Rèn luyện phẩm chất cán bộ ngoại giao theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà ngoại giao kiệt xuất của Việt Nam trong thế kỷ XX, người sáng lập ra nền ngoại giao hiện đại. Người là tấm gương mẫu mực của cán bộ ngoại giao trong mọi thời đại.

Bác Hồ với các nhà ngoại giao quốc tế tại Thủ đô Hà Nội

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có hệ thống tư tưởng ngoại giao toàn diện, sâu sắc với tầm tư duy chiến lược và tư tưởng đổi mới mà còn có quan điểm về chuẩn mực của cán bộ ngoại giao rất đúng đắn, hiện đại. Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 3 (tháng 1/1964), Người đặt ra 5 yêu cầu về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của công tác đối ngoại: “Một là phải có quan điểm lập trường của Đảng làm kim chỉ nam; Hai là phải có tư tưởng đạo đức tốt, không để cá nhân lên trên lợi ích chung; Ba là về phương pháp công tác phải tôn trọng, cảnh giác và giữ bí mật nhà nước; Bốn là phải có tinh thần học hỏi và tự lực cánh sinh, tiết kiệm; Năm là phải học tiếng nước ngoài. Công tác ở nước nào cần phải học tiếng nước đó”.

Nhà ngoại giao phải có quan điểm lập trường của Đảng làm kim chỉ nam

Bất kỳ cán bộ công tác trong ngành nào, ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam đều phải tuân thủ theo sự lãnh đạo của Đảng, phải lấy quan điểm chỉ đạo của Đảng là cơ sở để thực hiện mọi nhiệm vụ được giao. Cán bộ ngoại giao lại càng phải thấm nhuần tư tưởng này bởi lẽ mục tiêu cao cả nhất của công tác ngoại giao là bảo vệ Tổ quốc, giữ vững nền độc lập nước nhà. Muốn bảo vệ đất nước trên mặt trận chính trị thì trước hết phải bảo vệ Đảng. Cán bộ ngoại giao đi đâu, làm gì cũng phải nói, viết và làm đúng quan điểm của Đảng.

Nhà ngoại giao phải có tư tưởng đạo đức tốt, không để cá nhân lên trên lợi ích chung

Đạo đức là “gốc” của người cán bộ nói chung, của cán bộ ngoại giao nói riêng. Đức của người cán bộ thể hiện ở phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; ở lòng trung thành đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân và với chế độ xã hội chủ nghĩa. Người cán bộ có “đạo đức tốt” là người trong sáng, trung thực, không cơ hội; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; có lối sống trong sạch, lành mạnh, gần gũi, khiêm tốn, giản dị, cầu thị; luôn có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Người cán bộ phải biết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích chung của tập thể. Đặc biệt với cán bộ ngoại giao, lợi ích chung cao nhất chính là lợi ích dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Muốn làm gì cũng vì lợi ích dân tộc, phải luôn luôn vì lợi ích dân tộc mà phục vụ và nhà ngoại giao phải khôn khéo để lợi ích đó được đảm bảo. Người tuyên bố: “Ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù”.

Bằng những câu chuyện bình dị nhất về Bác, chúng ta có thể thấy Bác là tấm gương đạo đức mẫu mực nhất, toàn diện nhất. Trong hoạt động đối ngoại, Bác đã không ít lần làm cho kẻ thù nể phục vì trí tuệ, phẩm chất, bản lĩnh của mình.

Phương pháp công tác phải tôn trọng, cảnh giác và giữ bí mật nhà nước

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (nguồn: chinhphu.vn)

Người làm ngoại giao có nhiều cơ hội để học hỏi, tiếp thu tinh hoa của thế giới nhưng cũng có nhiều cám dỗ xung quanh. Do vậy, cán bộ ngoại giao luôn phải tỉnh táo, bình tĩnh, bản lĩnh khi làm việc với đối tác nước ngoài. Trong công tác luôn phải nâng cao cảnh giác với các thế lực thù địch bên ngoài. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, cán bộ ngoại giao càng phải tinh tế, nhạy bén thì mới có thể nhận ra và ứng phó được với xu hướng “vừa hợp tác, vừa cạnh tranh” của thế giới.

Tôn trọng là một trong những nguyên tắc của công tác đối ngoại đã được Đảng ta vận dụng từ xưa đến nay. Theo phạm vi rộng, nó là sự tôn trọng về thể chế chính trị, về chủ quyền quốc gia. Phạm vi hẹp là tôn trọng những đối tác, nhà đầu tư, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức nước ngoài mà nước ta có quan hệ. Tôn trọng trên cơ sở luật pháp quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Công tác ngoại giao cần cởi mở nhưng cũng cần sự kín kẽ. Cởi mở trong quan hệ hợp tác nước ngoài và kín kẽ về bí mật nhà nước. Giữ bí mật nhà nước là không tiết lộ về những nội dung mà Nhà nước quy định phải giữ bí mật, nhất là không thông tin, trao đổi về những quan điểm, định hướng, chủ trương mà Nhà nước chưa công bố chính thức. Cán bộ ngoại giao không được mang tài liệu bí mật nhà nước ra nước ngoài khi chưa được cho phép.

