Tinh hoa di sản ở Bắc Giang

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Trong số những di sản của cả nước, Bắc Giang vinh dự đóng góp nhiều di sản cấp quốc gia, quốc tế. Đó là niềm tự hào nhưng cũng đặt ra trọng trách bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc biệt này.

Trong số những di sản của cả nước, Bắc Giang vinh dự đóng góp nhiều di sản cấp quốc gia, quốc tế. Đó là niềm tự hào nhưng cũng đặt ra trọng trách bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc biệt này.

Nét duyên quan họ

Những làn điệu dân ca quan họ không chỉ là niềm tự hào, vốn riêng của người dân Kinh Bắc, mà còn là niềm kiêu hãnh, nét đẹp văn hóa rất riêng của người Việt Nam. Năm 2009, dân ca quan họ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong số 49 làng quan họ cổ được UNESCO vinh danh năm 2009, tỉnh Bắc Giang có 5 làng thuộc huyện Việt Yên gồm: Nội Ninh, Giá Sơn, Hữu Nghi, Mai Vũ (xã Ninh Sơn) và Sen Hồ (thị trấn Nếnh). Ngoài ra còn những làng quan họ cổ tiêu biểu khác như: Trung Đồng, Thổ Hà… Nói đến quan họ là nói đến lối chơi có quy củ, nền nếp, buộc người hát phải tuân thủ theo luật gồm nhiều thể loại: hát đối, hát giao duyên, hát canh, hát kết chạ, hát lễ hội, hát mời nước, mời trầu… Ngoài ra, quan họ còn có lối hát tự do, ngẫu hứng thể hiện sự phóng khoáng trong những canh hát ngày xuân. Người quan họ thường mời nhau đến làng mình dự hội để cùng khoe sắc, đua tài và ca những làn điệu mượt mà, đằm thắm. Tương truyền xưa kia, các Vua nhà Lý thường đi thuyền du xuân, vãn cảnh và không quên đến đình Thổ Hà, uống rượu làng Vân, nghe hát quan họ và ca trù.

Một thời vang bóng ca trù

Bắc Giang là một trong 15 tỉnh, thành phố của cả nước được UNESCO công nhận có di sản ca trù cần được bảo vệ khẩn cấp. Xưa kia ca trù thường được biểu diễn tại đình làng, trong dịp hội xuân với nhịp phách, tiếng đàn Đáy cùng lời ca luyến láy ngân nga. Dấu tích tiêu biểu minh chứng ca trù hiện diện trên đất Bắc Giang lâu đời là tấm bia đá dựng năm Chính Hòa thứ 14 (1693) tại đình làng Thổ Hà (Việt Yên) ghi việc đổi lệ hát ca trù. Ngoài ra, căn cứ vào bức phù điêu hình cô gái gảy đàn Đáy (loại đàn chuyên dùng để hát ca trù) tại đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hoà), các nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định đây là nơi có dấu ấn hát ca trù từ vài thế kỷ trước. Ngoài ra, các địa phương như: Tân Yên, Yên Dũng, TP Bắc Giang, Việt Yên, Lạng Giang là nơi có truyền thống hát ca trù. Đến nửa đầu thế kỷ XX, ca trù có chỗ đứng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần người dân vùng Nam Ngạn, xã Quang Châu, huyện Việt Yên và Phủ Lạng Thương. Nơi đây từng có các "phố Cô Đầu" hay còn gọi là "Ả Đào" chuyên hát ca trù, thu hút đông  đảo người đến thưởng thức. Những năm cuối thế kỷ XX, nghệ thuật ca trù đứng trước nguy cơ mai một do sự phát triển các loại hình văn hóa giải trí hiện đại lấn át. Hiện nay nghệ thuật ca trù vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt và đang dần được khôi phục.

 

Trình diễn ca trù

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm với số lượng 3.050 mộc bản khắc ngược (âm bản) bằng chữ Hán, Nôm trên gỗ thị thuộc nhiều thời gian khác nhau (từ thế kỷ XVII-XIX). Đó là các kinh, sách, luật giới nhà Phật và trước tác (thơ, phú, nhật ký…) của một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm. Đặc biệt là cuốn mộc bản "Thiền tông bản hạnh" được Hội thảo bảo tồn di sản chữ Nôm (The Vietnammese Nôm Preservation Foundation, USA) lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode (ký hiệu NomNaTongLight.ttf) và được cài đặt vào máy tính trên toàn thế giới. Một trong những điểm khác biệt của mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là dùng cả chữ Hán và chữ Nôm trong khi mộc bản của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc chỉ dùng chữ Hán. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm giúp người đời sau hiểu chính xác và đầy đủ về lịch sử Phật giáo Việt Nam, Thiền phái Trúc Lâm, thân thế, sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông và các danh nhân lịch sử văn hóa của đất nước, lịch sử nghề khắc in mộc bản, tư tưởng, văn hóa… Với tính xác thực, độc đáo, độc bản, quý hiếm và ảnh hưởng rộng ở tầm khu vực, quốc tế, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm vừa được công nhận là di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 

Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm



Chứng tích của tinh thần thượng võ, lòng yêu nước

Khởi nghĩa Yên Thế nổ ra năm 1884 tại Bắc Giang rồi lan rộng ra một số tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và một phần Lạng Sơn. Trải qua thời gian, những dấu tích, địa điểm lịch sử về cuộc khởi nghĩa này còn khá đậm nét trên vùng đất Bắc Giang. Hầu hết là những đồn lũy, đình, đền, chùa, miếu trải rộng trên địa bàn bốn huyện (Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên và Yên Dũng) là nơi nuôi dưỡng, che chở cho nghĩa quân của người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám kéo dài gần 30 năm (1884-1913). Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế với 41 điểm trong đó đã có 15 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và 16 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Nhiều điểm di tích còn ghi dấu ấn một thời oanh liệt của đội quân áo vải với tinh thần thượng võ, lòng yêu nước, khát vọng tự do - truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Để ghi nhận và tôn vinh những ý nghĩa, giá trị độc đáo đó, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với 23 điểm thuộc khu di tích này.


Lịch sử đi qua để lại cho vùng đất Bắc Giang những tinh hoa di sản văn hóa độc đáo và hấp dẫn. Vượt qua thời gian cùng những tác động của ngoại cảnh, những di sản đó tồn tại đến ngày nay là minh chứng cho nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam cũng như khơi dậy tinh thần thượng võ, yêu nước của người dân đất Việt. Những giá trị quý báu ấy tiếp tục được các cấp, các ngành và mỗi người dân nâng niu, bảo tồn và phát huy.


Bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Các di sản được tôn vinh mới chỉ là một mặt của vấn đề, điều quan  trọng là bảo tồn và phát huy cao nhất các giá trị của di sản đó ra sao. Việc ứng xử với các di sản sau vinh danh để không ngừng bảo tồn và phát huy giá trị được nhiều nhà quản lý quan tâm.


Ông Ngô Văn Trụ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Nâng cao nhận thức về các giá trị của di sản

Để phát huy những giá trị của di sản thì điều quan trọng là các cấp, ngành và mỗi người dân phải hiểu về những giá trị lớn lao, ý nghĩa của từng di sản sau đó mới tự giác hành động thiết thực để bảo tồn và phát huy. Vì vậy, việc tuyên truyền về những giá trị to lớn của các di sản trên đất Bắc Giang phải được đặt lên hàng đầu. Ngay từ bây giờ, nhiệm vụ tuyên truyền đó không phải riêng của ngành văn hoá, các cơ quan truyền thông đại chúng mà là của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và mỗi người dân Bắc Giang. Thực tế ở một số tỉnh đã đưa việc tuyên truyền về những di sản, bảo tồn di sản cho học sinh trong các nhà trường rất hiệu quả vì đây là đối tượng đông đảo và là những chủ nhân tương lai của di sản. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa đến với bạn bè trong và ngoài nước.


Ông Lê Trí Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế: Xã hội hoá công tác bảo tồn

Bắc Giang thật vinh dự khi có nhiều di sản văn hóa tiêu biểu được thế giới biết đến. Tuy nhiên, sau khi tôn vinh sẽ là vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản sao cho hiệu quả, từ đó góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người Bắc Giang đến đông đảo du khách trong và ngoài nước. Để làm được điều đó, trước mắt ngành chức năng và các địa phương cần ưu tiên đầu tư kinh phí cho các hoạt động bảo tồn di sản, tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đồng thời tăng cường quản lý, bảo vệ di sản. Ngoài ra, ngành chức năng cần có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, tuyên truyền, nghiên cứu khoa học để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ di sản theo công ước quốc tế và Luật Di sản văn hóa. Những việc làm này phải cẩn trọng tránh tình trạng thay vì bảo tồn, phát huy giá trị đích thực vốn có thì lại phá hỏng, làm mất đi giá trị.


Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh: Cần có chương trình, kế hoạch hành động

Không phải ai cũng có thể hiểu bản chất của bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản. Khi di sản được công nhận đều có những tiêu chí rõ ràng. Những quốc gia, địa phương may mắn có di sản phải đưa ra được một chương trình hành động thiết thực, liên tục để gìn giữ, kế thừa và phát huy di sản theo hướng ổn định, bền vững. Nếu sau một thời gian nhất định nào đó, những tiêu chí giúp công nhận  không còn đi theo hướng đã cam kết ban đầu, người ta đưa ra lời cảnh báo nhưng không được hồi đáp theo hướng tích cực thì danh hiệu có thể bị tước có thời hạn hoặc vĩnh viễn. Vì vậy chúng ta cần sớm có và cụ thể hoá các chương trình, kế hoạch hành động đối với từng di sản. Mỗi di sản có cách ứng xử cho phù hợp.

 

Theo: Báo Bắc Giang

 

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 6,746
Tổng số trong ngày: 879
Tổng số trong tuần: 878
Tổng số trong tháng: 50,910
Tổng số trong năm: 377,066
Tổng số truy cập: 4,159,671