Tạo sức hút và niềm tin với các nhà đầu tư Nhật Bản

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Suy giảm kinh tế thế giới, nhất là cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Trong bối cảnh đó, gần đây có một số đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đã làm việc với lãnh đạo tỉnh để tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Suy giảm kinh tế thế giới, nhất là cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Trong bối cảnh đó, gần đây có một số đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đã làm việc với lãnh đạo tỉnh để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được cải thiện. Phóng viên báo Bắc Giang đã phỏng vấn ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề này.

Buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và Tập đoàn KaioKai ( Nhật Bản), Ảnh: Trần Lan, DOFA

Xin ông cho biết, những biện pháp thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản của tỉnh?

Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang có nhiều biện pháp tích cực thu hút đầu tư từ Nhật Bản. Cụ thể như: Phối hợp với Công ty cổ phần Phát triển nhân lực và Công nghệ thông tin (ITM) thực hiện Đề án Thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản vào Bắc Giang (giai đoạn 2009 -2014) nhằm hỗ  trợ quảng bá hình ảnh của tỉnh Bắc Giang tới các nhà đầu tư Nhật Bản; hỗ trợ giới thiệu về Bắc Giang trên Website của Hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nhật Bản. Tỉnh cũng tổ chức các đoàn công tác gồm lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành đến thăm và làm việc tại Nhật Bản nhằm giới thiệu những tiềm năng, lợi thế của Bắc Giang đến các nhà đầu tư Nhật Bản. Qua những hoạt động xúc tiến đầu tư cụ thể, các doanh nghiệp Nhật Bản đã bước đầu nhận thấy tiềm năng của Bắc Giang trong việc đầu tư, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ. Thời gian tới sẽ có những hoạt động cụ thể để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh, trong đó các nhà đầu tư Nhật Bản được xác định là đối tác quan trọng.

Ông nhìn nhận như thế nào về hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Bắc Giang thời gian vừa qua?

Tính đến nay, trong số 104 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký hơn 1,8 tỷ USD trên địa bàn toàn tỉnh có 10 dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản, với tổng số vốn đăng ký 135,25 triệu USD, trong đó 7 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định. Hiện nay, tuy số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Bắc Giang chưa nhiều (đứng thứ tư về số dự án đầu tư vào Bắc Giang) nhưng với ưu thế về công nghệ, trình độ quản lý cùng với tiềm lực tài chính, các dự án đầu tư của Nhật Bản hoạt động đều có hiệu quả, doanh thu năm 2011 và 8 tháng 2012 của các dự án đạt 4.827,3 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu 214 triệu USD; giá trị nhập khẩu 193,7 triệu USD; sử dụng gần 6.500 lao động; nộp ngân sách tại tỉnh 47,6 tỷ đồng. Trong số đó phải kể đến Công ty TNHH linh kiện điện tử SANYO OPT Việt Nam, Công ty TNHH Nichirin đầu tư vào KCN Quang Châu… Có thể thấy, hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Bắc Giang đã đạt được những thành công nhất định, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp, tạo sức hút và niềm tin để ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư kinh doanh tại Bắc Giang.

Theo ông, vì sao các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm và muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Bắc Giang?

Bắc Giang nằm liền kề vùng tam giác kinh tế trọng điểm phía bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và nằm trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng nên có mối liên kết chặt chẽ và thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ tới cửa khẩu Hữu Nghị Quan; sân bay quốc tế Nội Bài; cảng Hải Phòng và cảng Cái Lân (Quảng Ninh) để tới các nước trong khối ASEAN cũng như các nước khác trên thế giới.

Mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam của Nhật Bản và UBND tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua đã không ngừng phát triển. Thông qua sự hợp tác này, hai bên đã trao đổi một số đoàn công tác, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và số lượng các nhà đầu tư Nhật Bản đến đầu tư tại Bắc Giang không ngừng tăng lên; nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản đã đến tìm hiểu và nhận thấy Bắc Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp, trong đó có lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Sau một thời gian tích cực triển khai thực hiện kế hoạch nâng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2011 Bắc Giang đã vươn lên nằm trong nhóm tốt (xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố). Những nỗ lực này đã được các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận và đánh giá cao, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản.

Với phương châm "đồng hành cùng nhà đầu tư", lãnh đạo tỉnh, các cấp chính quyền và các ngành hữu quan của tỉnh luôn cởi mở, thân thiện, nhiệt tình, có trách nhiệm cao và dành sự quan tâm đặc biệt trong thu hút đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Dây chuyền sản xuất của Công ty EXT, Ảnh: Trần Lan, DOFA 

 Làm ăn với các doanh nhân ở một đất nước có nền kinh tế lớn mạnh hàng đầu thế giới như vậy, cần phải chuẩn bị những gì, thưa ông?

Nhật Bản là nước phát triển công nghiệp hàng đầu với nhiều sản phẩm nổi tiếng trên thế giới như ô tô, xe máy, ti vi, máy ảnh, máy tính... Những sản phẩm đó được tạo nên bởi hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa chế tạo ra các chi tiết, linh kiện.