Cán bộ ngoại giao phải có tinh thần học hỏi và tự lực cánh sinh, tiết kiệm

Bác Hồ đã từng nói: “Do ta làm ngoại giao chưa được bao lâu nên cái gì đối với ta cũng mới, do trình độ văn hóa và tri thức ngoại giao của chúng ta còn hạn chế nên người làm công tác ngoại giao phải cố gắng nhiều. Chỉ có qua học tập, qua sự cố gắng của từng cá nhân và cả ngành thì công tác ngoại giao mới đáp ứng nhu cầu của đất nước”. Không chỉ trong thời kỳ đầu mà ngay trong thời hiện đại, khi ngành Ngoại giao đã có bề dày lịch sử thì cán bộ ngoại giao cần nêu cao tinh thần học hỏi để làm phong phú tri thức, hiểu biết của bản thân, phục vụ tốt cho công việc.

Đặc thù của ngành ngoại giao là nhiều cán bộ phải làm việc xa gia đình, xa Tổ quốc. Cán bộ ngoại giao cần phải tự lực cánh sinh, tự biết làm nhiều việc để thích ứng với điều kiện ở nước ngoài.

Bác dạy rằng: “Làm công tác ngoại giao, tuy phải có phần hình thức cho coi được, song nội dung vẫn là quan trọng hơn. Cái đẹp của hình thức là ở chỗ sạch sẽ, gọn gàng, giản dị, chức không phải ở chỗ xa hoa, lãng phí. Cần làm sao không tốn kém mà lịch sự”. Tiết kiệm không chỉ là tiết kiệm của cải vật chất mà còn tiết kiệm thời gian, sức lực, tiết kiệm ngôn từ, nói ít làm nhiều, lời nói phải đi đôi với việc làm.

Cán bộ ngoại giao phải học tiếng nước ngoài

Người cho rằng không biết hoặc không thông thạo tiếng nước sở tại thì khả năng giao tiếp sẽ bị hạn chế, thiếu tự tin dẫn đến mặc cảm trong hoạt động đối ngoại. Cán bộ ngoại giao chủ động sử dụng những ngôn ngữ khác nhau trong giao tiếp, đàm phán sẽ có thể truyền tải đầy đủ nội dung đến đối tác mà không phải thông qua biên phiên dịch. Biết tiếng nước ngoài cũng sẽ tạo thiện cảm và có ảnh hưởng rất tốt với bạn bè thế giới. Trong quá trình đấu tranh, ngoại ngữ chính là một trong những vũ khí quan trọng của công tác đối ngoại đồng thời tạo nên bản lĩnh ngoại giao của Hồ Chí Minh. Từ thực tiễn đó, Người căn dặn cán bộ ngoại giao “phải chăm học ngoại ngữ, phải xem được, nói được tiếng nước sở tại” bởi công tác ngoại giao mà không thông ngoại ngữ thì khó mà tiếp xúc tốt với nhân dân địa phương, khó làm tốt nhiệm vụ được giao.

Có thể thấy rằng, quan điểm Hồ Chí Minh về chuẩn mực cán bộ ngoại giao vừa mang tính khái quát, vừa mang tính cụ thể. Bên cạnh những chuẩn mực trên, cán bộ ngoại giao cần học theo phong cách, nghệ thuật ngoại giao của Bác. Phong cách đó là: Dự báo thời cơ và nắm đúng thời cơ; Ngoại giao tâm công; Dĩ bất biến, ứng vạn biến. Nghệ thuật đó là vận dụng nhuần nhuyễn “năm cái biết” - biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến.

Mỗi cán bộ ngoại giao cần phải nghiêm túc suy ngẫm về những lời dạy của Bác; đồng thời phải thường xuyên rèn luyện bản thân theo đạo đức, phong cách của Bác để biến những lời dạy bảo, căn dặn của Bác thành hành động cụ thể. Từ đó đóng góp một cách ý nghĩa và thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là đội ngũ tiên phong trong triển khai chủ trương đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Mai Hương

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 5,323
Tổng số trong ngày: 1,767
Tổng số trong tuần: 36,896
Tổng số trong tháng: 21,963
Tổng số trong năm: 348,119
Tổng số truy cập: 4,130,724