Tăng cường hợp tác quốc tế thúc đẩy xây dựng ngành Halal Việt Nam

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Việt Nam mới bước đầu tiếp cận thị trường Halal. Nước ta có nhiều lợi về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dệt may… và là một nước hội nhập sâu tại khu vực với việc tham gia 17 FTA trong đó có các FTA thế hệ mới nhưng mức độ và hiệu quả tham gia thị trường Halal toàn cầu chưa tương xứng với tiềm năng.

Tiềm năng to lớn của thị trường Halal toàn cầu

Halal theo tiếng Ả rập có nghĩa là hợp pháp hay hợp quy (được phép) chỉ về quy chuẩn tôn giáo mang tính phù hợp về chuẩn mực và giá trị của đạo Hồi (chủ yếu ở khu vực Trung Đông - châu Phi và một số đối tác khác).

Dân số Hồi giáo có tỷ lệ gia tăng cao trên phạm vi toàn cầu từ Đông Nam Á, Nam Á đến Trung Đông - châu Phi… Người Hồi giáo hiện chiếm khoảng 24% dân số thế giới và dự báo tăng lên mức 30% năm 2050.

Nền kinh tế Halal rất đa dạng với 7 lĩnh vực chính là thực phẩm, du lịch, thời trang, dược phẩm, mỹ phẩm, tài chính Hồi giáo và truyền thông, giải trí. Riêng ngành thực phẩm Halal không chỉ về sản xuất, chế biến mà còn liên quan đến nguyên liệu, dịch vụ hậu cần… Do đó, phát triển ngành thực phẩm Halal hay lớn hơn là ngành công nghiệp Halal sẽ thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực, dịch vụ phụ trợ đi kèm.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ khắp thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo, từ các nền kinh tế phát triển đến đang phát triển, trong đó có nhiều thị trường hợp tác truyền thống của Việt Nam. Đáng chú ý, phần lớn các nhà sản xuất và cung cấp sản phẩm Halal đến từ các nước phi Hồi giáo.

Việc chi tiêu và sử dụng các sản phẩm Halal có xu hướng ngày càng tăng, không chỉ ở người Hồi giáo mà còn ở những người không theo đạo Hồi do các sản phẩm Halal đáp ứng tiêu chí môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các nền kinh tế Hồi giáo đang được cơ cấu lại theo hướng phát triển xanh, bền vững và sáng tạo để vừa ứng phó với đại dịch, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam có vị trí khá khiêm tốn trên bản đồ Halal toàn cầu

Việt Nam mới bước đầu tiếp cận thị trường Halal. Nước ta có nhiều lợi về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dệt may… và là một nước hội nhập sâu tại khu vực với việc tham gia 17 FTA trong đó có các FTA thế hệ mới nhưng mức độ và hiệu quả tham gia thị trường Halal toàn cầu chưa tương xứng với tiềm năng.

Chứng nhận Halal là một trong những nhân tố quyết định giúp doanh nghiệp ta tham gia sâu và hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu. Chứng nhận Halal và cấp chứng nhận Halal là quy trình phức tạp kết hợp tôn giáo, niềm tin và kỹ thuật. Mỗi quốc gia có tiêu chuẩn khác nhau về sản phẩm, dịch vụ Halal và thế giới chưa có quy định chung về chứng nhận Halal.

Tiêu chuẩn và chứng nhận Halal rất đa dạng, với nhiều đòi hỏi khắt khe nên chi phí doanh nghiệp bỏ ra là tương đối lớn so với xuất khẩu sản phẩm thông thường. Yêu cầu tiêu chuẩn Halal và các hàng rào kỹ thuật của một số thị trường Hồi giáo ngày càng tăng.

Quản lý Nhà nước đối với sản phẩm Halal và hoạt động chứng nhận Halal chưa thống nhất và hiệu quả. Hoạt động chứng nhận Halal ở Việt Nam còn bộc lộ những hạn chế, bất cập từ đơn vị thực hiện chứng nhận, lĩnh vực chứng nhận đến nhân sự tham gia công tác này.

Giải pháp nhằm thúc đẩy sự tham gia hiệu quả hơn của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Halal toàn cầu

Một là, cần có một Đề án tổng thể thúc đẩy ngành Halal Việt Nam, trong đó xác định rõ các lĩnh vực tiềm năng và trọng tâm để định hình toàn diện ngành Halal.

Hai là, cần xây dựng tiêu chuẩn Halal phù hợp với từng thị trường.

Ba là, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với sản phẩm Halal, hoạt động chứng nhận Halal ở Việt Nam và chuẩn hoá mô hình chứng nhận Halal.

Bốn là, thúc đẩy hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam.

Năm là, chủ động, tích cực thông tin về chính sách thương mại, văn hoá, tập quán tiêu dùng, kinh doanh … tại các thị trường Halal khu vực và thế giới.

Sáu là, các Bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng và triển khai định hướng chiến lược về ngành Halal Việt Nam, trong đó chú trọng quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Halal Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, chuyên sâu về Halal./.

Nguỵ Thu

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 10,783
Tổng số trong ngày: 1,566
Tổng số trong tuần: 39,180
Tổng số trong tháng: 24,247
Tổng số trong năm: 350,403
Tổng số truy cập: 4,133,008