Nhìn về cuộc chơi sắp tới ở Biển Đông

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sau bao trông đợi và phán đoán, 12h trưa ngày 12/7 theo giờ Hà Lan (16h cùng ngày giờ Việt Nam), Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục vii của công ước của LHQ và luật biển năm 1982 đã đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông.

Sau bao trông đợi và phán đoán, 12h trưa ngày 12/7 theo giờ Hà Lan (16h cùng ngày giờ Việt Nam), Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục vii của công ước của LHQ và luật biển năm 1982 đã đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông.

Việc ra thông cáo xác định rõ thời điểm phán quyết của Tòa trọng tài từ cuối tháng Sáu không những không làm nguội tính thời sự của phiên tòa mà còn khiến cuộc đua trên mặt trận ngoại giao và truyền thông của Trung Quốc trở nên quyết liệt.

Vượt quá kỳ vọng của nhiều chuyên gia, phán quyết của Tòa trọng tài đã kết luận nhiều nội dung gây bất lợi cho Trung Quốc. Tuy nhiên, bản chất phiên tòa không phải nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa các bên ở Biển Đông, và câu hỏi đáng quan tâm hiện nay là Trung Quốc và các bên sẽ hành xử ra sao sau khi có kết luận của Tòa trọng tài.

Trụ sở Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye, Hà Lan.

Philippines kiện gì ở Biển Đông?

Việc Trung Quốc chiếm giữ bãi cạn Scarborough năm 2012 như giọt nước tràn ly, khiến tháng 1/2013, Philippines đệ đơn lên Tòa trọng tài Thường trực Quốc tế tại  The Hague (Hà Lan), kiện Trung Quốc ở 15 điểm theo phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Sau tiến trình pháp lý, tháng 10/2015, Tòa trọng tài ra phán quyết về thẩm quyền xét xử của Tòa, xác định bảy nội dung sẽ xét xử, nằm ở ba nhóm chính: (i) xác định quy chế pháp lý của một số thực thể ở Biển Đông, (ii) xác định vùng biển và quyền đánh cá truyền thống của Philippines xung quanh bãi cạn Scarborough, và (iii) khả năng vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc về bảo vệ môi trường và an toàn hàng hải. 

Tám nội dung còn lại được xem xét và phán quyết trong quá trình Tòa làm việc nằm ở ba nhóm (i) giá trị pháp lý của đường lưỡi bò, (ii) xác định một số điểm thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Philippines, và (iii) các vi phạm khác của Trung Quốc về nghề cá và dầu khí trong vùng EEZ và thềm lục địa của Philippines. Phán quyết của Tòa trọng tài thường được giới học giả và truyền thông gọi là phán quyết cuối cùng bởi theo luật, các bên sẽ không có quyền kháng cáo và không có cơ chế tòa phúc thẩm xét xử lại. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa đây là phán quyết cuối cùng giúp giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. 

Trung Quốc ráo riết chạy đua với thời gian

Trung Quốc cố tỏ ra điềm tĩnh, thể hiện lập trường "ba không" đối với vụ kiện của Philippines: không thừa nhận giá trị của phiên tòa, không chấp nhận phán quyết và không chấp nhận việc sử dụng kết quả phiên tòa trong đàm phán tranh chấp với các nước.

Tuy nhiên, càng đến gần ngày công bố phán quyết, dường như nhận thức được những bất lợi trong kết luận của Tòa, Trung Quốc đã tự mình vứt bỏ lập trường "không quan tâm" để tiến hành một chiến dịch ngoại giao và truyền thông trên phạm vi toàn cầu một cách rầm rộ. 

