Tọa đàm về phát triển trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản giữa tỉnh Bắc Giang và tỉnh Xay Sổm Bun

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 10-2, Sở Ngoại vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tọa đàm về “Giải pháp phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản giữa tỉnh Bắc Giang và tỉnh Xay Sổm Bun”.

Tham dự Toạ đàm có lãnh đạo các sở, ngành: Ngoại vụ, NN&PTNT,  Công Thương, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ và một số hộ nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang. Về phía tỉnh Xay Sổm Bun có đồng chí Bun-thon Păn-kẹo, Phó Giám đốc Sở Nông lâm và các cán bộ, nông dân tiêu biểu của tỉnh.

Quang cảnh buổi Toạ đàm 

Tại buổi Toạ đàm, đồng chí Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ bày tỏ vui mừng và phấn khởi được đón tiếp và làm việc với đoàn công tác. Đồng thời đã giới thiệu thông tin khái quát về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đến đoàn công tác. Sau khi ký Thỏa thuận hợp tác giữa 2 tỉnh, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 481/KH-UBND ngày 25/8/2022 thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Bắc Giang và Chính quyền tỉnh Xay Sổm Bun (Lào) giai đoạn 2021-2025, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, cơ quan, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện Thỏa thuận hợp tác. Hai tỉnh đã có 2 cuộc trao đổi đoàn cấp cao trong năm 2022 và 01 đoàn công tác của tỉnh Bắc Giang gồm một số sở, ngành của tỉnh đã tới khảo sát tại tỉnh Xay Sổm Bun nhằm tìm hiểu, khảo sát thực tế. Buổi tọa đàm này nằm trong kế hoạch hợp tác giữa hai tỉnh.

Phát biểu tại Toạ đàm, đồng chí Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đã thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, trở thành điểm sáng trong bức tranh chung của nông nghiệp cả nước, hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn với từng địa phương như: Vải thiều lục Ngạn, Lúa thơm Yên Dũng, Lạc Giống Tân Yên, Na Lục Nam, Gà Yên Thế.... Nhiều sản phẩm nông nghiệp nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về quy mô. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, giá trị sản xuất/1ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 135 triệu đồng/ha; thu nhập và điều kiện sống người dân khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,81%. Nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. Hiện tỉnh đã có 205 sản phẩm OCOP (31 sản phẩm đạt 4 sao; 174 sản phẩm đạt 3 sao).

Tại buổi Toạ đàm các đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ, trao đổi, thảo luận cụ thể những kinh nghiệm về phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản.

Đồng chí Bun-thon Păn-kẹo, Trưởng Đoàn công tác tỉnh Xay Sổm Bun phát biểu.

Đồng chí Bun-thon Păn-kẹo, Phó Giám đốc Sở Nông Lâm tỉnh Xay Sổm Bun, Trưởng Đoàn công tác cho biết: Nông dân Xay Sổm Bun sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, đa số phụ thuộc vào tự nhiên, rất yếu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hiệu quả sản xuất thấp. Tỉnh chưa có sản phẩm nông nghiệp hàng hóa. Đơn cử như việc nuôi cá ở Xay Sổm Bun chúng  khi thu hoạch, phải từ 3-4 con mới đạt trọng lượng 1 kg; trong khi đó ở tỉnh Bắc Giang, 1 con đã nặng tới 3-4 kg. Cây ăn quả như cam, bưởi, nhãn, vải thiều... ở đây có vị ngon, ngọt, nhưng những cây trồng này ở bên chúng tôi lại chua, năng suất thấp. Hay như mô hình nuôi vỗ béo bò, 1 hộ nuôi 100 con trên diện tích 4 ha. Trong khi đó ở Lào một hộ trên diện tích 40 ha chỉ nuôi có 150 con.

Do đó, đồng chí đề xuất các chuyên gia nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang chia sẻ kinh nghiệm, cách làm, kỹ thuật cũng như quan tâm giới thiệu các doanh nghiệp Việt Nam cũng như tỉnh Bắc Giang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Đồng chí Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang chia sẻ kinh nghiệm.

          Đồng chí Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết: Trước mắt, tỉnh Xay Sổm Bun cần cử cán bộ đầu mối biết tiếng Việt, có chuyên môn về ngành nông nghiệp để kết nối trực tuyến qua các nền tảng mạng xã hội như: zalo, viber, chat Zoom, khai thác tài liệu từ các Chi cục chuyên ngành nông nghiệp của Bắc Giang như: Trồng trọt, thú y, chăn nuôi, bảo vệ thực vật...để người dân Xay Sổm Bun có thể tự làm được mà không mất nhiều thời gian. Đẩy mạnh kỹ thuật ghép cải tạo vào trồng trọt để nâng cao năng suất và chất lượng.

          Tại buổi toạ đàm Lãnh đạo Sở Công Thương, Hội Nông dân tỉnh cũng trực tiếp trả lời các câu hỏi của phía Đoàn công tác tỉnh Xay Sổm Bun. Hai bên đã cởi mở, thẳng thắn chia sẻ những kinh nghiệm thiết thực, hữu ích cũng như bàn các giải pháp để phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh Xay Sổm Bun.

          Kết luận toạ đàm, đại diện phía tỉnh Bắc Giang đưa ra những bài học kinh nghiệm. Đó là tỉnh ban hành Nghị quyết, Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp theo từng giai đoạn. Với mỗi giai đoạn ban hành đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách, đề án hỗ trợ.

 

Đoàn công tác tỉnh Xay Sổm Bun thăm hộ trồng vải thiều tại xã Phượng Sơn (Lục Ngạn). Ảnh: Thuỳ Linh 

          Thời gian đầu khi trình độ kỹ thuật, nhận thức của người dân còn thấp, tỉnh Xay Sổm Bun đưa cán bộ khuyến nông, thú y về từng thôn, bản để tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới và nâng cao trình độ, nhận thức cho người dân. Xây dựng mô hình khuyến nông, hỗ trợ phát triển.

          Đầu tư hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, hệ thống cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm gắn với vùng sản xuất tập trung nhằm gia tăng giá trị, phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.

          Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” để khai thác thế mạnh, lợi thế các sản phẩm đặc sản địa phương. Đẩy mạnh đưa cơ giới hoá, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Có chính sách thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

          Hàng năm tỉnh tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh với nhiều điểm cầu trong và ngoài nước. 

          Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất mà nòng cốt là HTX nông nghiệp. HTX chính là cầu nối giữa doanh nghiệp với người dân, khắc phục tình trạng “Manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, sức cạnh tranh kém”.

 

Đoàn công tác tỉnh Xay Sổm Bun thăm mô hình nuôi bò vỗ béo tại thôn Bình Voi, xã Cảnh Thụy (Yên Dũng). Ảnh: Thuỳ Linh

          Trước đó vào các ngày 8 và 9/2, Đoàn công tác tỉnh Xay Sổm Bun đã tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất chè búp tươi, nuôi gà thả dưới tán rừng, nuôi dê ở huyện Yên Thế; sản xuất vải thiều sớm, trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tại huyện Lục Ngạn; nuôi bò vỗ béo, nuôi cá trắm đen thâm canh tại huyện Yên Dũng.

          Đăng Lâm

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 9,991
Tổng số trong ngày: 815
Tổng số trong tuần: 35,944
Tổng số trong tháng: 21,011
Tổng số trong năm: 347,167
Tổng số truy cập: 4,129,772