Rào cản xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Trung Quốc có biên giới tiếp giáp với nước ta, có khoảng cách địa lý gần, chi phí vận tải, lưu thông hàng hóa thấp hơn đi các khu vực khác, thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu giữa hai nước. Việt Nam và Trung Quốc có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, sự tương đồng văn hóa, ẩm thực nên có rất nhiều tiềm năng để xuất khẩu nông sản.

Trung Quốc – thị trường lớn cho nông sản Việt Nam

Trung Quốc có biên giới tiếp giáp với nước ta, có khoảng cách địa lý gần, chi phí vận tải, lưu thông hàng hóa thấp hơn đi các khu vực khác, thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu giữa hai nước. Việt Nam và Trung Quốc có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, sự tương đồng văn hóa, ẩm thực nên có rất nhiều tiềm năng để xuất khẩu nông sản.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 29,55 tỷ USD, trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 15,2 tỷ USD; thủy sản ước đạt 6,4 tỷ USD; lâm sản chính ước đạt 6,7 tỷ USD; chăn nuôi ước đạt 0,41 tỷ USD. Thị trường Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản nhất là Trung Quốc với 22,9% (tương đương 6,7 tỷ USD). Các nông sản Việt được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc như chuối, nhãn, sầu riêng, thanh long, quả vải.

Bắc Giang mùa vải chín (Ảnh minh họa)

Tỉnh Bắc Giang có vị trí địa lý gần cửa khẩu Hữu Nghị, nằm trên hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hoạt động giao thương với Trung Quốc diễn ra rất sôi nổi. Tỉnh có nhiều nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó, vải thiểu là mặt hàng có sản lượng và giá trị xuất khẩu lớn nhất. Sản lượng xuất khẩu vải trong niên vụ 2018 sang Trung Quốc đạt hơn 80.200 tấn, chiếm tới 88,7% tổng lượng xuất khẩu vải của cả nước trong niên vụ này.

Khó khăn của nông sản Việt ở thị trường Trung Quốc

Nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch, xuất khẩu chính ngạch còn rất ít. Các doanh nghiệp, hộ nông dân phải tự liên hệ, kết nối đầu mối tiêu thụ, việc hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu nông sản chưa thực sự hiệu quả. Mặt khác, nông sản Việt Nam đang gặp cạnh tranh của các nước có nguồn cung tương tự như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Campuchia..., thậm chí là nguồn cung nội địa của Trung Quốc.

Người Việt chưa hiểu về thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp chưa chủ động xem thị hiếu, nhu cầu của người dân Trung Quốc là gì để từ đó tập trung sản xuất. Ngược lại, chính các thương lái Trung Quốc đã đi tìm gặp nông dân để thu mua.

Hiện nay, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính bởi vì các rào cản kỹ thuật cũng như những thủ tục pháp lý. Một số địa phương của Trung Quốc đưa ra quy định về truy xuất nguồn gốc đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng đang siết chặt quản lý về an toàn thực phẩm, hàng rào kiểm dịch. Do Việt Nam thường xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch nên không chú ý đến việc truy xuất nguồn gốc. Thương lái cứ mua gom đủ loại nông sản trôi nổi, không cần quan tâm đến chất lượng, kích cỡ, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; nông dân trồng trọt không theo quy trình sản xuất, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học. Do vậy, khi phía Trung Quốc thay đổi chính sách kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt chất lượng sản phẩm là hàng hóa bị ứ đọng, giá giảm sâu, có khi phải đổ bỏ, nông dân rơi vào tình trang nợ nần.

Gần đây, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra phức tạp và có chiều hướng kéo dài. Trong thời gian tới, xuất khẩu hàng hóa nói chung, xuất khẩu nông sản nói riêng của Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Trung Quốc có thể sẽ chủ động hạn chế nhập khẩu từ các nước thứ ba hoặc đặt ra nhiều yêu cầu về chất lượng đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Giải pháp cho nông sản Việt Nam

 Để đáp ứng những thay đổi về hàng rào kỹ thuật cũng như quy định pháp lý của Trung Quốc, doanh nghiệp và bà con nông dân cũng phải thay đổi, nâng cao chất lượng từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói bao bì xuất khẩu. Ngoài ra cần quan tâm xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản để cạnh tranh với nông sản các nước trong khu vực. Để xây dựng được thương hiệu sản phẩm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, sản phẩm phải đáp ứng các yêu cầu phía Trung Quốc đặt ra như kiểm dịch kiểm nghiệm, cung cấp thông tin tình hình trồng trọt, nơi sản xuất, bao gói ghi rõ tên sản phẩm, số hồ sơ vườn trồng...

Bên cạnh đó, doanh nghiệp, các hộ nông dân cần áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm, kiểm dịch ngày càng nghiêm ngặt của Trung Quốc. Trước khi xuất khẩu cần phân loại rõ ràng phẩm cấp, quy cách của từng loại hàng cụ thể. Nghiên cứu thiết kế bao bì riêng cho thị trường Trung Quốc, trong đó nên ưu tiên các thông tin trên bao bì bằng tiếng Trung. Trong bối cảnh công nghệ 4.0 hiện nay, ngành nông nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nông nghiệp nói riêng phải đổi mới, sáng tạo, phải ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, dần phát triển thành nông nghiệp số, đáp ứng yêu cầu về khả năng truy xuất nguồn nông sản.

Thay vì việc sản xuất và thu mua nhỏ lẻ nên doanh nghiệp cần đứng ra làm đầu mối để các quy trình này được thống nhất. Các doanh nghiệp Việt Nam nên hợp tác với các doanh nghiệp thương mại điện tử nổi tiếng của Trung Quốc để mở các cửa hàng trực tuyến và cung cấp nông sản cho các siêu thị mới.

Mai Hương

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

User Online: 20,006
Total visited in day: 2,719
Total visited in Week: 23,240
Total visited in month: 73,272
Total visited in year: 399,428
Total visited: 4,182,033