Tình hình phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2015

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011-2015 trong điều kiện kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu và chịu những tác động lớn của nền kinh tế thế giới, với tinh thần nỗ lực, chủ động, sáng tạo; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đạt nhiều kết quả quan trọng, cụ thể như sau

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011-2015 trong điều kiện kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu và chịu những tác động lớn của nền kinh tế thế giới, với tinh thần nỗ lực, chủ động, sáng tạo; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đạt nhiều kết quả quan trọng, cụ thể như sau:

I. Về phát triển kinh tế

1. Tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh  (GRDP) đạt mức cao hơn cả nước, bình quân giai đoạn 2011-2015 ước đạt 9,4%/năm, trong đó, công nghiệp - xây dựng đạt 16,4% (công nghiệp tăng 19,8%, xây dựng tăng 7,7%), dịch vụ đạt 6,7%, nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 3,6%. GRDP bình quân/người tiếp tục được rút ngắn so với bình quân cả nước, năm 2015 ước đạt 1.530USD, tăng 820USD so với năm 2010.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, ước năm 2015, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 39,5%, dịch vụ chiếm 36,5%, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 24% trong cơ cấu kinh tế. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng tỷ  trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm lao động trong lĩnh vực trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ở mức khá, bình quân đạt 29,2%/năm, vượt kế hoạch; trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 45,4%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 10,5%, khu vực quốc doanh tăng 14,6%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân đạt 19,8%/năm, đóng góp 5,2 điểm phần trăm vào tăng trưởng của tỉnh, cơ cấu công nghiệp trong nền kinh tế tăng từ 21,3% năm 2010 lên 30% năm 2015.

Trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp, tỷ trọng khu vực FDI tăng lên, khu vực ngoài quốc doanh và khu vực nhà nước chiếm tỷ trọng ngày càng giảm. Phát triển thêm một số sản phẩm mới có khả năng phát triển thành sản phẩm chủ lực của tỉnh như điện, điện tử, máy tính và phụ kiện , bước đầu hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ.

Đến nay toàn tỉnh quy hoạch 5 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu đang hoạt động vớí với tổng diện tích quy hoạch là 1.112 ha. Các KCN có 188 dự án đang hoạt động với diện tích sử dụng là 279 ha đất công nghiệp, bằng 37,7% đất công nghiệp theo quy hoạch; trong đó có 102 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1.851 triệu USD và 86 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 4.389 tỷ đồng. Vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư quy đổi đạt 18.638 tỷ đồng bằng 43% tổng vốn đầu tư đăng ký.  Hình thành 27 cụm công nghiệp, đã thu hút được 233 dự án, trong đó đã có 160 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

 Trên địa bàn tỉnh hiện có 435 làng có nghề, trong đó có 39 làng nghề đạt tiêu chí quy định (trong đó có 14 làng nghề truyền thống). Một số làng nghề duy trì và phát triển tốt như làng nghề mây tre đan Tăng Tiến, rượu làng Vân,mỳ Thủ Dương, Bánh đa Kế, mộc Lãng Sơn…

3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản và xây dựng nông thôn mới

Giá trị sản xuất năm 2015 (giá 2010) ước đạt 17.720 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 5,2%/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng lĩnh vực nông, lâm nghiệp,  thủy sản đạt 3,6%/năm, đóng góp 0,9 điểm phần trăm vào tăng trưởng của tỉnh, tỷ trọng lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong cơ cấu kinh tế giảm từ 28,3% năm 2010 xuống 24% năm 2015.

Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 4,7%/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân đạt 3,1%/năm, cơ cấu nông nghiệp trong nền kinh tế giảm từ 26,4% năm 2010 xuống 21,9% năm 2015, cơ cấu trong nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt. Phát triển được một số sản phẩm chủ lực của tỉnh có thương hiệu vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, vải sớm Phúc Hòa, lúa thơm Yên Dũng…Hình thành một số vùng sản xuất tập trung sản phẩm hàng hóa có giá trị như rau chế biến, cây ăn quả. Quy mô sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tăng lên; tạo được mối liên kết giữa “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

Cơ cấu ngành chăn nuôi chuyển dịch theo hướng tăng đàn gia cầm và đàn lợn, giảm đàn trâu, bò. Phát triển các hình thức chăn nuôi gia trại, trang trại theo quy trình an toàn sinh học. Ước hết năm 2015, đàn lợn có khoảng 1,21 triệu con, đàn gia cầm khoảng 17 triệu con.

Nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh cao, bán thâm canh. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2015 ước khoảng 12.200 ha, sản lượng ước đạt 30 nghìn tấn. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân 10,8%/năm; cơ cấu thủy sản trong nền kinh tế tăng từ 1,1% năm 2010 lên 1,3% năm 2015.

Tổng diện tích rừng năm 2015 là 135.035 ha (giảm 25.200 ha so với năm 2010, trong đó rừng sản xuất giảm 24.560 ha), trong đó diện tích rừng phòng hộ 16.364 ha, rừng đặc dụng 12.780 ha, rừng sản xuất 105.870 ha. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân 5,9%/năm, cơ cấu lâm nghiệp trong nền kinh tế cơ bản không thay đổi năm 2015 chiếm 0,7%. Diện tích trồng rừng tập trung giai đoạn 2011-2015 ước đạt 29 nghìn ha, trong đó, diện tích rừng gỗ lớn khoảng 5.460 ha.

Qua 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM), phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM đã huy động được nhiều nguồn lực trong cộng đồng dân cư để phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn. Đến nay đã có 100% số xã hoàn thành quy hoạch. Ước đến hết năm 2015 có 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 16,3% số xã.

4. Dịch vụ

Giá trị sản xuất năm 2015 (giá 2010) ước đạt 19.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 6,7%/năm, đóng góp 2,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng của tỉnh. Tiếp tục phát triển theo hướng đa dạng hóa các loại hình dịch vụ.

Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 100 dự án thuộc lĩnh vực thương mại,  dịch vụ, trong đó có một số dự án lớn như Dự án đầu tư xây dựng Sân Golf, dịch vụ Yên Dũng; Dự án Tổ hợp Khách sạn Mường Thanh Bắc Giang, siêu thị BigC, siêu thị Co.opmart,...

Kim ngạch xuất khẩu có mức tăng trưởng vượt bậc. Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2015 ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 51%/năm, bằng 8,6 lần so với năm 2010.

 Trên địa bàn tỉnh có 26 chi nhánh ngân hàng thương mại với 64 phòng giao dịch; 20 quỹ tín dụng nhân dân. Tăng trưởng tín dụng giai đoạn tăng bình quân 15,8%/năm. Tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại  trên địa bàn năm 2015 ước đạt 24.265 tỷ đồng.

Công tác phát triển du lịch có chuyển biến như xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, đề án, đầu tư xây dựng hạ tầng, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; liên kết xây dựng các tour, tuyến du lịch. Tốc độ tăng bình quân đạt 23,5%/năm, doanh thu ước đạt 262 tỷ đồng, tăng 37%/năm.

Hạ tầng bưu chính viễn thông ngày càng được hoàn thiện: 100% các xã, phường, thị trấn được phủ sóng thông tin di động, truy cập được Internet; toàn tỉnh có 838 trạm thu phát sóng thông tin di động; mạng cáp quang đến tận xã.

Dịch vụ giao thông vận tải phát triển nhanh, nhiều tuyến xe buýt nội tỉnh, liên tỉnh được đưa vào hoạt động. Khối lượng luân chuyển hành khách tăng bình quân 5,9%/năm; khối lượng luân chuyển hàng hóa tăng 12,8%/năm, cơ cấu giá trị gia tăng chiếm khoảng 10% trong cơ cấu lĩnh vực dịch vụ.

5. Thu, chi ngân sách

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2015 ước đạt 3.105 tỷ đồng, tăng 651 tỷ đồng so với năm 2010; thu nội địa không tính thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất, xổ số kiến thiết đạt 1.960 tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm 2010, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 17,4%/năm. Tổng chi ngân sách năm 2015 ước đạt 8.786 tỷ đồng.

6. Thu hút đầu tư; phát triển các thành phần kinh tế

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2011-2015 ước đạt trên 107 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 24,9%. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý, vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay tín dụng ưu đãi) chiếm 15,3%; vốn đầu tư nước ngoài chiếm 18%; vốn đầu tư của các doanh nghiệp chiếm 22,2%; vốn đầu tư khu vực dân cư chiếm và doanh nghiệp tư nhân 44,5%.

