Nông sản Bắc Giang: Khẳng định thương hiệu

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 20 sản phẩm nông nghiệp được cấp nhãn hiệu bảo hộ. Một số sản phẩm tiêu biểu được tỉnh chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu như: Vải thiều Lục Ngạn; gà đồi Yên Thế; gạo thơm Yên Dũng; rau sạch Đa Mai... đang đứng vững trên thị trường, đem lại uy tín và giá trị thương mại cao.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 20 sản phẩm nông nghiệp được cấp nhãn hiệu bảo hộ. Một số sản phẩm tiêu biểu được tỉnh chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu như: Vải thiều Lục Ngạn; gà đồi Yên Thế; gạo thơm Yên Dũng; rau sạch Đa Mai... đang đứng vững trên thị trường, đem lại uy tín và giá trị thương mại cao.

Phát triển các sản phẩm thế mạnh

Chúng tôi đến Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Đa Mai (TP Bắc Giang) vào  một ngày cuối năm. Trên cánh đồng phủ một màu xanh non mỡ màng của các loại rau xen lẫn những trái cà chua căng mọng ửng đỏ. Người nông dân đang tất bật chăm sóc và thu hoạch rau vụ đông. Con đường bê tông dẫn vào cánh đồng trở nên tấp nập bởi dòng xe ô tô tải nối đuôi nhau đến chở rau. Từ đây, rau an toàn Đa Mai được tỏa đi khắp nơi. Được biết, mới đi vào hoạt động năm 2013 nhưng hiện tại mỗi ngày HTX đưa ra thị trường khoảng 8 tấn rau, củ các loại, trong đó 40% được tiêu thụ  tại các bếp ăn tập thể, siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Chị Lương Thị Diện, Giám đốc HTX cho biết: “Để đưa được sản phẩm vào bếp ăn tập thể hay trung tâm thương mại quan trọng nhất là phải bảo đảm được quy trình sản xuất sạch; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý; đáp ứng đủ theo thỏa thuận đã ký”. Giá rau sản xuất theo quy trình an toàn luôn có giá cao hơn bình thường từ 1 đến 2 nghìn đồng/kg. Hiện sản phẩm của HTX đang được tiêu thụ tại: Chợ thực phẩm sạch Hà Vị, Big C Bắc Giang và một số bếp ăn tập thể của những doanh nghiệp (DN) lớn trên địa bàn TP Bắc Giang.

Nông dân thu hoạch chè ở Bản Ven, xã Xuân Lương ( Yên Thế), (Ảnh Việt Hưng, Báo Bắc Giang)

Nhắc đến nông sản Bắc Giang không thể không nhắc đến sản phẩm  vải thiều Lục Ngạn. Đây là sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý từ năm 2008. Huyện Lục Ngạn có khoảng 17,5 nghìn ha vải thiều, mỗi năm cho thu hoạch hơn 100 nghìn tấn quả.

Sơ chế vài thiều trước khi xuất khẩu (Ảnh: Việt Anh, Báo Bắc Giang)

Với sản phẩm Gà đồi Yên Thế, để nâng cao chất lượng gà thương phẩm, huyện đã triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà đồi theo hướng VietGAP. Đến nay, đã có 80 hộ chăn nuôi tại xã Đồng Tâm của Công ty cổ phần Giang Sơn với sản lượng 480 nghìn con/năm tương đương một nghìn tấn gà thương phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, gà đồi Yên Thế giữ được thương hiệu và được tiêu thụ mạnh tại một số siêu thị ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh...  

Một điểm nhấn nữa của nông sản Bắc Giang là mô hình sản xuất kết hợp cá giống - rau cần tại xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa) cho thu nhập bình quân 500 triệu đồng/ha/năm. Rau cần đã được bán ở một số siêu thị tại Hà Nội. UBND tỉnh, UBND huyện Hiệp Hòa và  ngành nông nghiệp chủ trương tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, tiến bộ kỹ thuật cho vùng rau cần Hoàng Lương; khuyến khích các tổ chức, cá nhân mượn, thuê đất mở rộng diện tích, liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ; phấn đấu thu nhập 1 tỷ đồng/ha/năm.