Thông qua các kênh ngoại giao, Trung Quốc thể hiện thái độ mềm mỏng với Mỹ và vận động các nước ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tự tuyên bố có tới 60 quốc gia ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông, khiến nhiều nước bị nêu tên buộc phải lên tiếng đính chính. Với chính Philippines, Trung Quốc tỏ ra mềm mỏng, coi vụ kiện là sản phẩm sai lầm của chính quyền Tổng thống Aquino, và sẵn sàng hợp tác với chính quyền của tân Tổng thống Duterte. Bắc Kinh cũng lặng lẽ vận động và ép buộc các nước không đưa ra các tuyên bố gây bất lợi cho Trung Quốc sau phiên tòa.

Trên mặt trận tuyên truyền, đại sứ Trung Quốc khắp năm châu liên tục đăng bài viết trên các tạp chí uy tín và thuê các trang báo quảng cáo để bảo vệ lập trường của Trung Quốc, tuyên truyền chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định tôn trọng các nước láng giềng có chung tranh chấp, và đẩy quả bóng trách nhiệm về phía Philippines, Mỹ và các cường quốc khác, coi các nước này là nguồn gốc gây ra căng thẳng Biển Đông.

Phán quyết của Tòa 

Giới chuyên gia vốn thận trọng khi dự báo về kết quả phiên tòa có lẽ ít nhiều bất ngờ, bởi phán quyết dài 497 trang của Tòa trọng tài đã đưa ra nhiều kết luận rõ ràng, vạch rõ những điểm thiếu cơ sở pháp lý và vi phạm luật quốc tế trong chính sách và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Các nội dung chính trong phán quyết của Tòa trọng tài gồm 5 điểm:

- Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để khẳng định quyền lịch sử đối với nguồn tài nguyên tại các vùng biển nằm trong phạm vi đường lưỡi bò. 

- Không thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có đủ điều kiện để có vùng biển mở rộng. Quần đảo Trường Sa không thể được coi là một thực thể thống nhất để đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế. Dù Tòa trọng tài không phán quyết về phân định biên giới, Tòa có quyền tuyên bố một số vùng nước thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines bởi những vùng nước đó không chồng lấn với bất kỳ quyền nào của Trung Quốc. 

- Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền trong EEZ của Philippines khi can thiệp vào hoạt động thăm dò dầu khí và đánh bắt cá của Philippines, xây đảo nhân tạo, và không ngăn ngư dân Trung Quốc đánh cá tại EEZ của Philippines. Bên cạnh đó, tàu chấp pháp củaTrung Quốc cũng có những hành vi vi phạm pháp luật nguy hiểm, có thể đâm va với các tàu Philippines, đe dọa an toàn trên biển.

- Hoạt động xây đảo nhân tạo quy mô lớn của Trung Quốc tại bảy điểm ở Trường Sa đã tàn phá nghiêm trọng môi trường san hô biển, vi phạm trách nhiệm bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và một số loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng. Các cơ quan chấp pháp Trung Quốc biết ngư dân Trung Quốc có hành vi đánh bắt các sinh vật biển quý hiếm ở quy mô lớn với cách thức hủy hoại môi trường, song không có biện pháp ngăn chặn.

- Tòa trọng tài không có thẩm quyền xem xét hệ lụy của vụ đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc ở bãi Cỏ Mây. Tuy nhiên, hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc là không phù hợp với trách nhiệm của một quốc gia trong quá trình giải quyết tranh chấp, bởi đã dẫn đến những hủy hoại không thể khôi phục được với môi trường biển và hủy hoại bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các thực thể có tranh chấp ở Biển Đông.

Dấu hỏi lớn sau phán quyết

Phán quyết của Tòa trọng tài ngày 12/7 tuy có phần vượt quá mong đợi của giới quan sát, song chưa thể kỳ vọng đó là giải pháp cuối cùng đem đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Ngược lại, các nước trong khu vực sẽ phải sống chung với tranh chấp trong những năm tới, bởi các xu thế chiến lược chính trong thời gian qua chưa có bất kỳ dấu hiệu đảo chiều nào. Dù tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc vẫn tiếp tục là nước trỗi dậy mạnh nhất trong khu vực, dẫn đến khoảng cách với các nước có tranh chấp còn lại ngày càng xa, và khoảng cách này ngày càng được thể hiện rõ ràng trên biển.