Từ năm 2011 đến nay, đã thu hút được 203 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 11.649 tỷ đồng, 98 dự án FDI, vốn đăng ký 1.622,9 triệu USD (trong đó, các KCN thu hút được 22 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 1.059 tỷ đồng, 69 dự án FDI, vốn đăng ký đạt 1.462,36 triệu USD). Quy mô vốn đầu tư của các dự án đầu tư trong nước bình quân đạt 57,4 tỷ đồng/1 dự án, các dự án FDI đạt đạt 16,5 triệu USD/1 dự án. Ước vốn thực hiện cả giai đoạn của các dự án đầu tư trong nước đạt 16.880 tỷ đồng, các dự án FDI đạt 19.420 tỷ đồng (92 triệu USD). Theo lĩnh vực, số dự án thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp chiếm 62,8%, lĩnh vực dịch vụ chiếm 33,2%, lĩnh vực nông nghiệp chiếm 4%.

Tỉnh đã quan tâm thu hút nguồn vốn ODA, NGOs để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, điện, nước sạch và vệ sinh môi trường, các lĩnh vực giáo dục, y tế, tăng cường năng lực quản lý cho các cấp tại địa phương.

Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.451 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng vốn đăng ký 11,1 nghìn tỷ đồng và 206 chi nhánh văn phòng đại diện.

II. Văn hóa, xã hội, đối ngoại

1. Giáo dục, đào tạo

Toàn tỉnh hiện có 838 cơ sở giáo dục và đào tạo với trên 384 nghìn học sinh, sinh viên theo học. 100% cán bộ quản lý các trường học có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn.Ước đến năm 2015 tỷ lệ kiên cố hoá trường lớp học toàn tỉnh đạt 85%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 80%.  Phổ cập giáo dục giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 và phổ cập THCS được duy trì vững chắc. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp bậc THPT hàng năm đều đạt trên 90%; mỗi năm có trên 10.000 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.

Hiện trên địa bàn đã có 01 trường Đại học, 04 trường Cao đẳng, 13 trường Trung cấp và 93 cơ sở dạy nghề, trong đó có Trường Cao đẳng Công nghệ nghề Việt Hàn được Trung ương lựa chọn đầu tư thành một trong những trường nghề chất lượng cao của cả nước. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt được một số kết quả tích cực, góp phần giúp lao động nông thôn tạo việc làm mới, chuyển đổi việc làm.

2. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân

Toàn tỉnh hiện có 7 bệnh viện công lập đa khoa và chuyên khoa cấp tỉnh, 02 bệnh viện tư nhân, 09 bệnh viện đa khoa huyện, thành phố, 03 phòng khám đa khoa khu vực, 100% các xã, phường, thị trấn có trạm y tế và 232 phòng khám và cơ sở dịch vụ tư nhân. Hàng năm thực hiện khám bệnh cho trên 3 triệu lượt người; số giường bệnh viện/1 vạn dân năm 2014 là 20,2; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã năm 2014 đạt 69,6%.

Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ hàng năm đạt trên 98%. Duy trì kết quả thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 19,5% năm 2010 xuống dưới 15% năm 2015.

Chính sách hỗ trợ BHYT được mở rộng cả về diện và đối tượng, tỷ lệ bao phủ BHYT tăng từ 52,2% năm 2010 lên 68% năm 2014, năm 2015 ước đạt 70%.

3. Sự nghiệp văn hoá, thể thao, thông tin và truyền thông

Công tác phát triển văn hoá được quan tâm chỉ đạo, nổi bật là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Năm 2014, tỷ lệ hộ được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa" đạt 82%; tỷ lệ làng, bản, khu phố được công nhận danh hiệu văn hóa ước đạt 60%.

Lễ hội truyền thống được bảo tồn và phát huy. Bên cạnh giá trị văn hóa đã được công nhận như Dân ca Quan họ, Ca trù... một số giá trị văn hóa tiếp tục được tôn vinh như: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Di tích những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế được công nhận là di sản Quốc gia đặc biệt.

Phong trào thể dục, thể thao phát triển mạnh. Trong giai đoạn 2011-2014, các đoàn thể thao Bắc Giang đã tham gia trên 140 giải trong nước và quốc tế, giành được 447 huy chương các loại (trong đó có 121 HCV).