Mặc dù Chính phủ Nhật Bản rất quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng các nhà đầu tư mới là người đưa ra quyết định chọn lựa địa điểm đầu tư chứ không phải chính phủ. Có thể xem họ là nhà đầu tư "khó tính" bởi khi hợp tác làm ăn, họ cần đối tác cam kết một môi trường pháp lý hoàn chỉnh, chính quyền địa phương nhiệt tình, có trách nhiệm cao. Khi nguồn lực không quá nhiều, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản tìm kiếm địa điểm đầu tư ở Việt Nam bao giờ cũng  hướng vào các khu công nghiệp bởi họ thường không có đủ khả năng tài chính để mua quyền sử dụng đất xây dựng cơ sở sản xuất. Chính vì vậy, các khu công nghiệp có điều kiện sẵn về mặt bằng, cơ sở vật chất, nhà xưởng được coi là lựa chọn phù hợp (mô hình khu công nghiệp - đô thị). Các nhà đầu tư Nhật Bản rất thận trọng và nghiêm túc, họ có những suy nghĩ và mối quan tâm rất đặc thù về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực biết tiếng Nhật; giá thuê đất, phí sử dụng hạ tầng trong các khu công nghiệp; hạ tầng và chất lượng cung cấp điện, nước; đường truyền Internet và viễn thông; hạ tầng giao thông đến các khu công nghiệp của tỉnh khác và các trung tâm vận chuyển logistic; sự bảo đảm an toàn cho đầu tư bằng sự hiện diện của một yếu tố Nhật Bản, như: con người, doanh nghiệp hoặc đơn giản là chuyên gia nói tiếng Nhật; dịch vụ sau đầu tư giúp hoạt động kinh doanh hiệu quả chứ không chỉ đơn thuần là ưu đãi về thuế...

Một buổi làm việc với các Doanh nghiệp Nhật Bản tại BQL các KCN tỉnh, Ảnh: Trần Lan, DOFA

Như vậy, để có được thành công trong hợp tác làm ăn với các đối tác Nhật Bản, chúng ta cần dựa vào "Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản". Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn lớn của Nhật Bản vào đầu tư thì cũng cần dành sự quan tâm thích đáng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa vì nó phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế và góp phần giải quyết vấn đề lao động ở nước ta. Cần có các giải pháp thích hợp để đáp ứng những yêu cầu và mối quan tâm đặc thù của các nhà đầu tư Nhật Bản. Các doanh nghiệp trong tỉnh muốn liên doanh, liên kết cần phải bỏ nhiều công sức tìm hiểu đối tác, nắm bắt công nghệ và cách quản lý, điều hành của các công ty Nhật, bên cạnh đó là đầu tư thiết bị, nhà xưởng, cải tạo điều kiện làm việc, áp dụng các tiêu chuẩn ISO...

Xin cảm ơn ông!

Một số giải pháp thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Xác định tầm nhìn và quy hoạch: Đây là vấn đề cốt lõi định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Trên cơ sở quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, phân tích các lợi thế so sánh của địa phương để xác định có thu hút phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh hay không. Khi đã xác định nhu cầu cần thiết phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, nên rà soát lại quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Từ đó căn cứ vào yêu cầu của các nhà đầu tư để xác định bố trí quy hoạch khu công nghiệp dành riêng cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. Vị trí quy hoạch cần thỏa mãn nhu cầu xây dựng khu công nghiệp kết hợp với đô thị mới.

Chuẩn bị các điều kiện về môi trường pháp lý và nhân lực: Nghiên cứu các chính sách khuyến khích, ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ của Nhà nước, vận dụng có hiệu quả vào điều kiện của tỉnh, xây dựng các chính sách khuyến khích, ưu đãi riêng nhưng không trái với quy định của pháp luật. Chú trọng đào tạo các nghề lao động kỹ thuật liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ (cơ khí, điện, điện tử, hàn, cắt gọt kim loại, công nghệ thông tin…) để đạt được trình độ các doanh nghiệp Nhật Bản yêu cầu. Đặc biệt là đào tạo tiếng Nhật cho lực lượng lao động; am hiểu, ứng xử và tôn trọng văn hóa, tác phong kỷ luật lao động của người Nhật.

Chuẩn bị các điều kiện về cơ sở hạ tầng: Trên cơ sở quy hoạch khu, cụm công nghiệp dành riêng cho công nghiệp hỗ trợ, bố trí nguồn lực và tiến hành đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu ngoài hàng rào. Đồng thời kêu gọi thu hút các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp - đô thị đồng bộ. Việc xây dựng loại khu công nghiệp - đô thị này nên kêu gọi các nhà đầu tư hạ tầng từ Nhật Bản góp vốn và nên thuê các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp từ Nhật Bản.

Tăng cường hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư: Khi đã chuẩn bị cơ bản các điều kiện, cần tiến hành đồng bộ các biện pháp xúc tiến đầu tư tại thị trường Nhật Bản. Có thể mở văn phòng giao dịch tại Nhật Bản để cung cấp thông tin và giải quyết ngay các thủ tục đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tận dụng sự giúp đỡ của các tổ chức xúc tiến đầu tư của Nhật Bản như JICA, JETRO… và tham tán kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản để quảng bá hình ảnh của tỉnh. Tăng cường công tác đối ngoại nhân dân nhằm nâng cao tình đoàn kết, hợp tác hữu nghị giữa các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và nhân dân trong tỉnh với các tổ chức và nhân dân Nhật Bản để các nhà đầu tư Nhật Bản cảm thấy tin tưởng, gần gũi, gắn bó và yên tâm khi đầu tư tại địa phương.

                                                                                                                                                                Kim Hiếu
                                                                                                                                                               (thực hiện)

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 8,437
Tổng số trong ngày: 817
Tổng số trong tuần: 816
Tổng số trong tháng: 46,713
Tổng số trong năm: 495,000
Tổng số truy cập: 4,277,605