Câu hỏi lớn nhất sau phán quyết là Trung Quốc sẽ làm gì ở Biển Đông trong thời gian tới, khi các hoạt động ngoại giao, truyền thông và quân sự vừa qua không thể che giấu thực tế rằng nhiều tuyên bố chủ quyền và hoạt động của nước này ở Biển Đông đã bị Tòa tuyên là vô căn cứ hoặc vi phạm pháp luật.

Một số ý kiến cho rằng Trung Quốc hoặc sẽ gây hấn hơn nữa ở Biển Đông để chứng tỏ không thừa nhận phán quyết của Tòa; hoặc sẽ im lặng, tùy thuộc vào hành xử của các nước khác để hành động. Tuy nhiên, đó chỉ là hành động mang tính phản ứng nhất thời. Rõ ràng một cường quốc như Trung Quốc không thể trông đợi chính quyền Philippines hay bất kỳ nước khác làm gì sau phiên tòa để xây dựng lập trường ở Biển Đông.

Về lâu dài, Trung Quốc có hai lựa chọn sau phán quyết này của Tòa, và điều đó có thể dẫn đến hai con đường hoàn toàn khác nhau trong việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông. Nếu lựa chọn tận dụng sức mạnh vượt trội để gây hấn và bành trướng sức mạnh cứng, từng bước giành quyền kiểm soát ở Biển Đông, Bắc Kinh sẽ đẩy khu vực đến bờ vực bất ổn và phản ứng quyết liệt của nhiều nước, ít nhất là các nước có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông. Điều này sẽ gây tác động tiêu cực tới lợi ích của chính Trung Quốc, bởi nước này cần duy trì vành đai hòa bình, hữu nghị xung quanh biên giới để tập trung nguồn lực cho phát triển. Không giành được sự tôn trọng và hợp tác của các nước láng giềng, Trung Quốc khó trở thành cường quốc lớn tiến ra thế giới.

Lựa chọn khác là Trung Quốc điều chỉnh tư duy về quá trình nâng cao vai trò ở Biển Đông và trên thế giới, sẵn sàng phát triển thành một "cực" có khả năng hấp dẫn các nước láng giềng bằng mô hình hợp tác phát triển trong các khuôn khổ dựa vào luật pháp quốc tế và các thỏa thuận chính trị như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Chiến lược này tuy đòi hỏi thời gian, làm suy yếu vai trò sức mạnh cơ bắp, và đem lại cho các nước nhỏ nhiều quyền lợi hơn, song cũng đem đến lợi ích lớn và lâu dài cho chính Trung Quốc. Một khi giành được sự ủng hộ của các nước Đông Nam Á, Trung Quốc có thể tạo được vị thế trong đàm phán phân chia ảnh hưởng với các cường quốc khác. Chiến lược "tấn công quyến rũ" mà Trung Quốc từng áp dụng ở Đông Nam Á những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, trước khi đẩy khu vực vào tình thế nóng như hiện nay, là một minh chứng cho hướng đi này.

Để giúp giữ thể diện cho Trung Quốc và nước này chuyển theo hướng hợp tác hơn trên Biển Đông, các nước Đông Nam Á nên lựa chọn ủng hộ các giải pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, đoàn kết phát huy sức mạnh, đồng thời tiếp tục duy trì và thúc đẩy các kênh đối thoại với Trung Quốc. Trước mắt, các nước ASEAN có thể phấn đấu đạt được đồng thuận về các nguyên tắc Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và vận động Trung Quốc tích cực tham gia thực chất vào quá trình đàm phán và ký kết bộ Quy tắc này.

                                                                                                                          Theo Báo Thế giới và Việt Nam

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 9,334
Tổng số trong ngày: 294
Tổng số trong tuần: 4,220
Tổng số trong tháng: 78,702
Tổng số trong năm: 315,443
Tổng số truy cập: 4,098,048