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 cơ quan báo chí của tỉnh và 3 cơ quan thường trú báo Trung ương hoạt động; trên 300 Trang thông tin điện tử của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp; 10 Đài truyền thanh cấp huyện; 216 Đài truyền thanh cấp xã hoạt động có tính chất báo chí và trên 30 các sở, ngành có xuất bản Bản tin.

4. Các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân

Công tác giảm nghèo bền vững được tập trung chỉ đạo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,6% năm 2010 xuống còn khoảng 9% năm 2014, năm 2015 ước còn khoảng 8%.

Trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh ước giải quyết việc làm cho trên 136,6 nghìn lao động (bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 27 nghìn lao động), trong đó xuất khẩu lao động trên 19,8 nghìn người.

5. Công tác đối ngoại

Công tác đối ngoại được quan tâm. Tăng cường thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh, chính sách và môi trường đầu tư của địa phương nhằm cải thiện và đổi mới cả về nội dung và hình thức. Chú trọng thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác cấp địa phương với một số nước có quan hệ truyền thống và quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam; làm việc với các tổ chức quốc tế và cơ quan đại diện ngoại giao các nước tại Việt Nam. Quan tâm thực hiện công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đến tỉnh tìm hiểu, tìm kiếm cơ hội đầu tư.

III. Tài nguyên, môi trường và khoa học công nghệ

1. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường

Tổ chức triển khai, phổ biến Luật Đất đai năm 2013 mới đến 100% các huyện, thành phố, tập trung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã cấp trên 100.000 giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu cho hộ gia đình cá nhân, cấp 5.000 giấy cho trên 2000 tổ chức.

Tăng cường quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn; nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học. Triển khai 04 dự án xử lý nước thải bệnh viện, nhà máy xử lý nước thải KCN Quang Châu, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề Vân Hà, Kho Kép... Triển khai nhiều mô hình thu gom xử lý chất thải. Đến năm 2015, tỷ lệ rác thải được thu gom khu vực đô thị 94,7%.

2. Khoa học và công nghệ

Hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Giai đoạn 2011-2014, đã triển khai 22 dự án cấp nhà nước, 69 đề tài, dự án cấp tỉnh; thẩm định công nghệ 09 dự án đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ cho 01 doanh nghiệp; cấp Giấy chứng nhận thành lập 02 doanh nghiệp khoa học - công nghệ. Triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO vào hoạt động cơ quan hành chính nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và có sản phẩm chứng nhận hợp chuẩn.

IV. Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, phát triển đô thị

UBND tỉnh đã tranh thủ huy động mọi nguồn lực từ ngân sách các cấp dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Ước đến hết năm 2015 đã huy động vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ đạt 17.710 tỷ đồng, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

1. Giao thông

Đã đầu tư trên 7.640 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước, tập trung vào đường tỉnh, các công trình huyết mạch, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện đầu tư một số dự án lớn, tạo không gian phát triển kinh tế - xã hội mới như: Đường tỉnh 293, cầu Đông Xuyên và đường dẫn lên cầu; đường tỉnh 398 đoạn Tiền Phong - Đồng Việt, đường tỉnh 398B; khởi công xây dự án đường tỉnh 295B… Trong giai đoạn 2011-2015, đã cải tạo nâng cấp cứng hóa được 240 km đường huyện, 695 km đường liên xã, trục xã, 654 km đường thôn, bản, nâng tỷ tỷ lệ cứng hóa đường huyện từ 50% năm 2010 lên 81%, đường xã từ 21,5% lên 49,5%, đường thôn bản từ 52,5% lên 66,6% năm 2015.

2. Hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp

Huy động khoảng 235 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước xây dựng  hạ tầng các khu công nghiệp: Quang Châu, Vân Trung, Song Khê - Nội Hoàng; hỗ trợ đầu tư hạ tầng 07 cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng đường ngoài hàng rào, hệ thống cấp thoát nước với một số dự án như: Dự án Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Quang Châu, Cải tạo nâng cấp trạm bơm Trúc Tay phục vụ tiêu thoát nước Khu công nghiệp, cải tạo hệ thống điện...

