Nhiệm kỳ Tổng thống Trump: Các thách thức đối với ASEAN

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua của Donald Trump đã khiến cả khu vực Đông Nam Á quan ngại về tương lai của khu vực này. Những tranh biện trong chiến dịch vận động tranh cử đã khơi gợi một tương lai của chủ nghĩa biệt lập và bảo hộ trong bối cảnh các quốc gia ASEAN, vốn từ lâu nay lệ thuộc vào nước Mỹ để đối phó với Trung Quốc, phải củng cố vai trò trung tâm của ASEAN.

Chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua của Donald Trump đã khiến cả khu vực Đông Nam Á quan ngại về tương lai của khu vực này. Những tranh biện trong chiến dịch vận động tranh cử đã khơi gợi một tương lai của chủ nghĩa biệt lập và bảo hộ trong bối cảnh các quốc gia ASEAN, vốn từ lâu nay lệ thuộc vào nước Mỹ để đối phó với Trung Quốc, phải củng cố vai trò trung tâm của ASEAN.

TPP hầu như không có khả năng được thông qua khi Trump bước vào nhiệm kỳ chính thức bốn năm tới

Từ chiến thắng kỳ bầu cử tổng thống Mỹ gây choáng váng của Donald Trump, giới quan sát và các chuyên gia quốc tế và khu vực thường xuyên nghiên cứu về các chính sách sắp tới của chính quyền Trump đối với Khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Trong thời điểm các chính sách này còn chưa rõ hình hài, và cảm giác không dễ chịu đang gợn sóng trong khu vực khi các nhà lãnh đạo Châu Á còn lo ngại những điều gì sẽ xảy ra trong bốn năm tới, thì bản thân các nước trong khu vực này bắt buộc phải nỗ lực sớm hình thành những động thái thích ứng phù hợp tình hình.

Thông qua việc nghiên cứu những tranh biện trong kỳ vận động tranh cử vừa qua, chúng ta có thể cơ bản hình dung được chiến lược Châu Á Thái Bình Dương của Trump; tuy nhiên, định hướng chính sách này dường như mang lại những điềm báo không tốt cho các quốc gia Đông Nam Á. Bên cạnh viễn cảnh tiêu cực và mịt mờ, khu vực ASEAN cũng phải tự ý thức nắm bắt các cơ hội trong bối cảnh hiện tại.

Chiến lược Châu Á Thái Bình Dương nhìn từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Cuộc tranh cử của Donal Trump đầy rẫy những lý luận cường điệu và mơ hồ, gây khó khăn trong việc xác định và xây dựng chính sách của ông ta với Châu Á. Thật sự, khu vực Đông Nam Á chỉ được đề cập một lần, nhưng lại là trong các bài diễn văn chỉ trích việc lấy mất việc làm của người bản xứ. Tất nhiên ông Trump hiểu rõ tầm quan trọng của khu vực này, và một số vấn đề nhất định trong khu vực này ông cần tham gia giải quyết.

Đầu tiên, Trump sẽ tái kiểm tra lại các quan hệ đồng minh hiện tại với Nhật Bản và Hàn Quốc thông qua việc giảm các chi phí liên quan tới duy trì khối liên minh. Thứ hai, Hiệp định Xuyên Châu Á Thái Bình Dương gần như đi vào tê liệt khi mà Quốc hội quyết định không thông qua TPP trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Obama kết thúc, qua đó chuyển gánh nặng sang chính quyền mới. Sau những chỉ trích nhằm vào các hiệp định thương mại tự do trong xuyên suốt kỳ vận động bầu cử, TPP hầu như không có khả năng được thông qua khi Trump bước vào nhiệm kỳ chính thức bốn năm tới. Và cuối cùng, những dấu hiệu thử thách kinh tế với Trung Quốc thông qua siết chặt các chính sách thương mại và tài khóa. Trong các bài phát biểu của mình, ông Trump đã chỉ trích chính quyền Obama tỏ ra yếu kém trong đối phó với tình trạng Trung Quốc thao túng tiền tệ. Vị Tổng thống đắc cử này đe dọa sẽ tăng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cam kết ngăn các công ty Mỹ gia công tại Trung Quôc.

Dĩ nhiên, thật khó để nhận thức bao nhiêu phần trăm các tranh biện này sẽ được cụ thể hóa bằng chính sách. Một ví dụ cho thây ông Trump đã không thông báo khi nào ông sẽ bắt đầu đàm phán về các căn cứ quân sự cũng như không xác định khoản chi phí các đồng minh Châu Á phải chi trả. Tuy Tổng thống Trump đã có những động thái bước đầu tiến hành những cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ vài ngày sau khi giành chiến thắng nhằm khẳng định cam kết của Chính quyền Trump đối với quốc phòng Hàn Quốc, hay đối thoại hiệu quả và chân thành với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Thế nhưng, nếu bất kì một lời hứa tranh cử trở thành hiện thực, sẽ có tác động tiêu cực cho khu vực Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Sự phụ thuộc của ASEAN

Nhìn chung, ASEAN đã từ lâu luôn mong muốn duy trì sự hiện diện của nước Mỹ tại khu vực. Qua các thập kỷ qua, các mối quan hệ với các siêu cường của ASEAN có thể tóm tắt thông qua phương thức sau: phụ thuộc vào Trung Quốc để phát triển và thịnh vượng, hay phụ thuộc vào nước Mỹ để có sự an toàn. Thoạt nhìn đây có thể là một sự lựa chọn đơn giản, thế nhưng hàng loạt các dấu hiệu chỉ ra thái độ đề phòng của các quốc gia Đông Nam Á về các vấn đề này.