Được biết, đến nay toàn tỉnh có hơn 20 sản phẩm nông nghiệp như: Vải thiều, mật ong, gạo nếp Phì Điền (Lục Ngạn); bưởi Diễn, rau cần (Hiệp Hòa); gà đồi (Yên Thế); lạc, vải thiều sớm Phúc Hòa (Tân Yên); gạo thơm (Yên Dũng); na, dứa (Lục Nam); nấm Tiên Lục (Lạng Giang)... và một số sản phẩm tiểu thủ công nghiệp , làng nghề như: Rượu làng Vân, mây tre đan Tăng Tiến (Việt Yên); mỳ, bánh đa Kế (TP Bắc Giang)... được cấp nhãn hiệu bảo hộ. Đây là những sản phẩm thế mạnh, mang lại giá trị kinh tế cao ở mỗi địa phương. Một số sản phẩm tiêu biểu được tỉnh chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu đang đứng vững trên thị trường, đem lại uy tín và có giá trị thương mại lớn.

Đa dạng hóa thị trường để tiêu thụ nông sản

Mới đây, một số hiệp định thương mại tự do như: TPP, EVFTA... được ký kết bắt đầu có hiệu lực, cùng sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN là cơ hội cho DN tăng kim ngạch xuất khẩu. Nắm bắt cơ hội, một số DN xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng lắp đặt thêm dây chuyền chế biến, bảo quản đáp ứng tiêu chuẩn của một số thị trường cao cấp. Nhờ đó, một số nông sản của tỉnh đã mở được “cánh cửa” vươn ra thị trường trong, ngoài nước.

Sản phẩm gà đồi Yên Thế được bày bán tại một số siêu thị lớn ở Hà Nội (Ảnh: Quốc Phương, Báo Bắc Giang)

Đơn cử như sản phẩm vải thiều, ngoài việc tiếp thị trái vải tại các tỉnh lân cận và thành phố lớn như: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh...năm 2015, lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a.. được phía khách hàng đánh giá cao, mở ra triển vọng mới trong tiêu thụ vải thiều trong những năm tiếp theo...Với giá trung bình ước đạt 15.400 đồng/kg, cao hơn năm trước gần 3.000 đồng/kg, vụ vải vừa qua Bắc Giang có doanh thu khoảng: 2.895 tỷ đồng (tương đương 137,9 triệu USD) cao hơn năm 2014 khoảng 25 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 83 triệu USD, cao hơn năm trước gần 10 triệu USD.

Cùng đó, gà đồi Yên Thế được UBND huyện, các ngành thực hiện nhiều giải pháp quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các hội chợ, triển lãm trong, ngoài nước. Hiện sản phẩm Gà đồi Yên Thế đang được tiêu thụ tại 25 siêu thị và 30 sàn giao dịch trên cả nước, trong đó có nhiều hệ thống uy tín như: Big C, Co.op Mart, Intimex...Song hành các sản phẩm trên, nhiều sản phẩm như: Thương hiệu thịt lợn, bò của HTX Bình Minh (Việt Yên) đang được nhiều bếp ăn tập thể ưa chuộng; rau quả chế biến của Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu GOC (Lạng Giang) hay Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (TP Bắc Giang)… được tiêu thụ mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc… 

Bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển các sản phẩm nông sản mang thương hiệu Bắc Giang cũng gặp không ít khó khăn khi các DN của tỉnh chủ yếu quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế. Do đó, theo một số chuyên gia kinh tế, để giữ vững và khẳng định thương hiệu nông sản Bắc Giang trong thời gian tới, bên cạnh nỗ lực của bản thân, các DN rất cần sự hỗ trợ đắc lực hơn nữa từ phía chính quyền và ngành chức năng trong việc tạo điều kiện để giữ vững sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Ngoài ra, các ngành chức năng nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo trước những biến động phức tạp, khó lường trên thị trường thế giới giúp các DN có những giải pháp ứng phó kịp thời. Tuy nhiên chỉ nên xây dựng với những sản phẩm thực sự tiêu biểu, có tiềm năng sản xuất thành hàng hóa, có khả năng cải tiến kỹ thuật, tăng trưởng về sản lượng, chất lượng. Bên cạnh đó, cần có chính sách đầu tư thỏa đáng cho công tác quảng bá giúp nâng cao giá trị nhãn hiệu nông sản. Đặc biệt, cần phát huy tính sáng tạo, chủ động của các hội, HTX trong tiêu thụ sản phẩm nông sản. Cùng đó, rà soát, đánh giá và sửa đổi các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh và xuất khẩu phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng.

                                                                                                                                                                                 Trần Lan

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 18,208
Tổng số trong ngày: 1,608
Tổng số trong tuần: 1,607
Tổng số trong tháng: 26,970
Tổng số trong năm: 353,126
Tổng số truy cập: 4,135,731