3. Hạ tầng phục vụ nông nghiệp

 Đã đầu tư khoảng 3.517 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước để cải tạo, xây dựng các trạm bơm, cải tạo 38 hồ, đập với dung tích chứa khoảng 15 triệu m3 nước, kiên cố hóa 2.527 km kênh mương các loại, tu bổ thường xuyên, xử lý đột xuất sự cố hệ thống đê; hỗ trợ đầu tư hạ tầng nuôi thuỷ sản. Tổng diện tích tưới tiêu chủ động cho khoảng trên 81,5 nghìn ha đất, bằng 18% diện tích nông nghiệp.

4. Hạ tầng giáo dục và đào tạo

Đã đầu tư trên 1.007 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, xây mới 1.346 phòng học, tỷ lệ kiên cố hóa nằm 2015 đạt 85%. Đầu tư xây mới 5 nhà đa năng của 5 Trung tâm giáo dục thường xuyên, dạy nghề; xây dựng ký túc xá, nhà ăn của 5 trường Dân tộc nội trú.

5. Hạ tầng y tế

Đầu tư trên 1.219 tỷ đồng cải tạo nâng cấp và xây dựng mới các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện như: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, các Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, huyện và một số công trình khác. Đầu tư gần 400 chủng loại trang thiết bị y tế, triển khai được một số kỹ thuật mới tại các bệnh viện như X Quang cắt lớp, phẫu thuật sọ não, thận...

6. Công trình công cộng, đô thị, trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước

Đầu tư 2.193 tỷ đồng xây dựng công trình như: Dự án Hội trường đa năng, Nhà liên cơ quan tỉnh, Trụ sở làm việc các đơn vị sự nghiệp của sở, ngành,... chỉnh trang làm cho bộ mặt đô thị khang trang, sáng, xanh, sạch đẹp. Đến nay, toàn tỉnh có 17 đô thị. Trong đó, thành phố Bắc Giang đã được công nhận là đô thị loại II; thị trấn Chũ và thị trấn Thắng mở rộng đạt tiêu chuẩn loại IV.

V. Công tác nội chính

1. Công tác cải cách hành chính

UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thống kê, rà soát, đơn giản các thủ tục hành chính giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, từng bước tạo sự thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; Thực hiện công khai 100% các thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử của tỉnh. Duy trì thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, đổi mới lề lối làm việc, quản lý, điều hành; nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong thi hành công vụ.

2. Quốc phòng, an ninh

Việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh được thực hiện tốt. Thường xuyên nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kịp thời xử lý các tình huống đột xuất về an ninh trật tự, giải quyết các điểm mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân. Tích cực phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, bài trừ các tệ nạn xã hội.

3. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chuyển biến tích cực; các vụ việc được xem xét, giải quyết kịp thời, chất lượng giải quyết ngày một nâng lên; Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh tiếp 33.271 lượt người đến phản ánh, đề nghị giải quyết 32.148 lượt vụ việc; tiếp nhận, thụ lý, xem xét giải quyết 10.843 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đề nghị; đã giải quyết xong 10.679 đơn, đạt tỷ lệ 98,5%.

Công tác thanh tra, đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tập trung chỉ đạo. Từ năm 2011 đến nay đã tổ chức 321 cuộc thanh tra hành chính; 224 cuộc thanh tra trách nhiệm thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; 426 cuộc thanh tra chuyên ngành,kiến nghị xử lý 196,5 tỷ đồng và 2.111 ngàn m2 đất các loại; đã kiến nghị thu hồi 55,3 tỷ đồng và 795 ngàn m2 đất; kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý bằng biện pháp tài chính khác 141,2 tỷ đồng và 1.316 ngàn m2 đất theo đúng quy định; ban hành 2.644 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7,1 tỷ đồng; kiến nghị xử lý 107 tập thể, 603 cá nhân có sai phạm trong công tác quản lý.

Phòng Văn hóa, Lễ Tân và Báo chí (tổng hợp)

Nguồn: Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Bắc Giang 5 năm giai đoạn 2016-2020

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 6,757
Tổng số trong ngày: 1,401
Tổng số trong tuần: 1,400
Tổng số trong tháng: 75,882
Tổng số trong năm: 312,623
Tổng số truy cập: 4,095,228