Mặc dù nước Mỹ đã hô hào quá nhiều về chính sách “tái cân bằng ở Châu Á”, người ta vẫn còn quan ngại về việc thực sự họ có còn duy trì sự quan tâm nữa hay không. Đã có thời điểm, chính quyền Obama thực hiện những bước tiến khi gia tăng sự tham gia vào các nhóm, tổ chức do ASEAN dẫn đầu, tăng cường thể chế, chuyển dịch phần lớn các chiến lược trong khu vực, hàn gắn mối quan hệ với Myanma và Việt Nam, và đang trong ngưỡng thông qua TPP.

Sự đánh cược hay lệ thuộc của ASEAN đối với đồng minh Mỹ đã có lúc tưởng thu hái được thành quả. Tuy nhiên, sau tối thứ ba định mệnh ngày 8/11/2016, mọi nỗ lực và tiến bộ trong 8 năm qua đang trong nguy cơ không thể duy trì, phát triển. Vậy, hướng đi sắp tới của ASEAN ra sao?

Vai trò trung tâm của ASEAN

Việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ là một lời nhắc cho những căng thẳng dai dẳng và bản chất không kiên định của chính trị quốc tế, đồng thời là lời cảnh báo để tăng cường sự thống nhất trong một thể chế. Đó cũng là lý do tại sao các nhà lãnh đạo Đông Nam Á từ lâu đã nghi ngờ đối tác “tin cậy” Hoa Kỳ của mình, và các kết quả bầu cử vừa qua đã phản ánh, minh chứng điều này.

Một giả định được nêu ra khi nước Mỹ giảm sự hiện diện của mình tại Đông Nam Á, thì khoảng trống đó sẽ được Trung Quốc lấp đầy. Điều này sẽ khiến các nước ASEAN không có bất cứ sự lựa chọn nào để đối phó với sự lệ thuộc kinh tế từ người láng giền khổng lồ này. Chỉ có một câu trả lời khả dĩ là tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN.

Tổng dân số khu vực ASEAN gộp lại hơn 600 triệu người, gần gấp đôi Mỹ. Khu vực này có thể gia tăng dân số trẻ lên gấp đôi để trở thành thị trường to lớn với lực lượng lao động cần cù. Khu vực này được ưu đãi nguồn tài nguyên dồi dào, có vị trí địa chiến lược với hàng ngàn thương vụ ngàn tỷ đô la Mỹ đi qua đường biển mỗi năm. Tuy nhiên, những gì ASEAN còn thiếu là tầm nhìn chung và quyết tâm chính trị để hướng tới điều này.

Các cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông đã chỉ rõ sự đoàn kết thống nhất non yếu của khu vực ASEAN khi mà trong suốt cuộc họp thường niên cấp ngoại trưởng năm 2012, lần đầu tiên trong lịch sử không có một bản tuyên bố chung nào được ban hành. Trong tháng 6/2016, các ngoại trưởng ASEAN một lần nữa lại phải cố gắng thống nhất tuyên bố chung. Mặc dù được ban hành, tuyên bố này sớm bị rút lại do sự bất đồng quan điểm trong tổ chức này.

Với những điều không chắc chắn xung quanh nhiệm kỳ Tổng thống Trump, ASEAN bây giờ cần nỗ lực xây dựng, định hình chính sách ngoại giao mang tính tập thể và thống nhất hơn. Tổ chức này cần nhìn nhận khả năng nước Mỹ sẽ không thể thường xuyên đóng vai trò ổn định tình hình khu vực. Nếu 10 quốc gia ASEAN hy vọng bắt tay với Trung Quốc mà không phương hại đến lợi ích kinh tế, chính trị và chiến lược của mình, thì đòi hỏi tổ chức này cần đồng nhất một khối và vững bền trong thời gian tới.

Tuy nhiên, việc nước Mỹ có giảm tầm ảnh hưởng tại khu vực này cũng không giúp chung ta dự đoán trước điều gì có thể xảy ra sắp tới. Điều này do sự tác động của các tác nhân khác sẽ ngăn hay làm chậm lại những các thay đổi lớn trong mối quan hệ đồng minh. Một trong số đó là mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc, điều sẽ xoa dịu các căng thẳng và bất đồng có thể phát sinh. Ngoài ra, hàng ngàn nhà cố vấn chính sách và các chuyên gia ở hai bờ Thái Bình Dương đã làm việc nỗ lực để duy trì mối quan hệ Mỹ - Châu Á được coi là có hiệu quả này. Châu Á là một khu vực quá quan trọng mà nước Mỹ sẽ không thể phớt lờ. Nhiệm kỳ của Trump cũng sẽ không thay đổi điều này. Trong tình hình đó, ASEAN cũng phải tích cực chủ động có những động thái phù hợp để thích ứng với các diễn biến khó lường của thế giới và khu vực.

                                                                                                                                                            Thế Bằng ( tổng hợp)

 

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 6,114
Tổng số trong ngày: 351
Tổng số trong tuần: 37,965
Tổng số trong tháng: 23,032
Tổng số trong năm: 349,188
Tổng số truy cập: 4,131,793