng 11/2013, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 2.103 dự án FDI, với tổng vốn  đăng ký đạt 34,526 tỷ USD, chiếm 15,6% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. (Nguồn:  dangcongsan.vn )

- Viện trợ phát triển chính thức ODA: Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản đã cam kết khoảng 16 tỷ USD ODA cho Việt Nam, trong đó tài khóa 2009 (khoản vay Yên) đạt 145,613 tỷ Yên cao nhất từ trước đến nay, tỷ lệ giải ngân : 13,8%. Ngày 5/3/2014, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Hiroshi Fukada đã ký Công hàm trao đổi việc cung cấp cho Việt Nam khoản ODA vốn vay tài khoá 2013, trị giá 25 tỷ yên. Theo Sách Trắng ODA 2013 của Nhật Bản, Việt Nam là nước nhận viện trợ phát triển (ODA) lớn nhất với 1,64 tỷ USD. ( Nguồn:chinhphu.vn )

- Hai nước đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJEPA) ngày 25/12/2008, có hiệu lực từ ngày 1/10/2009. Cùng với Hiệp định đối tác toàn diện Nhật-ASEAN (AJCEP), VJEPA  tạo khuôn khổ pháp lýc thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

- Hai bên lập Diễn đàn trao đổi thông tin về quy chế kinh tế thị trường tại Việt Nam, đã họp lần đầu tiên nhân cuộc họp Uỷ ban Hợp tác Việt-Nhật lần thứ 3 tại Tokyo (1/2010).

3. Về hợp tác lao động:

Nhật Bản là một thị trường tiềm năng cho lao động Việt Nam. Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cử khoảng 31.000 tu nghiệp  sinh sang Nhật Bản. Năm 2004, Việt Nam đã lập Văn phòng quản lý lao động tại Tokyo. Tuy nhiên mấy năm gần đây nổi lên vấn đề lao động Việt Nam bỏ trốn tại Nhật (tỷ lệ bỏ trốn năm 2002 là 24,7%, cao nhất trong các nước cử lao động sang Nhật) gây khó khăn cho việc hợp tác lao động.

4. Về văn hoá - giáo dục:

- Về văn hoá thông tin: Nhật Bản có nhiều dự án giúp Việt Nam nghiên cứu bảo tồn, tôn tạo các ngôi nhà ở dân gian truyền thống tiêu biểu ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam. Hai bên đã lập Ủy ban chuyên gia Việt-Nhật về bảo tồn Hoàng thành Thăng Long và họp phiên đầu tiên (3/2007). Hai bên cũng đã cử nhiều đoàn sang thăm, làm việc, biểu diễn nghệ thuật, tham dự triển lãm, liên hoan phim, tổ chức Lễ hội tại mỗi nước. Nhật Bản đã thành lập Trung tâm giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (3/2008).

- Về giáo dục đào tạo:

+ Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức: hợp tác giữa hai Chính phủ, giữa các trường học, giữa các tổ chức, giữa các cá nhân. Những năm gần đây, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục và đào tạo của Việt Nam. Trong chuyến thăm Nhật Bản của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân (3/2008), hai bên đã ký Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản giúp Việt Nam đào tạo 1000 tiến sỹ cho Việt Nam đến năm 2020 và tiếp tục tăng học bổng cho Việt Nam trong 3 năm tới.

+ Việt Nam cũng đã mời nhiều giáo sư, chuyên gia Nhật Bản sang giảng dạy, tiếp nhận các học giả Nhật Bản sang tìm hiểu về văn hoá, lịch sử Việt Nam. Với sự trợ giúp của chính phủ Nhật Bản, Việt Nam đang thí điểm dạy tiếng Nhật tại một số trường phổ thông cơ sở tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Huế và Đà Nẵng. Nhật Bản đang triển khai kế hoạch mời 2.000 thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản trong 5 năm, theo nhiều chương trình trong đó bao gồm cả chương trình dành cho học sinh cấp 2 và cấp 3.

+ Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 3/2014, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, Hakubun Shimomura đã ký kết Chương trình hợp tác chiến lược về giáo dục và đào tạo giữa hai nước, nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới với nhiều cam kết quan trọng.

QUAN HỆ GIỮA TỈNH BẮC GIANG VÀ NHẬT BẢN

Các doanh nghiệp FDI Nhật Bản đầu tư tại Bắc Giang đứng thứ tư về số dự án và đứng thứ hai về vốn đăng ký. 19 doanh nghiệp Nhật Bản với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 230 triệu USD, trong đó 11 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, sử dụng 7.246 lao động với mức thu nhập bình quân gần 3,5 triệu đồng/người/tháng, đóng góp tích cực cho phát triển KT-XH của tỉnh.  ( Nguồn: bacgiang.gov.vn)

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ thực hiện 19 dự án và tiểu dự án do JBIC và JICA tài trợ với tổng giá trị cam kết (bao gồm cả vốn vay và viện trợ không hoàn lại) đạt trên 70 triệu USD thông qua tổ chức JICA, JBIC thuộc nhiều lĩnh vực như: hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, thủy lợi và nước sạch vệ sinh môi trường đang phát huy hiệu quả tích cực.

Về hợp tác đào tạo và lao động: Bắc Giang có 54 cán bộ và công chức được tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn tại Nhật Bản; Chương trình đổi mới phương pháp dạy học cho giáo viên các trường THCS của JICA dành cho Bắc Giang trong giai đoạn 2004-2008 đã đào tạo cho trên 150 giáo viên ở các cấp được học tập tại Nhật Bản và khoảng 1000 giáo viên được tập huấn tại tỉnh. Hiện nay, Bắc Giang có khoảng 1000 lao động và trên 400 sinh viên đang theo học và làm việc tại Nhật Bản. Tỉnh Bắc Giang đã tiếp nhận 16 chuyên gia tình nguyện của Nhật Bản đến làm việc kể từ năm 2004 đến nay.

Bắc Giang có nhu cầu kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản vào đầu tư vào tỉnh trong một số lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ: Sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy; linh kiện điện, điện tử; đào tạo nghề; lĩnh vực nông nghiệp: Công nghệ chế biến, bảo quản rau quả, thịt gia súc, gia cầm; trồng nấm; trồng rau chế biến và rau an toàn và trồng rừng; chế biến các sản phẩm sau thu hoạch; lĩnh vực thương mại, dịch vụ: Đầu tư dự án siêu thị và trung tâm thương mại, trung tâm logistics, khách sạn theo tiêu chuẩn quốc tế tại thành phố Bắc Giang; đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BT, PPP; hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp; các dự án về hạ tầng xã hội.

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện với các địa phương của Nhật Bản; đồng thời tăng cường hợp tác về lao động với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Nguồn: Chinhphu.vn, mofa.gov.vn, bacgiang.gov.vn

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 10,540
Tổng số trong ngày: 8,182
Tổng số trong tuần: 34,088
Tổng số trong tháng: 19,155
Tổng số trong năm: 345,311
Tổng số truy cập: 4,127,916